Đời mãi ghi ơn...

73 năm qua, tháng Bảy mãi là tháng người dân cả nước tri ân với người đã khuất vì sự bình yên của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình, nhưng những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại không gì bù đắp được.

73 năm qua, tháng Bảy mãi là tháng người dân cả nước tri ân với người đã khuất vì sự bình yên của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình, nhưng những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại không gì bù đắp được.

Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ xã Hòa Phú (H. Hòa Vang) làm nhiệm vụ ở dãy núi Bảy Mẫu.

Có thể nói, trong 2 cuộc kháng chiến, vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) là vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát. Bom tấn, pháo bầy và bao mưu toan đen tối nhất mà kẻ địch đã không ngần ngại gieo xuống mảnh đất này. Những con số lạnh lùng: 866 Bà mẹ VNAH, 2.964 liệt sĩ, 1.097 thương bệnh binh, 684 người bị địch bắt tù đày... đã đủ cho thấy cái giá của một ngày bình yên ở vùng nông thôn này là không có gì sánh nổi.

Là địa bàn miền núi giáp ranh với H. Hiên, tỉnh Quảng Đà cũ (nay là H. Đông Giang, Quảng Nam) nên trong chiến tranh chống Mỹ, xã Hòa Phú luôn bị đạn bom đánh phá ác liệt, một phần đây là cửa ngõ từ miền xuôi lên với địa thế hiểm trở có nhiều cơ quan, đơn vị chọn làm nơi trú quân, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng đất nước. Ông Đinh Văn Sâm (trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) - du kích trong kháng chiến chống Mỹ trải lòng: Sau ngày đất nước thống nhất, Hòa Vang sớm có chủ trương xã hội hóa công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS). Do thời gian kéo dài cùng với thiên tai lũ lụt, địa hình thay đổi nên công việc tìm kiếm cũng gặp nhiều khó khăn. Song, cán bộ, nhân dân địa phương vẫn tự nguyện mang theo lương thực, băng đèo vượt suối với bao hy vọng tìm được nhiều dấu vết đồng đội mình trong lòng đất. Những địa danh đồi Sông Hương, đồi Nắp Vung, dãy núi Bảy Mẫu, khe Giành... ken dầy dấu chân ông và các thành viên trong Đội quy tập. Các ông đã phát hiện và đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) các xã Hòa Phong, Hòa Phú. Sự tri ân đó xuất phát từ tấm lòng và được thực hiện một cách tự nguyện.

Cùng với việc chăm lo cho người còn sống, chính quyền các cấp, các hội đoàn thể, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân H. Hòa Vang còn có nhiều việc làm thiết thực để chăm sóc người có công với nước, tri ân những anh hùng liệt sĩ. 5 năm qua, bằng các nguồn vận động và ngân sách, huyện đã sửa chữa, xây mới 2.893 nhà chính sách với trị giá hơn 82 tỷ đồng; tôn tạo nâng cấp các công trình NTLS gần 53 tỷ đồng... "Bây giờ, nhìn theo những hàng bia mộ trong nghĩa trang, chúng tôi biết rằng có rất nhiều liệt sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, lòng đầy nhiệt huyết. Các anh đã hiến dâng cả đời mình cho đất nước, đã anh dũng chiến đấu hy sinh. Nhiều anh quê tận Lai Châu, Hải Phòng, Thanh Hóa... xa xôi đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của miền Nam ruột thịt vào công tác, chiến đấu và nằm lại nơi đây. Nhiều anh, không kịp để lại cái tên, năm sinh, quê quán của mình. Các anh đã trở thành những bông hoa, những tượng đài bất tử sống mãi với dân tộc để thế hệ trẻ hôm nay được sống và cống hiến góp phần xây dựng, phát triển quê hương", Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí chia sẻ.

Ai đã nói rằng "giữa dòng chảy vô tận của thời gian chỉ có tình người luôn là bờ bến". Đúng là chỉ có tình người luôn đọng mãi cho dù cuộc sống có đổi thay. Con người sống với nhau vẫn cần sự thủy chung, vẹn nghĩa, vẹn tình; nhất là đối với những người trong gian khó đã trọn tình, trọn nghĩa với quê hương, đất nước. "Vì vậy, người dân rất tâm đắc với tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngày kỷ niệm của các ban ngành chỉ tổ chức vào các năm chẵn để tránh lãng phí, nhưng với Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) thì không có khái niệm năm lẻ hay chẵn mà năm nào cũng phải được tuyên truyền, tổ chức tri ân thiêng liêng và sâu lắng", anh Lê Đức Tuấn (trú thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong) bộc bạch.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_228561_doi-mai-ghi-on.aspx