Đôi mắt của rừng - Cuốn sách đậm tính nhân văn

Ra mắt tháng 5-2023, “Đôi mắt của rừng” (Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành) - cuốn truyện dài của nhà văn Nguyễn Vân Anh đã nhanh chóng thu hút nhiều bạn nhỏ trong nước bởi nội dung vừa lôi cuốn, hấp dẫn vừa giàu tính nhân văn.

Bối cảnh của truyện diễn ra ở Tây Nguyên, vùng đất hùng vỹ của Tổ quốc. Cùng với việc giới thiệu những cảnh đẹp về rừng núi, sông suối đầy thơ mộng, “Đôi mắt của rừng” còn mang đến cho người đọc hình ảnh khá sinh động về nếp sống, sinh hoạt của một số nhân vật nhỏ tuổi hồn nhiên nhưng đầy nghịch ngợm, cá tính. Đó là Hậu, Sóc, Dũng kều, Tú sún, Hồng đen…, những đứa trẻ nông thôn, tuy gia đình còn khó khăn, cuộc sống không đầy đủ như trẻ con ở thành phố nhưng các em không tỏ ra buồn chán mà luôn chăm chỉ học hành. Ngoài giờ học, các em còn phụ giúp cha mẹ những việc như đuổi chim không cho ăn lúa chín ngoài đồng, rồi cùng nhau đùa vui với bao nhiêu trò chơi hay đi bắt cua, nhặt trứng vịt đồng, bắt cào cào… Trong số các nhân vật nhỏ tuổi, Tùng sẹo có hoàn cảnh khó khăn nhất, trên mặt lại có cái sẹo vì một lần bị tai nạn do phải tự mưu sinh. Thiếu mẹ, cha lại nghiện rượu nên Tùng sẹo phải sống cuộc sống vất vả trong ngôi nhà nhỏ biệt lập trên một ngọn đồi, chỉ biết làm bạn với cây cối, sông suối. Dù hoàn cảnh cơ cực, Tùng vẫn không làm việc gì để mọi người chung quanh phiền hà. Tuy vậy, có lần sợ cha bị lạnh, Tùng sẹo đã đi lấy những tấm áo từ những con bù nhìn do người ta dựng lên ngoài đồng để đuổi chim, mang về đắp cho cha khi ông say. Điều này tạo sự hiểu lầm cho những bạn nhỏ khác, trong đó có Hậu, Sóc, Dũng kều, Tú sún, Hồng đen. Nhưng dần dà, khi hiểu ra, các bạn nhỏ đã không còn ghét, xa lánh Tùng nữa. Nhất là khi vào rừng gặp cha của Hậu bị rắn cắn, Tùng đã nhanh chóng vượt qua con dốc trơn trợt, cõng ông đi cấp cứu… Trong truyện còn có một nhân vật đáng yêu đó là chú chó Kito, một con vật trung thành với chủ, đã bao lần cứu Hậu, Sóc thoát cảnh hiểm nguy.

Với 14 chương, gói gọn trong 160 trang sách, nhiều tình tiết hóm hỉnh, vui nhộn, lối kể chuyện đơn giản, gần gũi với trẻ em, “Đôi mắt của rừng” đề cao tinh thần đoàn kết và kỹ năng sống, giúp các em biết trân trọng và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn và biết yêu thương mọi người nhiều hơn. Đặc biệt, trong cuốn sách, tác giả đã dành nhiều đoạn tả phong cảnh Tây Nguyên khá lôi cuốn. Chẳng hạn như đoạn văn nói về buổi sáng: “Mặt trời đã lên cao. Sương dần tan. Đứng bên bờ hồ, có thể phóng tầm mắt ra xa hơn những ngọn đồi, thấy núi trập trùng bao phủ màu xanh của rừng. Làn sương mờ mỏng vương vấn. Đó đây, những đám mây sà thấp xuống, chạm vào đỉnh núi. Từ trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà gỗ mái ngói xám nâu xen lẫn đỏ sậm, nằm bình lặng dưới chân đồi. Làn khói bếp bay lên từ mái nhà xa xăm...”.

HẢI HÀ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202308/doi-mat-cua-rung-cuon-sach-dam-tinh-nhan-van-a912be5/