Đời mẹ hạnh phúc vì có con

Hạnh phúc của mỗi người không giống nhau bởi chúng ta có quá khứ xuất thân, hoàn cảnh hiện tại và ước vọng tương lai khác nhau.

Hạnh phúc đôi khi xa vời mà cũng thật gần gũi, đời thường như của một nữ thanh niên xung phong trở về sau chiến tranh.

Cả tháng rồi trời oi bức, ngày nắng như thiêu với mức nhiệt luôn ở ngưỡng 39 độ C, chiều tối mây vần từng cuộn dày, đen kịt mà không thể mưa. Mấy tối rồi bà Nhâm không yên lòng chợp mắt, cứ ngồi lặng bên lề giường nghe tiếng ngáy của người con trai đã 40 tuổi. Bà sợ, nếu ngủ đi một lúc, trời nóng quá thế này có thể làm con trai bị di chứng chất độc da cam lại bỏ đi thất lạc thêm một lần nữa. Cứ nhắm đôi mắt lại, chưa cần ngủ, hình ảnh anh Hiến ngồi bưng bát cơm ngon có cá kho, thịt luộc mà không thể ăn vừa mới đây làm lòng bà thắt lại, thương con khôn nguôi.

Minh họa: QUANG CƯỜNG.

“Ối ông ơi! Thằng Hiến chạy đi đâu rồi, con lạc đi đâu rồi, ông ơi... ông ơi”, bà Nhâm quẳng con dao chặt thịt gà xuống bàn, vừa gọi chồng vừa chạy thộc ra cổng. Ông Hiên nghe lời vợ kêu như muốn ngất lịm, chân ướt chân ráo từ sau vườn vụt về hướng bếp rồi chạy theo ra cổng. Đến ngã sáu, hai ông bà ngó trước ngó sau, ngó trái ngó phải vẫn không thấy con đâu. Ông Hiên giục bà về nhà nghỉ chút rồi hẵng đi tìm con: “Tôi sẽ chạy hướng chợ trước, lát bà đi tìm sau”... Nhưng ba giờ sáng, hai vợ chồng gặp nhau tại bãi rác thị xã, tìm mọi ngóc ngách vẫn không thấy anh Hiến. Bà Nhâm đi sau ông, lếch thếch về nhà, bóng dài phủ lên nhau, hòa vào bóng đêm trước mặt. Không nghĩ được gì, bà chỉ thấy chân ông đi xiên xiên như muốn khuỵu, muốn gọi hỏi ông sức khỏe thế nào mà cổ họng lặng đắng, không nói được lời nào.

Năm giờ sáng, bà đang chuẩn bị cơm sáng, ông Hiên đã dậy cho heo ăn. Cả ông và bà rệu rã như sau một cơn mộng dữ, thiệt lòng không biết làm cách nào để tìm được con sớm nhất. Bỗng trên loa phát thanh của phường đang rành rọt từng chữ: “Hồi 23 giờ đêm 23, trên đường đi tuần tra an ninh về, công an viên Trần Quân đã gặp và dẫn về nhà chăm sóc một người đàn ông nghi bị tâm thần, khoảng 40 tuổi. Anh này mặc áo phông cộc tay màu xanh nước biển, quần cộc màu nâu, đi dép tổ ong trắng và có thói quen đan chặt hai ngón tay cái vào nhau, hỏi gì không nói, cho gì cũng không ăn”. Nghe chưa hết lời, bà Nhâm chạy ngay ra tìm ông, đúng lúc ông chạy vào tìm bà. Hai người gặp nhau không nói gì, bà vội vào phòng ngủ dặn dò hai đứa cháu, ông tới phòng khách dắt xe ra cổng.

Đang ngồi trong góc phòng ngủ nhà người lạ, trên tay ôm chặt bát cơm còn vương mùi thơm gạo mới, phía trên có nửa con cá biển kho và mấy miếng thịt ba rọi luộc đã được chấm mắm, vô thần nhìn thấy mẹ, anh Hiến òa khóc như đứa trẻ, miệng “mẹ... mẹ”, tay thả bát cơm ôm mẹ không chịu rời. Bà Nhâm vỗ về con, mắt vẫn nhìn bát cơm, nước mắt chảy giàn trên mặt. Anh chủ nhà thấy bà nhìn bát cơm khóc, vội giải thích: “À, là do... cháu không biết anh thích ăn gì. Cháu đành cho anh ăn cả cá và thịt, để anh thích ăn gì thì chọn. Anh cũng không cho cháu lại gần, cháu sợ lỡ ép quá... anh không bình tĩnh được, có thể...”. Nghe lời người vừa cưu mang con mình như đang lo lắng, bà trấn tĩnh, quay lại mỉm cười và nói: “Không sao, anh nhà bác ăn gì cũng được... Chỉ là cắt nhỏ ra như hạt cơm. Cháu không biết, để như vậy anh chưa biết cắn hay dứt ra nên chưa thể ăn”. Nghe bà nói, khuôn mặt anh giãn ra, nét môi, ánh mắt vui tươi trở lại.

***

Cuối tháng Tư, điều vào cuối vụ, cây có thu, cây đã ngưng. Biết mất công, tốn sức khi phải vào rẫy thu gom lác đác nhưng đã 3-4 ngày rồi, chờ lâu nữa sợ bị thu trộm, không còn một hạt để lượm. Sáng bà cũng dậy sớm chuẩn bị cơm nước cho cả nhà, cửa lạt khóa lại đầy đủ. Tuy chuẩn bị kỹ mọi thứ để anh Hiến không ra khỏi nhà rồi thất lạc lần nữa, nhưng lòng bà chỉ muốn ở bên con. Rồi bà lại nghĩ, mọi chi tiêu của 6 người, cả già cả trẻ, trông hết vào điều, mà đã làm vườn, việc thu hái là chuyện đương nhiên. Cây điều ra trái, thu trái là việc làm đúng quy luật, rất tự nhiên, thậm chí nhân văn. Giống như cây cao su, phải cạo sâu vào vỏ mới là việc làm nhân văn dành cho cây. Nếu thương cây không cạo, thời gian ngắn sau, vỏ căng mủ nẻ toác chi chít lên thân gây chết cây. Nghĩ vậy, bà gói đồ theo chồng vào rẫy, cách nhà 20km.

Đến trưa, bưng bát cơm ngồi ăn dưới bóng điều thơm mùi hạt cuối vụ, nắng mùa khô rọi bông tối, bông vàng lên tay, lên gương mặt chồng lấm lem mồ hôi và bụi lá, bà khóc. Thương nhớ con ở nhà một mình. “Không biết bây giờ hai đứa cháu đã đi học về chưa, đã lấy cơm cho bác ăn chưa. Con ăn được thế nào, có rơi rớt quá nhiều không... Chiều tối nay trời có mưa giông chăng nữa cũng nhất định về với con sớm nhất”...

Có người nói với tôi rằng, họ không dám nghĩ đến hạnh phúc của các cựu thanh niên xung phong. Bởi nó quá mỏng manh, dễ vỡ. Tôi không biết mình cảm thấy thế nào nhưng lòng dậy lên khao khát được đọc, nhìn thấy niềm hạnh phúc của một người thôi cũng được. Nếu đó là niềm vui, tôi sẽ vui cùng họ, nếu là nỗi buồn thương, tôi nguyện khóc cùng họ. Để rồi khi chứng kiến niềm hạnh phúc của bà Nhâm, tôi biết hạnh phúc luôn có ở khắp nơi. Nó không chỉ được sinh ra từ sự xinh đẹp, lộng lẫy; nó vẫn vẹn nguyên cả khi hình thành từ trong bất hạnh, niềm đau không bao giờ dứt. Hạnh phúc của cựu thanh niên xung phong Trần Thị Nhâm giản dị như bao niềm hạnh phúc đơn sơ khác của các cựu thanh niên xung phong, là “cuộc đời mẹ hạnh phúc vì có con” như lời chia sẻ của bà khi tiễn chúng tôi ra về.

Tiết trời vẫn oi nóng, bằng tình yêu, hạnh phúc trong gia đình, chúng tôi tin rằng anh Hiến sẽ không bị thất lạc một lần nữa.

Tản văn của PHẠM VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/doi-me-hanh-phuc-vi-co-con-537420