ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG - CẦN LÀM RÕ VIỆC CHUYỂN ĐỔI PHƯƠNG THỨC TỪ TRUYỀN TẢI KIẾN THỨC SANG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC

Chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông' được dư luận xã hội, nhân dân rất quan tâm. Dù đạt được một số kết quả bước đầu,nhưng việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn có sự khác nhau giữa các địa phương, cơ sở giáo dục nên chưa đạt mục tiêu như mong đợi...

Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được thành công bước đầu

Ghi nhận tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Giáo dục và đào tạo về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn giám sát đánh giá, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được thành công bước đầu, bảo đảm đủ sách giáo khoa triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết 51. Các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới. Đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng, miền (không có bất kỳ cơ sở giáo dục nào chưa được triển khai thực hiện). Tuy việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn có sự khác nhau giữa các địa phương, cơ sở giáo dục nhưng về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đổi mới.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu giải trình tại buổi giám sát

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với định hướng, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện triển khai.

Theo đó, việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn) và chương trình các môn ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh chậm so với các môn học khác. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới. Số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ, đồng thời còn thiếu so với quy định. Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

Làm rõ việc chuyển đổi từ truyền tải kiến thức sang phát triển năng lực

Từ những tồn tại trên, các thành viên Đoàn giám sát đưa ra quan điểm quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là làm sao định lượng được việc truyền tải kiến thức sang phát triển năng lực. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ việc chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực theo quan điểm này, để bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng định hướng đề ra.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nêu vấn đề hiện nay, các trường học đang triển khai việc chuyển đổi chương trình cũ sang chương trình mới theo trình tự cuốn chiếu, gây ra sự đứt gãy giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên, gây khó khăn cho các em học sinh phải học một chương trình học mới khi lên cấp. Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ các giải pháp để giúp học sinh bổ trợ kiến thức, đồng thời giúp các giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp để tháo gỡ vướng mắc này.

Qua khảo sát thực tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho rằng hiện nay các địa phương đang có những cách hiểu khác nhau trong việc sử dụng sách giáo khoa, do vậy cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông để thống nhất cách hiểu, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với vấn đề này. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát để cung cấp số liệu đầy đủ hơn về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các bộ môn tích hợp trên phạm vi cả nước....

Giải trình về những nội dung này, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc kiểm tra, đánh giá năng lực theo hướng là đánh giá quá trình, thông qua các hoạt động, dự án. Trong quá trình thực hiện các hoạt động để giải quyết vấn đề, học sinh phải tìm tòi, trao đổi, khám phá; qua đó, giáo viên đánh giá thường xuyên. Trong việc đánh giá định kỳ phải xây dựng các ma trận đề phù hợp.

Liên quan đến việc bổ trợ kiến thức cho học sinh, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Bộ đã ban hành công văn hướng dẫn quy định khối lượng kiến thức cần bổ sung cho từng môn học. Các nhà trường xây dựng chương trình để bù đắp kiến thức cho các em. Đối với việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình mới, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo phân tích, các nước trên thế giới không phải tất cả môn khoa học đều có giáo viên dạy được 3 phân môn mà tùy theo điều kiện của từng nhà trường để bố trí giáo viên phù hợp. Bộ đã đưa ra lộ trình, yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch để giáo viên có thể chuyển từ đơn môn thành đa môn và có lộ trình từng năm; rất linh hoạt với từng nhà trường, qua đó bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên.

Nhiều địa phương, cơ sở vật chất trường học và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu

Thực hiện giám sát thực tế tại các trường ở một số địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Định, một vấn đề chung được Đoàn giám sát ghi nhận đó là với chương trình sách giáo khoa mới, nhiều học sinh cha mẹ học sinh chưa đánh giá đúng năng lực, sở thích của học sinh, đặc biệt là chưa hiểu hết về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học và ứng dụng của mỗi ngành khoa học vào các ngành nghề cũng như đời sống lao động thực tế, ít nhiều ảnh hưởng đến việc chọn môn học, tổ hợp môn học và chuyên đề học tập, đặc biệt với đối tượng học sinh cuối cấp lớp 9 lên lớp 10.

Bên cạnh đó, chương trình mới đòi hỏi học sinh phải tự học nhiều, phát huy tính chủ động, sáng tạo, chiếm lĩnh kiến thức trong học tập. Với học sinh THCS, một số em quen với phương pháp dạy học truyền thống, một số học sinh có điểm đầu vào thấp phần nào gây khó khăn cho giáo viên trong triển khai phương pháp dạy học tích cực thông qua tổ chức các hoạt động. Hiện nay đa số nhà trường còn thiếu thiết bị dạy học môn Mỹ thuật, Âm nhạc cũng như thiếu giáo viên giảng dạy. Trong quá trình triển khai thực hiện có một số nội dung nhà trường phải điều chỉnh để phù hợp hơn so với kế hoạch ban đầu. Một số vấn đề còn tồn tại như: tình trạng thừa giáo viên do học sinh lựa chọn môn học; việc bố trí các giáo viên có chuyên ngành đào tạo khác sang giảng dạy các hoạt động giáo dục khác trong khi chỉ được tập huấn ngắn hạn... phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục các hoạt động này.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà báo cáo tại buổi làm việc

Ngay như địa phương thuộc Top đầu cả nước như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết dù Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cụ thể hóa các nhiệm vụ Trung ương giao; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện thống nhất trên toàn Thành phố về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí, đội ngũ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thành phố đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình bảo đảm đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo quy định. Hằng năm, Thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt. Năm 2022, Thành phố đã bố trí, cấp kinh phí thực hiện công tác bồi dưỡng cho gần 362.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống trường học, lớp học…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn cung còn hạn chế do quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố còn bất cập do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bổ không đều; có sự chênh lệch giữa các vùng, các quận nội thành và huyện ngoại thành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. TP. Hà Nội kiến nghị, Quốc hội xem xét ban hành chính sách về chế độ đặc thù lương, phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác tại các cơ quan quản lý ngành giáo dục và đào tạo. Kiến nghị Chính phủ quan tâm đến chế độ, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo tập huấn bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, tập trung vào các nội dung như phương pháp dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra đánh giá…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội

Đoàn giám sát ghi nhận một số kết quả ban đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội trên địa bàn TP. Hà Nội, Đoàn giám sát đề nghị, UBND TP. Hà Nội đánh giá sâu hơn về những bất cập của hệ thống văn bản từ Trung ương đến địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Về nhân lực, chất lượng đội ngũ giáo viên, một số ý kiến đề nghị, cần làm rõ tình trạng “vừa thừa lại vừa thiếu giáo viên”; cơ chế huy động thêm lực lượng giáo viên trong bối cảnh thiếu giáo viên cục bộ ở địa phương; các giải pháp tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; việc bảo đảm số lượng đi đôi với chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Việc ban hành hệ thống các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết 88 của QH còn chậm so với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông

Ghi nhận tại của đoàn giám sát khi làm việc với các bộ, ngành trong việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành hệ thống văn bản bao quát các mặt, lĩnh vực để bảo đảm yêu cầu đổi mới. Công tác chỉ đạo của Chính phủ đã cơ bản bao quát toàn diện các nội dung theo yêu cầu đổi mới; bảo đảm sự sâu sát và kịp thời trong chỉ đạo triển khai và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.Tuy nhiên, việc ban hành hệ thống các văn bản còn chậm so với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội. Cụ thể: việc tham mưu ban hành Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ và các Đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất; Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các môn học; cơ chế tài chính... để thực hiện Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ đều bị chậm so với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội. Để bảo đảm các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh lộ trình triển khai thực hiện; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình và hệ thống các văn bản này kịp thời để triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, do việc triển khai đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông là vấn đề khó, có những nội dung lần đầu tiên thực hiện như: ban hành chương trình tổng thể sau đó ban hành chương trình môn học làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, trong khi đó vẫn giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ nhằm tránh việc không thực hiện được xã hội hóa nên trong quá trình triển khai có một số điều chỉnh. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn…

Từ báo cáo của Chính phủ, Đoàn giám sát nhận thấy, nhìn chung, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành phố và toàn ngành giáo dục nỗ lực triển khai thực hiệnm nhưng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện ban hành chậm tiến độ; một số văn bản chưa được ban hành; có văn bản nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; có văn bản chưa phù hợp về mặt thể thức, gây ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập cho công tác triển khai thực hiện và sự chưa đồng thuận của một bộ phận dư luận xã hội. Đoàn giám sát đề nghị, Bộ cần báo cáo rõ hơn về nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế nêu trên để xác định trách nhiệm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc với các bộ, ngành

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trưởng đoàn giám sát đề nghị, các bộ, ngành cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đồng bộ của hệ thống chính trị; rà soát các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và toàn thể xã hội về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức sơ kết đánh giá, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong triển khai thực hiện Nghị quyết.

Rà soát, đánh giá kỹ hơn nữa về cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là khi Chương trình triển khai ở các khối lớp còn lại để đề xuất cơ chế, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Nghiên cứu đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách về tài chính bảo đảm đủ kinh phí triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện tốt chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn huy động hợp pháp từ xã hội để tạo thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị tham vấn chuyên gia

Ủy ban thường vụ Quốc hội tham vấn chuyên gia về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Từ những vướng mắc được chỉ rõ trong thực hiện Nghị quyết 88, Ngày 21.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh chủ trì đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Các chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Các chuyên gia đồng tình với nhận định của đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành phố và toàn ngành giáo dục nỗ lực triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Các mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp, nhiệm vụ đề ra đã cơ bản được tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, còn một số vấn đề nổi lên cần được quan tâm trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Do vậy, để chương trình đổi mới sách giáo khoa đạt hiệu quả thì cần có giải pháp mạnh mẽ hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục; việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm…

Các chuyên gia đánh giá cao quá trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với cách tiếp cận riêng, sát đúng với các đối tượng. Các ý kiến đã góp ý thẳng thắn vào các nội dung liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại Hội nghị sẽ là những thông tin hữu ích để Đoàn giám sát tiếp tục hoàn hiện Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78117