Đổi mới cơ chế tài chính nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân

Ngày 20/5, Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Y tế.

Toàn cảnh buổi lam việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Y tế

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, hiện ở cơ quan Trung ương đang quản lý 111 đơn vị sự nghiệp y tế công lập, còn địa phương quản lý hơn 2.000 đơn vị. Tổng số toàn ngành Y tế có gần 355.000 cán bộ, nhân viên.

Thời gian qua, các đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng số lượng và chất lượng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớn nhân dân. Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2016 cho thấy người dân đã hài lòng hơn về y tế công lập, nhất là ở các bệnh viện tuyến quận, huyện.

Đánh giá việc triển khai thực hiện cơ chế quản lý, cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng, các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ giảm. Năm 2017, do thực hiện được giá dịch vụ có tính tiền lương nên ước tính cả nước có khoảng 100 bệnh viện công đã tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên. Đến nay đã thực hiện lộ trình tính tiền lương vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), riêng đối với người chưa có thẻ BHYT dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2017.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tuy chưa có báo cáo đầy đủ nhưng chỉ tính riêng các đơn vị thuộc Bộ Y tế thì số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 20.599 người (của 18 bệnh viện), tiền lương phải chi khoảng 1.681,4 tỷ đồng/năm, TP Hồ Chí Minh sau khi tính tiền lương vào giá sẽ giảm chi lương từ ngân sách nhà nước khoảng trên 1.000 tỷ đồng, các tỉnh khác thấp nhất cũng giảm được 70-100 tỷ đồng, từng bước thực hiện chủ trương chuyển ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Thời gian qua, thực hiện việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống, đã có 22 tỉnh/thành phố sáp nhập các đơn vị y tế dự phòng thành trung tâm kiểm soát dịch bệnh, giúp giảm được 100 đơn vị trực thuộc, giảm 300 đầu mối và 1.200 cán bộ quản lý, chưa kể tinh giảm được biên chế đối với nhân viên và giảm chi phí đầu tư.

Tại tuyến dưới, việc sáp nhập trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện thành mô hình trung tâm y tế 2 chức nang đã giảm được 450 đầu mối và 1.800 cán bộ quản lý. Tuy nhiên, ở tuyến Trung ương và tại các tỉnh thành chưa thực hiện việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức, vẫn còn tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ trong cùng một tuuyến và giữa các tuyến. Ngoài ra, cơ chế quản lý cũng chưa thống nhất.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế công lập hiện vẫn gặp một số hạn chế, bất cập như: Chưa xây dựng được mô hình quản trị tương tự như doanh nghiệp, gồm Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, thuê giám đốc điều hành, cơ chế công khai, minh bạch các hoạt động, tài chính của các đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên và đầu tư, tự chủ chi thường xuyên để tạo điều kiện, phát huy tối đa tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị vẫn chưa muốn tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà vẫn muốn được ngân sách nhà nước bao cấp nên chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo. Ngân sách trung ương dành cho chi Chương trình mục tiêu y tế - dân số còn thấp nên ảnh hưởng đến y tế dự phòng và hoạt động của y tế cơ sở. Chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý, chính sách thu hút đối với cán bộ y tế, dẫn đến tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc tự chủ về tài chính và thực hiện xã hội hóa các dịch vụ y tế hiện đang diễn ra mạnh mẽ tại tuyến trung ương, tạo nên sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng vẫn còn tình trạng lẫn lộn công tư. Trong khi đó, tại tuyến dưới lại thiếu sự đầu tư về trang thiết bị và nhân lực nên thiếu sự cạnh tranh và vắng bệnh nhân.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế hoàn chỉnh lại báo cáo, cập nhật số liệu mới hơn và số liệu đưa ra phục vụ mục đích đánh giá, phân tích theo chủ đề. Đặc biệt, Bộ phải có những kiến nghị, đề xuất cụ thể như về quản lý nhà nước thì tập trung vào nội dung gì; luật gì phải sửa, sửa cái gì, vì sao lại sửa.

Bộ cần xem xét lại kiến nghị hạn chế và tiến tới xóa bỏ đơn vị chủ quản vì đơn vị sự nghiệp khác với doanh nghiệp. Đồng thời đánh giá kỹ về hiệu quả, chức năng của các trung tâm y tế và phòng khám; xem xét lại quá trình sắp xếp theo địa giới và khu vực. Trên cơ sở đó, Bộ cần đề xuất những giải pháp thực sự mạnh và đột phá; các chính sách y tế liên quan đến BHYT, thông tuyến, phân hạng cần rành mạnh... Tất cả những đổi mới về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính cũng nhằm mục tiêu là tăng cường năng lực, qui mô, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tại buổi làm việc, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ cho phép được tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa; được thực hiện cơ chế kết hợp công tư về nhân lực; cho phép thực hiện BHYT xã hội nhiều mức đóng theo lương, có mức cơ bản. Đặc biệt là có mức nâng cao để khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia; được thực hiện thống nhất trong cả nước việc quản lý theo ngành ở địa phương. Bộ Y tế kiến nghị được thực hiện thống nhất trong cả nước việc quản lý theo ngành ở địa phương. Sở Y tế quản lý thống nhất trên địa bàn cả chuyên môn, nhân lực và tài chính.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/doi-moi-co-che-tai-chinh-nham-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan_t114c1160n119265