Đổi mới cơ chế tài chính: Tiếp cận cách quản lý tiên tiến

Trong những năm qua, cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có những bước đổi mới, trong đó có việc chuyển từ cơ chế cấp phát tài chính theo kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sang cơ chế quỹ với việc hình thành, ra đời Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF).

Cơ chế mang tính đột phá

Quỹ NAFOSTED được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP của Chính phủ, khai trương đi vào hoạt động từ tháng 2/2008 và bắt đầu hoạt động tài trợ, hỗ trợ từ tháng 11/2009.

Còn Quỹ NATIF được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Năm 2015, quỹ chính thức đi vào hoạt động. Việc thành lập hai quỹ thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ cũng như Bộ KH&CN trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy KH&CN và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước; xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Các hoạt động KH&CN được ưu tiên hỗ trợ

Các hoạt động KH&CN được ưu tiên hỗ trợ

Đặc biệt, cơ chế thực hiện đối với hai quỹ nói trên đều rất đổi mới và tiếp cận cách quản lý KH&CN tiên tiến trên thế giới. Đặc trưng lớn nhất của các quỹ này là tổ chức, bộ máy và phương thức hoạt động đề cao tính tự quản, dân chủ và công khai.

Duy trì hoạt động

Mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ KH&CN về tình hình hoạt động của hai Quỹ NAFOSTED và NATIF. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển kinh tế cần coi KH&CN là yếu tố then chốt, hàng đầu mới có thể nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, theo đó việc duy trì hai quỹ là cần thiết.

Ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho biết, hiện nay các quỹ đang tạo ra khí thế sôi động, nhất là đối với thế hệ trẻ bởi quỹ tiếp cận và áp dụng mô hình mới. Các quỹ này đóng vai trò tạo vốn mồi là phù hợp và nên duy trì các quỹ.

Lý giải về tầm quan trọng của hai quỹ này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho hay, đối với nghiên cứu cơ bản, trước đây 10 năm, không có Quỹ NAFOSTED thì thiết kế, phân bổ vốn thông qua các nhiệm vụ, định vị sản phẩm chưa rõ. Khi có Quỹ NAFOSTED, chất lượng đánh giá các nghiên cứu tăng lên nhiều, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và theo chuẩn quốc tế.

"Quỹ NAFOSTED đã mở ra cơ hội cho các nhà khoa học trẻ, hiện 55 - 65% các đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật có chủ nhiệm đề tài là nhà khoa học trẻ không quá 40 tuổi; các cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài ngày càng tăng" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh và chia sẻ thêm, đối với Quỹ NATIF, cũng đã có sự xoay trục, chuyển dịch từ viện nghiên cứu, trường đại học sang việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thực tế đã chứng minh về mô hình, hiệu quả của các quỹ. Sự ra đời của các quỹ đã tạo ra kênh tài chính đa dạng và năng động nhằm huy động thêm các nguồn lực tài chính trong xã hội, hỗ trợ ngân sách nhà nước trong thực hiện các mục tiêu phát triển KH&CN. Đồng thời, khắc phục những hạn chế của cơ chế tài chính truyền thống cho hoạt động KH&CN.

Cơ chế hoạt động của hai Quỹ NAFOSTED và NATIF rất linh hoạt, chủ động và có tính đan xen giữa cơ chế quản lý nhà nước thuần túy và cơ chế quản lý thị trường, do đó, đã phát huy hiệu quả cao trong hỗ trợ hoạt động nghiên cứu KH&CN.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-moi-co-che-tai-chinh-tiep-can-cach-quan-ly-tien-tien-117611.html