Đổi mới công tác cán bộ ở Bảo Yên

Nằm giữa sông Hồng và sông Chảy, với 15 dân tộc sinh sống, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) có địa hình bị chia cắt, giao thông khó khăn, sản xuất chậm phát triển, trình độ dân trí hạn chế. Huyện ủy Bảo Yên xác định cán bộ là cái gốc của mọi công việc, nhất là đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn, bản.

“Tuyển chọn công khai, dân chủ; bồi dưỡng, thử thách, sàng lọc qua thực tiễn; lấy hiệu quả công tác làm “cái sàng” để “lọc” cán bộ” là phương châm của Huyện ủy Bảo Yên trong đổi mới công tác cán bộ, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cán bộ là gốc của công việc

Chúng tôi đến xã Xuân Thượng - một trong vài xã "chậm tiến" nhất của huyện Bảo Yên. Bí thư Huyện ủy Dương Ðức Huy trăn trở: "Xuân Thượng có nhiều lợi thế tự nhiên nhưng "chậm tiến" là do đội ngũ cán bộ xã còn yếu kém, mà nguyên nhân là do tư tưởng cục bộ địa phương, tư duy "dòng tộc" ăn sâu trong cán bộ chủ chốt ở đây, ngại học hỏi, sợ thay đổi". Một số xã khác như Tân Tiến, Xuân Hòa, Vĩnh Yên… cũng có tình trạng tương tự, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ vài nhiệm kỳ gần đây, công tác tổ chức cán bộ ở cấp huyện đã có những bước thay đổi, nhưng sức ỳ trong tư tưởng vẫn còn nặng nề. Thống nhất quan điểm đã khó, nói gì đến phát triển sản xuất, làm giàu.

Theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Bảo Yên lấy công tác tổ chức cán bộ làm khâu đột phá, đặc biệt là Văn bản số 77 của Ban Thường vụ Huyện ủy về "chuẩn hóa cán bộ" ở địa phương.

Giải pháp trước mắt là luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và luân chuyển ngang từ xã này sang xã khác. Việc này không mới, nhưng điều khác biệt ở đây là cách làm. Ðưa cán bộ huyện về xã không phải để "tráng men", đã qua cơ sở rồi vào những vị trí cao hơn; việc luân chuyển ngang không phải là để "cứu" cán bộ yếu kém ở nơi đang công tác, mà là để xóa tình trạng cục bộ, địa phương. Ðiểm mấu chốt là xuất phát từ yêu cầu công việc để chọn người phù hợp, tăng cường cho cơ sở.

Tính đến nay, Bảo Yên đã luân chuyển 11 cán bộ theo yêu cầu công việc, việc làm này đã tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét ở cơ sở. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với sự chuyển biến ở xã Xuân Thượng. Từ quốc lộ 279 muốn đến được làng Vành phải mất bảy lần lội suối. Xã có 11 thôn, bản thì cần tới 11 điểm bắc cầu. Có cầu sẽ có lưu thông, trẻ em yên tâm tới lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Nhìn ra vấn đề, Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng cùng Ðảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo, vận động nhân dân làm 11 cây cầu. Ðể có vật liệu làm cầu, Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng đã mạnh dạn xin huyện số sắt thép thanh lý của cầu Cốc Lếu, huy động sức dân và sự ủng hộ phương tiện, máy móc thi công của doanh nghiệp để làm cầu qua suối. Nhờ đó, chưa đầy một năm, 11 cây cầu (dài nhất 30 m và ngắn nhất 4 m) đã được làm xong, nối 11 thôn, bản với xã, với quốc lộ 279, bảo đảm cho các xe tải trọng 4 đến 8 tấn chạy qua an toàn. Nhờ giao thông phát triển, Xuân Thượng đã có sự đổi thay căn bản, phá vỡ vòng luẩn quẩn của cách làm ăn tự cung, tự cấp, mở đường cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới.

Vì việc mà chọn người

Trên cơ sở rà soát, nắm chắc, sát đúng các đặc điểm, thế mạnh cũng như hạn chế, điểm yếu của từng xã, từng vùng mà Huyện ủy Bảo Yên đã tuyển lựa, luân chuyển, bố trí cán bộ cho phù hợp, theo phương châm "vì công việc mà chọn cán bộ". Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phạm Duy Thịnh cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn những cán bộ phù hợp để tăng cường về cho từng xã còn yếu về cán bộ, về phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tiêu chí đánh giá cán bộ luân chuyển là căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ, lấy kết quả khắc phục những hạn chế, yếu kém làm thước đo. Hiệu quả rất rõ nét, chỉ sau hai năm, đã xóa xong điểm "nóng" ở xã Bảo Hà, lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý đất đai.

Xã Xuân Hòa bước đầu có chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa với mũi nhọn là chăn nuôi và trồng được 2.000 ha quế và 300 ha chè. Xã Xuân Thượng bước đầu xóa bỏ được tệ cục bộ dòng họ, phát triển mạng lưới giao thông mở đường cho sản xuất hàng hóa. Xã Vĩnh Yên đưa hoạt động văn hóa vào các vùng dân cư bị lợi dụng hoạt động tôn giáo trái pháp luật, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Hiện, phong trào văn hóa xã hội của các dân tộc đã phát triển tốt, xã có đội bóng chuyền, bóng đá nữ tham dự giải "Bông lúa vàng" của tỉnh, đạt thành tích cao.

Việc thi tuyển cán bộ, công chức không mới với các địa phương, vấn đề khác biệt ở Bảo Yên là cách làm. Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Dương Ðức Huy rất tâm đắc với công việc mà Ban Thường vụ Huyện ủy đang tiến hành. Với phương châm "tạo nguồn từ cơ sở, tuyển chọn qua công việc thực tế", đến thời điểm này, Bảo Yên có nguồn gần 300 người có trình độ chuyên môn từ trung cấp tới thạc sĩ là con em tại địa phương, để tuyển chọn vào làm cán bộ công chức xã, đoàn thể.

Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện phương án về từng xã tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn cán bộ. Ðể làm tốt việc này, huyện đã yêu cầu các phòng, ban lập danh sách các ứng viên có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, đồng thời nắm rõ sự thiếu và yếu cán bộ của từng xã, sau đó tổ công tác của Ban Thường vụ do Bí thư Dương Ðức Huy chủ trì, trực tiếp về từng xã để tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn. Trước hết, xem xét nội dung công việc như thế nào, sau đó mới đề ra tiêu chí chọn người. Ngoài những tiêu chí chung như chuyên môn được đào tạo, kiến thức về tin học, sự hiểu biết pháp luật, đi sâu phỏng vấn, kiểm tra hiểu biết, nhận thức về lĩnh vực cần tuyển chọn. Chẳng hạn, tuyển người làm công tác phụ nữ, thì hỏi về những phong trào tiêu biểu của phụ nữ hiện nay; cần người làm văn phòng thì hỏi cách giao tiếp với dân; cần người làm công tác hội nông dân, hỏi kiến thức cơ bản về nông nghiệp, nông thôn về phong trào hiện nay hội đang làm…

Cách làm này dù không mới nhưng cho kết quả khá cụ thể và thiết thực, loại bỏ được tệ "chạy" công chức, xóa bỏ tận gốc tệ "con cháu", cục bộ dòng họ… vốn tồn tại rất lâu ở nhiều địa bàn miền núi. Ðến nay, huyện đã phỏng vấn và tuyển chọn được 76 người, gồm: một thạc sĩ, 40 trình độ đại học, sáu cao đẳng, 20 trung cấp vào các chức danh cán bộ, công chức xã. Nhờ vậy, trong số 418 cán bộ, công chức xã của toàn huyện đã có 400 cán bộ tốt nghiệp chuyên môn từ trung cấp trở lên, 18 cán bộ có bằng sơ cấp hoặc tương đương, 404 cán bộ tốt nghiệp trung cấp chính trị trở lên… Lớp cán bộ này đã phát huy được năng lực sở trường, đoàn kết và gây dựng được phong trào của địa phương, như Nguyễn Thái Bưởi, dân tộc Tày, tốt nghiệp đại học nông nghiệp, Bí thư Ðoàn xã Kim Sơn, với phong trào mở đường giao thông nông thôn; Sùng Thị Sòa, dân tộc Mông, tốt nghiệp đại học văn hóa, Bí thư Ðoàn xã Ðiện Quan, với phong trào bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa…

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Dương Ðức Huy phấn khởi nói về kết quả bước đầu trong đổi mới công tác cán bộ ở địa phương, đó là hợp lòng dân, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh từ cơ sở. Tuy nhiên, cũng còn những băn khoăn, trăn trở vì chuyển biến kinh tế - xã hội chưa đồng đều. Từ kinh nghiệm luân chuyển cán bộ đã thu được sau ba năm thực hiện, Huyện ủy Bảo Yên sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ lấy công tác tổ chức và cán bộ để củng cố những xã yếu kém, tạo động lực chung phát triển toàn diện mọi mặt trong toàn huyện.

QUỐC HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34453502-doi-moi-cong-tac-can-bo-o-bao-yen.html