Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao trong giai đoạn mới

Đây là chủ đề của buổi Tọa đàm chiều 19/7 tại Hà Nội, do Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Ngoại giao và Trung tâm Foset, Học viện Ngoại giao phối hợp tổ chức nhằm trao đổi những kinh nghiệm trong công tác quản lý cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân sự, cán bộ nhân viên của các cơ quan, tổ chức… từ đó rút ra bài học cho công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự và chủ trì buổi Tọa đàm

Tham dự buổi Tọa đàm còn có các vị Đại sứ: Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Nguyệt Nga, Nguyễn Phương Nga; Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Tô Anh Dũng; các vị Trợ lý Bộ trưởng: Nguyễn Minh Vũ, Phạm Sao Mai; các chuyên gia kinh tế: Phạm Chi Lan, Võ Trí Thành; bà Trịnh Thu Hồng, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn FPT; bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Nhân sự Deloitte Việt Nam… và thủ trưởng các đơn vị của Bộ Ngoại giao.

Công tác cán bộ đáp ứng nhu cầu đòi hỏi

Phát biểu dẫn đề tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện Bộ Ngoại giao có trên 2.200 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, giảm 4% so với Hội nghị Ngoại giao 29 (tháng 8/2016). Chất lượng đội ngũ cán bộ lại được nâng lên, độ tuổi trung bình giảm từ 42 xuống còn 40 so với tháng 8/2016… đáp ứng được nhu cầu công tác và đúng chủ trương của Đảng, đường lối của Nhà nước theo tinh Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ Ngoại giao luôn được đánh giá là một trong các Bộ/ngành có chất lượng cán bộ tốt, làm việc chuyên nghiệp. Nhiều cán bộ đã thể hiện được năng lực chuyên môn giỏi, năng động, tự tin, trình độ ngoại ngữ tốt và đáp ứng được yêu cầu trong quá trình hội nhập, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Các cán bộ trong thời gian qua đã được chú trọng bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại.

Hiện Bộ đã và đang tổ chức các lớp đào tạo với nhiều nội dung phong phú, phục vụ cho các đối tượng khác nhau như: các lớp tiền công vụ dành cho các cán bộ mới vào ngành; các lớp phục vụ công tác luân chuyển dành cho các bộ đi công tác nước ngoài; các lớp phục vụ nâng cao kiến thức, kỹ năng đối ngoại và các kỹ năng khác phục vụ công tác; các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, kỹ năng biên phiên dịch; các chương trình cử cán bộ đi thực tập tại các cơ quan đại diện nhằm đào tạo các cán bộ phục vụ công tác đa phương…

Về cơ bản, các đại biểu đánh giá số lượng các khóa đào tạo đa dạng và phong phú hơn đã đáp ứng các nhu cầu khác nhau của công chức, viên chức và đáp ứng được yêu cầu của Bộ trong công tác. Chất lượng về nội dung và phương pháp đào tạo trong nước ngày càng được nâng cao, liên tục được điều chỉnh, cải tiến để ngày càng sát hơn với nhu cầu thực tế của công việc.

Ngoài các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước, Bộ còn tổ chức các chương trình thực tập dành cho cán bộ ngoại giao trẻ tại các cơ quan đại diện ở nước ngoài.
Đổi mới trong công tác đào tạo cán bộ

Cũng tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đều nhận định, trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang có những dịch chuyển mạnh mẽ, tác động sâu sắc tới việc xây dựng, triển khai chính sách đối ngoại của tất cả các quốc gia và dưới tác động của CMCN 4.0… đang mở ra cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển nhưng cũng làm giảm lợi thế địa kinh tế của nước ta.

Trong bối cảnh đó, hoạt động đối ngoại được triển khai trong môi trường phức tạp hơn, cơ hội đan xen thách thức, chuyển hóa phức tạp hơn. Bối cảnh ấy cũng đặt ra nhu cầu cấp thiết về đổi mới tư duy, cách làm trong đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Võ Trí Thành đã nhấn mạnh đến những thách thức và đòi hỏi sự thay đổi đối với cán bộ ngoại giao. Đó là hiểu sự thay đổi của thế giới bên ngoài, đặc biệt của khu vực, nước đối tác mà cán bộ được phân công theo dõi. “Phải đánh giá được tác động của những thay đổi từ thế giới, khu vực, nước đối tác tới nước ta”, bà Chi Lan nói. Từ đó, tìm ra những điểm mạnh, yếu, cơ hội, thách thức trong quan hệ hai bên trong bối cảnh thay đổi đó.
Một điều cần thiết nữa, theo bà Phạm Chi Lan là cán bộ ngoại giao cần đo đúng khoảng cách cần lấp giữa ta và đối tác, đánh giá đúng mức sự phát triển, tiềm năng của nước ta… từ đó góp phần cải thiện năng lực hội nhập thực chất của nước ta với khu vực và thế giới.

Bà Phạm Chi Lan cũng đặt vấn đề tối ưu hóa các mối quan hệ ngoại giao cho sự tăng cường nội lực nhằm phát triển dài hạn của Việt Nam; giảm thiểu xung đột lợi ích với các đối tác, đối thủ… từ đó tăng sự kết nối, tích hợp, hội tụ các sức mạnh bên trong và bên ngoài để vượt thách thức, thích ứng với thay đổi.

Đại diện của Tập đoàn FPT và Deloitte Việt Nam cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong tuyển dụng, quản lý và đào tạo, đào tạo lại nhân sự của chính đơn vị mình.

Cũng tại buổi Tọa đàm, các vị Đại sứ: Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Nguyệt Nga, Nguyễn Phương Nga đã nêu bật những điểm còn bất cập trong công tác xây dựng ngành nói chung, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay nói riêng. Các ý kiến thực chất, mang tính xây dựng cao đã giúp các đại biểu có cái nhìn khách quan, thực tế hơn những thách thức hiện nay đối với công tác đào tạo cán bộ của ngành ngoại giao.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn đã tổng kết các ý kiến đóng góp của đại biểu, đặc biệt nhấn mạnh ý kiến tâm huyến của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đến công tác xây dựng Ngành, công tác cán bộ, công tác đào tạo cán bộ ngoại giao trong tình hình mới.

Các đại biểu đều nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết về đổi mới tư duy, cách làm trong công tác cán bộ, trong đó đào tạo, nâng cao đội ngũ cán bộ ngoại giao là yếu tố then chốt, tập trung cả về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, nâng cao năng lực tiếp thu đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo…

Thứ trưởng thường trực đề nghị các đơn vị tổ chức: Vụ Tổ chức Cán bộ, Trung tâm Foset tiếp thu các ý kiến này, tổng hợp lại và bổ sung vào phần nội dung để các đại biểu sẽ thảo luận trong phiên xây dựng Ngành tại Hội nghị Ngoại giao 30, dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 8 tới.

Nguồn Bộ Ngoại Giao: http://www.mofa.gov.vn/vi/cs_doingoai/nr111026121159/ns180720094541