Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng GD: Vai trò quan trọng của tổ trưởng chuyên môn

Tổ chuyên môn trong các trường học chính là nơi liên hệ gần gũi trực tiếp đến đội ngũ giáo viên, giúp giáo viên hoàn thành công tác chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục HS. Tổ trưởng tổ chuyên môn, chính vì vậy, là cầu nối giữa giáo viên trong tổ với Ban giám hiệu, giúp đánh giá phân loại giáo viên và nghiệp vụ sư phạm một cách chính xác.

Thế nên, nhiều hiệu trưởng đã chọn việc đổi mới việc quản lý và sinh hoạt tổ chuyên môn là một trong những nội dung trọng yếu cho mục tiêu đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, chức năng quản lý của tổ trưởng tổ chuyên môn rất được chú trọng.

Mỗi tổ chuyên môn là một đơn vị bồi dưỡng

Nói về những hạn chế thường gặp trong sinh hoạt tổ chuyên môn ở các trường học, hầu hết các cán bộ quản lý giáo dục đều có cùng nhận xét rằng: Hầu hết các tổ sinh hoạt đều mang dáng dấp của sinh hoạt hành chính, sự vụ, điểm việc, nhắc lại, giao việc. Đa số các tổ sinh hoạt giống như một buổi họp hội đồng, đánh giá công tác vừa qua, nêu công việc sắp đến, bình xét thi đua, sơ kết tổng kết việc hoạt động công đoàn…

Trong khi đó, các nội dung chính về chuyên môn cần giúp nhau để nắm vững thì đa số các tổ chuyên môn chỉ mới động đến ở mức độ điểm việc chứ chưa đào sâu hoặc thậm chí là đứng bên lề. Có một số nội dung không cần thiết cho việc chuyên môn cũng đưa vào cuộc họp của tổ như phân công thăm đau ốm… Nhiều tổ trưởng tổ chuyên môn chưa thực hiện tốt chức năng quản lý của mình là phải kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nhưng e ngại kiểm tra vì sợ mất lòng.

Xuất phát từ thực tế đó, Ban giám hiệu nhiều trường học đã có nhiều đổi mới trong cách thức điều hành và sinh hoạt tổ chuyên môn với quan điểm việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ không phải thông qua buổi họp chuyên môn chung của trường mà mỗi tổ chuyên môn là một đơn vị bồi dưỡng bởi nội dung, chương trình và phương pháp ở mỗi tổ là khác nhau.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho biết: “Chủ trương của chúng tôi trong sinh hoạt tổ chuyên môn là chú trọng nội dung nghiên cứu học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng trong sinh hoạt chuyên môn như: Giải quyết, bàn bạc, thảo luận những vấn đề khó, lúng túng thuộc về nội dung, phương pháp mà tổ nêu ra hoặc tổ viên đề xuất; bồi dưỡng thường xuyên theo mô-đun của Bộ GD&ĐT, triển khai các chuyên đề. Với yêu cầu này, tổ cần xây dựng tiết dạy minh họa để cùng rút kinh nghiệm và triển khai.

Một nội dung nữa là tổ chức báo cáo các sáng kiến kinh nghiệm của thành viên trong tổ, chia sẻ, trao đổi công tác chủ nhiệm như xử lý các tình huống sư phạm hoặc của tổ bạn, trường bạn để học tập… Theo yêu cầu cải tiến chất lượng, nội dung bồi dưỡng cho các tổ chuyên môn của Trường Tiểu học Núi Thành tập trung vào một số vấn đề như: Các chuyên đề chuyên môn được Phòng GD&ĐT triển khai; nội dung trong các chuyên san giáo dục có liên quan đến tiểu học, nhất là các nội dung và phương pháp GV còn lúng túng; phổ biến các sáng kiến kinh nghiệm có thể vận dụng được.

Với những đổi mới trong quy chế thi THPT quốc gia năm 2016, từ đầu năm học 2016 – 2017 này, Ban giám hiệu Trường THPT Tôn Thất Tùng đã đưa thêm nội dung bồi dưỡng kỹ năng ra đề trắc nghiệm cho giáo viên môn Toán và các môn trong tổ hợp bài thi Khoa học Xã hội. “Trong biên bản họp các tổ chuyên môn, phải có nội dung đánh giá chất lượng đề của từng thành viên, chỗ nào chưa chính xác về kiến thức, chưa hay, rút kinh nghiệm cái gì.

Ngoài phân tích kết quả các đề kiểm tra, tổ chuyên môn còn phải thống nhất đề kiểm tra sắp tới, phân tích các bài thực hành sắp tới, đối chiếu với thực trạng của phòng bộ môn có đáp ứng được hay không để lên kế hoạch, nội dung bài thực hành. Một nội dung cũng rất quan trọng trong sinh hoạt tổ chuyên môn là chia sẻ và thảo luận những nội dung kiến thức khó dạy hoặc học trò khó nắm bắt” – cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng chia sẻ. Ngoài xem xét, kiểm tra biên bản sinh hoạt tổ, Ban giám hiệu nhà trường thỉnh thoảng cũng “đột xuất” tham dự sinh hoạt chuyên môn cùng với các tổ để có những góp ý, điều chỉnh kịp thời.

Trả lại vị trí cho tổ trưởng tổ chuyên môn

Cô Trần Thị Kim Vân cho rằng, không phải giáo viên xuất sắc nào cũng có thể đảm nhận được vị trí của tổ trưởng, vì ngoài chuyên môn, còn phải biết tập hợp và quản lý. “Có người rất giỏi chuyên môn nhưng không có “uy” để điều hành tổ và tạo được sự dung hòa trong tổ. Vấn đề của Ban giám hiệu là chọn một tổ trưởng chuyên môn để vừa đáp ứng được việc chỉ đạo tổ chuyên môn tốt, vừa được hầu hết thành viên trong tổ đồng tình và chấp nhận đồng thời có cách thức cùng với Ban giám hiệu quản lý tốt việc dạy và học trong phạm vi của tổ mình”. Chính vì vậy mà từ nhiều năm nay, Trường THPT Tôn Thất Tùng vẫn để các tổ chuyên môn bầu chức danh tổ trưởng.

Cô Kim Vân cho biết, nhà trường có khoảng 50% tổ trưởng các tổ chuyên môn của nhà trường không phải là đảng viên nên “chúng tôi tăng cường các cuộc họp liên tịch – đây được xem là những cuộc họp quan trọng nhất của trường để chuyển tải được chủ trương của lãnh đạo nhà trường xuống tận giáo viên”.

Đầu mỗi năm học, căn cứ trên kế hoạch của nhà trường, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Núi Thành giao quyền cho các tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch năm học của tổ, thống nhất những vấn đề cơ bản trong công tác soạn giảng, hồ sơ sổ sách, hoạt động ngoại khóa, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh, cụ thể hóa các chỉ tiêu phấn đấu, thi đua…

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt khẳng định: “Không thể không trao quyền cho tổ trưởng tổ chuyên môn được, bởi trên thực tế, tổ trưởng tổ chuyên môn là người lĩnh hội công tác, nghiên cứu cách làm, tìm các biện pháp chỉ đạo như thế nào để các chủ trương của trường đều phải thực hiện và đạt kết quả cao. Đồng thời, tổ trưởng tổ chuyên môn giúp hiệu trưởng đánh giá, phân loại GV và nghiệp vụ sư phạm chính xác”.

Để tránh việc sinh hoạt tổ chuyên môn quá sa vào những sự vụ, Ban giám hiệu Trường THPT Tôn Thất Tùng cũng quán triệt những vấn đề liên quan đến thời vụ như xét thi đua cuối năm, cuối kỳ, các công việc liên quan đến các tổ chức, đoàn thể… cần có cách thức tổ chức khoa học để trong sinh hoạt tổ chuyên môn không bị mất nhiều thời gian. Cô Trần Thị Kim Vân nêu ví dụ: “Chẳng hạn như việc thi đua, khen thưởng thì cần phải có form sẵn để mỗi giáo viên tự đối chiếu và chuẩn bị trước, các thành viên trong tổ chỉ cần rà soát lại là được”.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-cong-tac-quan-ly-va-nang-cao-chat-luong-gd-vai-tro-quan-trong-cua-to-truong-chuyen-mon-3020982-b.html