Đổi mới giáo dục: Miệng nói đổi mới nhưng làm theo cách cũ

Chỉ ra những lo ngại về quá trình đổi mới, GS-TSKH Vũ Minh Giang - chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội lo ngại về hiện tượng miệng nói đổi mới nhưng quy về cách làm cũ cho đơn giản.

GS-TSKH Vũ Minh Giang cho rằng sau 5 năm triển khai, Nghị quyết 29 đã đưa ra sự chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục và đào tạo. Ảnh: PV

Nhận nhiều gạch đá nhưng phải vững tâm!

Tham dự Hội thảo với chủ đề “5 năm đổi mới căn bản toàn diện GDĐT: Thành tựu và thách thức” được tổ chức ngày 18.9, GS-TSKH Vũ Minh Giang cho rằng sau 5 năm triển khai, Nghị quyết 29 đã đưa ra sự chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục và đào tạo, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế trong suốt thời gian dài. Những điểm hạn chế trong chương trình giáo dục phổ thông trước đây như phương pháp giảng dạy tập trung truyền thụ kiến thức được áp dụng trong thời gian dài khiến người học yếu về kỹ năng và phương pháp, đồng thời, nhà trường quá chú trọng truyền thụ kiến thức mà chưa coi trọng đúng mức triết lý dạy làm người... đã dần được thay đổi.

Bên cạnh việc ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, trong GDĐT vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức. Theo GS Giang đổi mới giáo dục không hề dễ dàng để thấy ngay kết quả, chúng ta cần thời gian, phải có quá trình chuyển biến.

"Điểm khó khăn nhất chính hiện nay là đổi mới tư duy trong quản lý và thực hiện các lĩnh vực, nhiệm vụ giáo dục. Họ nói thế thôi nhưng lại quy về cách làm cũ cho đơn giản. Vì thế chủ trương lớn đến đâu cũng khó thành công. Bên cạnh đó là những khó khăn về kinh phí, mặt bằng…”, ông Giang bày tỏ.

Ông Giang cũng chỉ ra, những điều đang triển khai hiện nay “mắc mớ” trong việc chúng ta học tập nước ngoài mà quên mất thực tại. Đất nước chúng ta GDP còn thấp nhưng đi học cách giáo dục của những nước xếp trong tốp 50 thế giới là điều vô cùng khó.

“Tôi cho rằng những điều đạt được từ triển khai Nghị quyết 29 đã có những chuyển động rất mạnh trong cách tổ chức xây dựng chương trình đang chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Trong đó, việc đổi mới đánh giá kiểm tra năng lực… cũng đã bộc lộ những hạn chế. Tuy nhiên phải sống chung với “ném đá”. Chúng ta không thể thấy “gạch đá” là không dám thực hiện đổi mới, phải kiên định, vững vàng. Để thực hiện thành công phải có quá trình và trong quá trình đó phải để cho nhân dân tin", ông Giang cho hay.

Để thực hiện thành công phải có quá trình và trong quá trình đó phải để cho nhân dân tin. Ảnh: HN

GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh, công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo là một quá trình liên tục, cần thường xuyên đánh giá, nghiên cứu và có những điều chỉnh phù hợp.

Cơ sở pháp lý về tự chủ đại học thiếu đồng bộ, chồng chéo

PGS-TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội chia sẻ: Trong khuôn khổ các nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội về 9 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết 29-NQ/TW, kết quả nghiên cứu cho thấy có nhiều dấu hiệu khả quan, xu hướng vận động tốt, nhưng cũng còn rất nhiều thách thức đang đặt ra cần giải quyết ở cả tầm vĩ mô và tầm vi mô.

PGS-TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội. Ảnh: PV

Nhóm nghiên cứu ghi nhận sự chuyển biến về chính sách được ban hành theo hướng chuyển dần từ mục tiêu giáo dục tăng cường kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học, chất lượng giáo dục phổ thông ở một góc độ nào đó được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới. Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá được đổi mới theo hướng tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức; kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng; tạo nhiều cơ hội cho học sinh thể hiện.

Với giáo dục đại học, tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân, được xem là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra... Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hơn trong tuyển sinh, liên kết đào tạo và mở ngành đào tạo. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học - công nghệ.

Tuy vậy, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, hạn chế của tự chủ đại hoc là cơ sở pháp lý về tự chủ đại học hiện nay thiếu đồng bộ, chồng chéo; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp; Vai trò kiểm soát của Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất lớn trong các nội dung như: Bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng, hiệu trưởng; quyết định biên chế, lương; định mức chi cho các nhiệm vụ khoa học...

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/doi-moi-giao-duc-mieng-noi-doi-moi-nhung-lam-theo-cach-cu-631657.ldo