Đổi mới hoạt động đo lường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 20/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 08/SL ban hành đơn vị đo lường hợp pháp, trong đó quy định thống nhất đo lường nước ta theo hệ mét. Trải qua các giai đoạn khác nhau, lĩnh vực đo lường ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội. Do đó, ngày 11/10/2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 20/1 hàng năm làm 'Ngày Đo lường Việt Nam'. Từ đó, hoạt động đo lường không ngừng đổi mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Kiểm tra định kỳ cột đo xăng dầu.

(baophutho.vn) - Ngày 20/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 08/SL ban hành đơn vị đo lường hợp pháp, trong đó quy định thống nhất đo lường nước ta theo hệ mét. Trải qua các giai đoạn khác nhau, lĩnh vực đo lường ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội. Do đó, ngày 11/10/2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 20/1 hàng năm làm “Ngày Đo lường Việt Nam”. Từ đó, hoạt động đo lường không ngừng đổi mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Khẳng định vai trò
Đo lường gần như tham dự vào toàn bộ chu trình hình thành một sản phẩm, từ khâu thiết kế, chế tạo thử đến việc kiểm tra vật liệu trước khi đưa vào sản xuất, điều khiển, điều chỉnh quá trình công nghệ và giai đoạn kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng cho đến khâu lắp, đặt đưa sản phẩm vào sử dụng và bảo hành... Đo lường là lĩnh vực có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và liên quan mật thiết đến đời sống thường nhật. Để đảm bảo đúng lượng hàng hóa thì chiếc cân ở chợ, cột bơm ở các cây xăng, đồng hồ tính tiền trên xe taxi,… phải được kiểm định; để đảm bảo cho kết quả khám chữa bệnh chuẩn xác thì nhiệt kế cũng phải được kiểm định; khối lượng của thực phẩm đóng gói sẵn được đảm bảo bằng những quy định chặt chẽ về hàng đóng gói sẵn;...Hoạt động đo lường đã từng bước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, đảm bảo công bằng trong thương mại, bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân.Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 260 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách với gần 1.700 xe ô tô, trong đó đầu xe taxi chiếm số lượng lớn. Hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về đo lường. Để tăng cường quản lý về đo lường taximet, từ đầu năm đến nay, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Phú Thọ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã kiểm định 57 đồng hồ taximet của bốn đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi trên địa bàn tỉnh. Sau khi kiểm định, Trung tâm đã dán tem, kẹp chì trên đồng hồ taximet để tránh sự can thiệp từ bên ngoài, phần nào hạn chế những sai số trong quá trình tính quãng đường và phí dịch vụ taxi.Ông Lê Văn Thạo - Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Phú Thọ cho biết: “Kiểm định taximet định kỳ không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở kinh doanh taxi. Hàng năm, doanh nghiệp đã chủ động làm thủ tục kiểm định phương tiện đo cho các xe taxi. Trên mỗi xe chúng tôi còn niêm yết số điện thoại đường dây nóng, bảng giá cước để khách hàng liên hệ trong trường hợp thắc mắc về cước. Bằng việc làm này, chúng tôi đã tạo được sự tin tưởng của khách hàng thông qua những phản hồi tích cực”.Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Phú Thọ đã chủ trì thực hiện chín cuộc kiểm tra về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng của hàng chục đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó kiểm tra chín đơn vị kinh doanh sản phẩm hàng hóa; 29 tổ chức, cá nhân kinh doanh dầu mỏ hóa lỏng; bốn tổ chức kinh doanh mua bán điện; bốn tổ chức kiểm định hiệu chuẩn phương tiện đo; bốn đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phương tiện đo nhóm 2 là taximet; 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; bốn tổ chức sản xuất kinh doanh hàng đóng gói sẵn theo định lượng… Qua kiểm tra đã kịp thời xử lý những vi phạm và chấn chỉnh việc chấp hành các quy định thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh. Hàng năm ngoài đo lường các phương tiện đo truyền thống, Chi cục đã mở rộng phạm vi hiệu chuẩn đối với các thiết bị đo phức tạp, nhằm đáp ứng hầu hết nhu cầu dịch vụ kỹ thuật về đo lường trên địa bàn tỉnh, giúp công tác quản lý đạt hiệu quả, giúp các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng thiết bị trên giảm chi phí và thời gian đi kiểm định/hiệu chuẩn thiết bị đo lường. Thông qua hoạt động kiểm định về đo lường giúp các doanh nghiệp duy trì độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả đo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Hoạt động đo lường phát triển đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế.

Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH&CN) sử dụng thiết bị chuyên dụng về đo lường.Tiếp tục đổi mới hoạt động đo lườngĐề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025 sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; thống nhất chung định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ, ngành, địa phương; phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường; triển khai chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 50.000 doanh nghiệp; áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 1.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường. Đến năm 2030 sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20.000 cán bộ; triển khai chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 100.000 doanh nghiệp; áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 2.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường. Theo đó, các ngành, doanh nghiệp và địa phương cần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tập trung nguồn lực để thống nhất, định hướng thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường qua từng giai đoạn. Cùng với đó, chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia hoạt động đo lường. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH&CN) cho biết: “Thời gian tới Chi cục tiếp tục tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định để đo lường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục quan tâm đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của Chi cục đáp ứng yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đo lường theo các quy định hiện hành của Bộ KH&CN. Tăng cường phối hợp công tác với các phòng, đơn vị thuộc Sở, UBND cấp huyện, các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị chức năng của UBND các huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường đến tổ chức, cá nhân”.

Cao Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202201/doi-moi-hoat-dong-do-luong-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-182392