Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong - Hà Nội

Cùng với hoạt động giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chính của giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong - Hà Nội. Qua đó, giúp giảng viên nghiên cứu sâu hơn những kiến thức chuyên môn và cập nhật những kiến thức thực tiễn giúp bài giảng phong phú, có chất lượng.

Đ/c Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, tháng 9-2017.

Đ/c Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, tháng 9-2017.

Theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21-4-2016 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí minh về việc ban hành Bộ quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường chính trị gồm nhiều nội dung như: Nghiên cứu đề tài khoa học; hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa; biên soạn giáo trình, tài liệu, lịch sử truyền thống; xuất bản bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn; viết bài cho trang thông tin điện tử của nhà trường, các báo và tạp chí địa phương, trung ương; hoạt động thao giảng, dự giờ.

Những năm qua, Ban Giám hiệu Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong - Hà Nội đã không ngừng đẩy mạnh, đổi mới nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cho đội ngũ công chức, viên chức nhà trường, nhất là các đối tượng giảng viên. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm nhà trường nghiệm thu 5 đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học cấp trường. Giảng viên tích cực viết bài gửi trang thông tin điện tử nhà trường và các báo, tạp chí trung ương, địa phương. Các giảng viên tích cực tham gia thao giảng cấp khoa, cấp trường, kết quả có 4 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường. Năm 2017, nhà trường có 3 giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VI và đoạt 1 giải Nhất, 2 giải Khuyến khích. Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo trường, hoạt động nghiên cứu khoa học đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên nói riêng và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong - Hà Nội còn tồn tại một số hạn chế: Tiến độ thực hiện một số đề tài còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch; các đề tài nghiên cứu sâu rộng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội còn hạn chế; một số đề tài nghiên cứu thực hiện chưa hiệu quả, chưa có tính ứng dụng cao; việc biên soạn giáo trình, tài liệu chưa theo sát kế hoạch; các bài viết đăng trên báo, tạp chí và trang Thông tin điện tử của nhà trường còn hạn chế về số lượng, chất lượng…

Những hạn chế trên bắt nguồn từ một số nguyên nhân: Một số giảng viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, chưa thực sự say mê nghiên cứu, tìm tòi. Một số giảng viên có khả năng, kinh nghiệm nghiên cứu nhưng lại là lãnh đạo, quản lý nên thời gian dành cho công tác nghiên cứu chưa nhiều. Các giảng viên trẻ có tâm huyết nhưng thiếu kinh nghiệm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghiên cứu khoa học.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong - Hà Nội thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng tiêu chuẩn giảng viên gắn với nghiên cứu khoa học, bảo đảm giảng viên dạy giỏi đều có bài đăng các báo, tạp chí, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Chăm lo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học của nhà trường, theo đó các đơn vị khoa, phòng, bộ môn rà soát các cán bộ, giảng viên có năng lực nghiên cứu để bồi dưỡng, giúp đỡ. Nhà trường hỗ trợ và tạo điều kiện về thời gian và kinh phí, để từng bước phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên vững vàng về chuyên môn, có năng lực nghiên cứu khoa học, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, lấy kết quả nghiên cứu khoa học của từng giảng viên, các khoa, phòng làm tiêu chí bình xét danh hiệu thi đua. Trong đó, điều chỉnh các tiêu chí và danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp trường: ít nhất phải làm chủ nhiệm đề tài hoặc chủ trì hội thảo cấp khoa hoặc cấp trường, cấp thành phố. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chế độ khen thưởng, nêu gương, động viên kịp thời với cán bộ, giảng viên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.

Ba là, hoạch định chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng thiết thực và hiệu quả, không chỉ đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mà còn là giải pháp để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Nhà trường cần bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thủ đô trong giai đoạn 2016 - 2021 để đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhằm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tham mưu với Thành ủy Hà Nội ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yều cầu thực tiễn đặt ra; kịp thời phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Bốn là, tăng cường kết nối, liên kết với các trường chính trị trong cả nước để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, khoa học, nghiên cứu thực tế, qua đó trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các trường. Có kế hoạch cử cán bộ đi thâm nhập thực tế tại các quận, huyện của thành phố. Mỗi giảng viên, trợ giảng khi đi thâm nhập thực tiễn cần có kế hoạch, mục tiêu, nội dung và báo cáo kết quả thường xuyên với Ban Giám hiệu và Hội đồng khoa học nhà trường.

ThS. Bùi Thị Oanh Khoa Xây dựng Đảng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/lyluan-thuctien-kinhnghiem/2019/12764/doi-moi-hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-o-truong-dao-tao.aspx