Đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi sẽ là khâu đột phá

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT), trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, song với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, sự nghiệp GDĐT nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, được các tổ chức giáo dục thế giới ghi nhận, đánh giá cao, trong đó giáo dục phổ thông đã có những thay đổi quan trọng, đặc biệt trong khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử. Tuy nhiên, sự đổi mới này 'vẫn chưa được căn cơ' và bộc lộ nhiều hạn chế...

Thoát dần áp lực về điểm số

Bộ GDĐT cho biết, trước năm 2014, các cơ sở giáo dục đều chú trọng đánh giá kết quả học tập cuối chương học, cuối học kỳ, cuối năm học, với phương pháp viết (đề kiểm tra) và chấm điểm là chủ yếu. Kết quả đánh giá bằng điểm số hầu như không được sử dụng cho việc điều chỉnh hoạt động dạy và hoạt động học, không thúc đẩy sự tiến bộ, sự phát triển năng lực của học sinh. Khoảng 5 năm gần đây, hoạt động kiểm tra, đánh giá từng bước theo các tiêu chí tiên tiến; phối hợp sử dụng kết quả đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết, định hướng đổi mới chủ yếu ở cả ba cấp học là đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Đối với tiểu học, chú trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh bằng cách động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập và rèn luyện; tạo cơ hội để học sinh phát huy khả năng của bản thân; kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số, kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Đối với cấp THCS và cấp THPT, chú trọng đánh giá cách học và khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; sử dụng kết quả đánh giá vào quá trình dạy học để động viên, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Triển khai đánh giá các chỉ số trí tuệ (IQ, AQ, EQ…) trong tuyển sinh trường THPT chuyên, trường chất lượng cao ở những nơi có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng… Phương thức đánh giá này thể hiện quan điểm nhân văn, phù hợp với cách đánh giá người học của các nước có nền giáo dục tiên tiến là “đánh giá không phải điểm kết thúc mà là khởi đầu cho một giai đoạn giáo dục mới”.

Về đổi mới các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT cho biết, từ năm 2014, Bộ GDĐT quy định tuyển sinh đầu vào THCS theo phương thức xét tuyển, còn tuyển sinh đầu vào THPT có thể theo phương thức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Ở hầu hết các địa phương, việc thực hiện quy định này tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, tại những cơ sở giáo dục có số lượng thí sinh đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu, thường có tình trạng cạnh tranh, áp lực trong tuyển sinh đầu cấp. Vì vậy, năm 2018, Bộ GDĐT đã điều chỉnh, cho phép những cơ sở giáo dục này có thể thực hiện phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Cấp tiểu học đã bớt dần áp lực về điểm số, khắc phục dần bệnh thành tích.

Phương thức thi mới đã hạn chế học tủ, luyện thi

Từ năm 2014 về trước, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: Áp lực thi cử nặng nề (trong thời gian khoảng 1 tháng tổ chức 4 kỳ thi là thi tốt nghiệp THPT, 2 đợt thi tuyển sinh ĐH và 1 đợt thi tuyển sinh CĐ); tốn nhiều thời gian và tiền bạc của xã hội; nhiều trường tổ chức dạy dồn, cắt xén chương trình đối với những môn không thi; học sinh học tủ, học lệch; nhiều hội đồng coi thi không đảm bảo yêu cầu nghiêm túc; nhiều khâu trong quy trình thi không đảm bảo khách quan, dễ gian lận, khó kiểm soát; hiện tượng luyện thi tràn lan.

Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, kỳ thi tốt nghiệp THPT đổi mới theo hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT và vừa làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng. Từ năm 2017, chuyển từ thi theo môn sang thi theo bài với 3 bài thi độc lập và 2 bài thi tổ hợp; đề thi các môn hầu hết có dạng trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn), có những câu hỏi ở mức độ cơ bản phục vụ cho mục đích công nhận tốt nghiệp THPT và có những câu hỏi mang tính phân hóa cao đáp ứng yêu cầu tuyển sinh ĐH, CĐ; tổ chức thi tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý thi, xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.... Những đổi mới này về cơ bản đã thành công, làm giảm áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội; đồng thời dần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở trường phổ thông và hiện tượng luyện thi tràn lan.

Thời gian qua, việc tổ chức định kỳ đánh giá diện rộng quốc gia về kết quả học tập lớp 5, lớp 9 và lớp 11 được thực hiện thường xuyên. Học sinh Việt Nam còn tham gia một số chương trình đánh giá quốc tế về học sinh phổ thông (như PISA 2012 và 2015, SEA-PLM 2017, IGRA 2014, PASEC 10, TIMSS 2011...).

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các phẩm chất và năng lực của người học.

Tăng cường tích hợp, loại bỏ các nội dung giáo dục trùng lặp

Tuy nhiên, Bộ GDĐT nhìn nhận, việc đổi mới đánh giá, thi ở các cấp học và trình độ đào tạo giai đoạn vừa qua vẫn chưa thực sự căn cơ, chưa đáp ứng được vai trò “đột phá” cho công cuộc đổi mới GDĐT. Hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi chưa được đổi mới một cách đồng bộ: Cấp tiểu học thực hiện quy chế đánh giá năng lực người học, còn cấp THCS và THPT vẫn thực hiện quy chế đánh giá kết quả học tập; chương trình học tập là các môn học riêng nhưng lại tổ chức các bài thi tổng hợp.

Trong một xã hội mà tâm lý “ứng thí”, “khoa cử”, “chuộng bằng cấp” không dễ xóa bỏ, việc xác định “đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi là khâu đột phá” là hoàn toàn đúng đắn. Nếu đánh giá được sự phát triển năng lực người học và sự tiến bộ của người học theo thời gian, thì thể hiện được rõ ràng quan điểm nhân văn trong giáo dục “đánh giá không phải là điểm kết thúc của một giai đoạn mà là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới”. Khi đó, đánh giá sẽ điều chỉnh hoạt động dạy, học, sẽ điều chỉnh, cải tiến chương trình và chính sách giáo dục.

Bộ GDĐT cũng cho hay, việc rà soát, loại bỏ các nội dung giáo dục trùng lặp và xây dựng các nội dung/chủ đề tích hợp, việc tăng cường sử dụng các phương pháp giáo dục tích cực, tổ chức các hoạt động dạy và học nhằm phát triển năng lực người học, việc tập trung kiểm tra, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn của người học,… trong quá trình thực hiện chương trình hiện hành sẽ là bước đi vững chắc để triển khai hiệu quả chương trình phát triển năng lực trong giai đoạn tiếp theo.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, sắp tới, ngành giáo dục sẽ hoàn thành việc xây dựng và tập trung hướng dẫn triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết cho người học. Xây dựng khung đánh giá, chuẩn đánh giá năng lực học sinh dựa theo các mô hình, quy trình tiên tiến của giáo dục thế giới. Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng Thông tư đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học, THCS, THPT phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới...

Tăng cường nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất phương thức đánh giá, phương án tổ chức thi nhằm đánh giá các năng lực cần thiết của học sinh quy định tại Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và chương trình giáo dục. Tăng cường thu thập minh chứng để điều chỉnh, cải thiện chương trình và chính sách giáo dục.

Trong 5 năm qua, nhìn chung học sinh lứa tuổi 15 nước ta vượt mức trung bình của học sinh các nước khối OECD (học sinh nước ta đứng vị trí thứ 8 về khoa học, 22 về toán học và 32 về đọc hiểu so với 72 quốc gia tham gia PISA 2015). Trong 5 gần đây, thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục có những chuyển biến, tiến bộ trong các năm từ 2014 đến 2018, theo hướng năm sau cao hơn năm trước.
Đặc biệt, năm 2017, có 7 đội tuyển đạt thành tích cao nhất so với các năm trước đó, nhất là ở các môn Toán, Vật lí, Hóa học và Sinh học; năm 2018 đội tuyển Olympic quốc tế môn Sinh học đạt thành tích rất xuất sắc, có 1 học sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi, đã được v inh danh là người thắng cuộc.

Thu Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/doi-moi-kiem-tra-danh-gia-thi-se-la-khau-dot-pha-513700/