Đổi mới, nâng cao chất lượng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thanh Hóa là tỉnh có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển tương đối đầy đủ, trải đều khắp các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Những năm qua, tỉnh và các cơ sở GDNN đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDNN.

Đổi mới, nâng cao chất lượng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thanh Hóa là tỉnh có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển tương đối đầy đủ, trải đều khắp các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Những năm qua, tỉnh và các cơ sở GDNN đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDNN.

Học sinh học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2017 tỉnh ta đã sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật - hướng nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố thành trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên và bàn giao về UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ, trong đó chủ yếu là dạy nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về GDNN đối với các trường chuyên nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Cùng với đó, chủ động rà soát và đề xuất sáp nhập, giải thể một số cơ sở GDNN trước khi Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai. Công tác truyền thông, tuyển sinh được đặc biệt quan tâm, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, của thanh niên trong lựa chọn ngành học, nghề nghiệp cho lập thân, lập nghiệp, khắc phục dần tình trạng thất nghiệp sau đào tạo; việc liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, giai đoạn 2012-2018 các cơ sở GDNN trên địa bàn toàn tỉnh đã tuyển sinh được 297.450 người, trong đó cao đẳng 9.738 người, trung cấp 33.061 người, sơ cấp 166.517 người, đào tạo dưới 3 tháng 88.134 người, kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề là 184.535 lượt người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt khoảng 90-95%, trình độ trung cấp đạt khoảng 85-90%, trình độ sơ cấp đạt khoảng 75%, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 43% năm 2011 lên 65% năm 2018. Năm 2019, toàn tỉnh đã xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cho 81.540 người, trong đó: Trình độ cao đẳng là 3.500 người, trung cấp là 7.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 71.040 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 67% (trong đó có văn bằng, chứng chỉ là 26%).

Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ được phát triển trong tương lai liên quan tới các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet di động, công nghệ điện toán đám mây, robot trong công nghiệp và gia đình, xe không người lái, thiết bị bay không người lái, máy in 3D, công nghệ nano, thực tế ảo, phương pháp điều trị kỹ thuật số và máy học, các lĩnh vực dịch vụ ứng dụng kết nối internet vạn vật, nông nghiệp công nghệ cao. Tính chất công việc nghề nghiệp thay đổi sẽ kéo theo cần nhiều kỹ năng mới đòi hỏi sự thích ứng của GDNN. Đồng thời với sự xuất hiện của một số ngành, nghề mới, cũng có một số ngành, nghề sẽ bị giảm nhu cầu nhân lực, thậm chí là mất đi. Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động, các nhà trường đã liên tục rà soát lại hệ thống các ngành nghề đào tạo, chú trọng tới các lĩnh vực đang được thị trường quan tâm, phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ... Số người được đào tạo nghề ngày càng tăng nhanh, do đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm sau cao hơn năm trước. Ở các nhà trường, cơ sở dạy nghề, các chương trình đào tạo được bổ sung, xây dựng mới theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng, hàng trăm giáo trình được biên soạn sử dụng nội bộ trong trường và hàng nghìn đầu sách được các nhà trường đầu tư mua sắm phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh. Hoạt động dự giờ, tổ chức hội giảng cấp khoa, cấp trường và cấp tỉnh được duy trì thường xuyên đã giúp giáo viên các trường cập nhật, tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đồng thời giúp cho công tác quản lý điều chỉnh kịp thời, sát thực tế chương trình nhiệm vụ công tác. Để học sinh khi tốt nghiệp ra trường nhanh chóng tiếp cận với thực tế, các trường luôn quan tâm đến các điều kiện thực hành, thực tập của học sinh. Thời gian học thực hành, thực tập được điều chỉnh từ 30 đến 50%, thậm chí có trường có tới 65% thời gian dành cho học sinh thực hành, thực tập, tùy từng môn học; giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp cận với các trang thiết bị, máy móc cũng như được rèn luyện kỹ năng, kiến thức cần thiết khi ra thực tế sản xuất. Với định hướng ấy, nhiều trường đã bố trí thời gian thực hành xen kẽ trong chương trình học, ở mỗi bài học với các yêu cầu, thao tác thực hành cụ thể. Điều này đã giúp học sinh trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết để tiếp cận thực tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì các cơ sở GDNN cũng gặp phải không ít khó khăn như: Nhận thức về học nghề của xã hội chưa cao, đầu tư của Nhà nước và của xã hội, của doanh nghiệp cho GDNN còn rất thấp, tư duy bao cấp của nhiều cơ sở GDNN còn lớn, năng lực phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp yếu dẫn đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hợp tác với trường nghề còn thấp... một số trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề tỷ lệ học sinh đăng ký học ngày càng giảm. Nguyên nhân do các trường, các cơ sở dạy nghề còn thiếu thông tin dự báo về nhu cầu phục vụ phát triển đào tạo nhân lực, về thị trường lao động. Nội dung đào tạo trong nhà trường và nhu cầu thực tiễn công việc còn có khoảng cách. Thực tế ấy đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường, học viên và doanh nghiệp. Để việc đào tạo của các trường thực sự sát với nhu cầu thực tế, rất cần sự tham gia hơn nữa từ phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc “đặt hàng”, liên kết đào tạo. Khi biết nhu cầu của phía sử dụng lao động các nhà trường sẽ dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp... Có như vậy mới tạo nên sức hút học sinh tới các cơ sở GDNN.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/doi-moi-nang-cao-chat-luong-tai-cac-co-so-giao-duc-nghe-nghiep/101524.htm