Ðổi mới phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước

Theo Bộ Tài chính, số thu nội địa đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN) sáu tháng đầu năm ước đạt 451.200 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% và đạt 45,6% dự toán, trong đó số thu từ tiền bán bớt cổ phần sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp đạt 16,7% dự toán; số thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đạt 29,8% dự toán, tăng 5,2%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 80,7% dự toán, tăng 36,6%.

Mặc dù số thu nội địa có tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2016, nhưng đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ của ba năm gần đây. Các khoản thu tiến độ đạt khá so với dự toán (hơn 52%) và cùng kỳ năm 2016 chủ yếu là thu từ đất đai, hoạt động dịch vụ, còn các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tiến độ đạt thấp so với yêu cầu. Nhìn vào số thu ngân sách của các địa phương, dù cơ bản đạt khá nhưng con số 18 địa phương thu chưa bảo đảm tiến độ dự toán (dưới 48%) và chín địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 là điều đáng suy nghĩ.

Trong các nguyên nhân khiến nhiều địa phương đạt tiến độ thấp, một số chuyên gia và lãnh đạo chính quyền cho rằng, việc phân cấp nguồn thu cho chính quyền địa phương (CQÐP) chưa thật sự hợp lý. Một số chuyên gia nêu rõ, cần phải thúc đẩy tính tự chủ của CQÐP trong việc huy động nguồn thu cho mình, nhất là trong thực tế cải cách mô hình tổ chức CQÐP hiện nay. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu phân chia nguồn thu (quyền thu thuế, các khoản thu ngân sách và được chia sẻ nguồn thu giữa các cấp chính quyền); các khoản bổ sung (điều hòa) từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới nhằm bảo đảm nguồn lực tài chính nhà nước được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Văn Yên, những năm qua, tuy TP Ðà Lạt luôn được coi là một điểm sáng về du lịch của cả nước, nhưng ngay cả việc thẩm tra, cấp chứng nhận phân loại các khách sạn du lịch trên địa bàn cũng do T.Ư quyết định. Từ đó, vai trò của CQÐP trở nên "nhẹ" đối với các cơ sở kinh doanh du lịch lớn trên địa bàn. Tương tự như vậy là việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chưa và không phù hợp thực tiễn, khiến số thu NSNN không những bị thiếu hụt mà ngay cả khi nhìn rõ những bất cập của các chính sách này, có kiến nghị T.Ư tháo gỡ rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, tạo nên sự "nản" trong tiến trình thu NSNN tại địa phương. Khi các sắc thuế được phân chia 100% cho ngân sách địa phương vẫn cơ bản là những sắc thuế có hiệu suất thu thuế thấp, dẫn đến CQÐP đang bị hạn chế về khả năng tăng nguồn thu cho mình ngoài các chính sách thu do T.Ư quy định, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yên thẳng thắn cho biết.

Rõ ràng, khi "năng lực tài khóa" và sự tự chủ về nguồn thu của CQÐP còn bị hạn chế, phương thức phân cấp ngân sách vẫn chưa được cho là phù họp với thực tế. Ðể góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực ngân sách trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đổi mới mô hình tổ chức CQÐP theo quy định của Hiến pháp 2013, việc tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách là giải pháp rất quan trọng. Việc phân cấp này cần tiếp tục bảo đảm tính thống nhất của ngân sách, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư nhưng đồng thời phải tạo cơ chế để khơi thông được tính chủ động của CQÐP trong khai thác các lợi thế trên địa bàn. Ðương nhiên, về phía CQÐP, cần bảo đảm tính trách nhiệm về chính trị, tính hiệu quả và minh bạch. Tăng cường kỷ luật tài khóa, cải thiện tính minh bạch, công khai trong quy trình ngân sách, mở rộng hình thức và nội dung công khai; tăng cường trách nhiệm giải trình... chính là "chìa khóa vàng" để tiến hành cải cách phân cấp ngân sách - một trong những nội dung quan trọng trong cải cách tài chính công của Việt Nam trong thời gian tới.

SÔNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33497802-%c3%b0oi-moi-phan-cap-nguon-thu-ngan-sach-nha-nuoc.html