Đổi mới phương pháp canh tác, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng lúa trọng điểm của cả nước, với sản lượng gần 26 triệu tấn. Tuy nhiên, tổ chức sản xuất chưa hợp lý khiến thu nhập của người trồng lúa thiếu ổn định, đòi hỏi phải có sự đổi mới, trước hết từ phương thức gieo sạ để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Mô hình trình diễn giảm lượng giống bằng kỹ thuật sạ hàng tại xã Trung Nghĩa (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long).

Mô hình trình diễn giảm lượng giống bằng kỹ thuật sạ hàng tại xã Trung Nghĩa (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long).

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay nông dân vùng ĐBSCL vẫn sử dụng lượng giống sạ phổ biến là 120 đến 150 kg, cá biệt có vùng nông dân sử dụng tới 200 kg/ha. Việc sử dụng lượng giống quá cao dẫn đến phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận cho người sản xuất, đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường...

Theo khuyến cáo của cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học, lượng giống phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất lúa là 80 đến 100 kg/ha. Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết, để tiết kiệm chi phí sản xuất lúa thì việc tiết kiệm lúa giống dễ dàng hơn tiết kiệm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Bên cạnh đó, giảm giống, sạ thưa sẽ giảm được phân bón, cây lúa thưa sẽ ít sâu bệnh hơn, đạt được hiệu quả kinh tế tổng hợp từ một động tác rất nhỏ.

Thấy rõ vấn đề nêu trên, năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản số 1334/BNN-TT chỉ đạo giảm lượng giống gieo sạ tại các tỉnh ĐBSCL, đồng thời tổ chức phát động Chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha ở khu vực ĐBSCL (giai đoạn 2016-2020). Mục tiêu của chương trình là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, người sản xuất lúa về giảm khối lượng hạt giống gieo sạ/ha trong canh tác lúa; tăng cường thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giảm khối lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha vào năm 2020, đồng thời quản lý và sử dụng giống lúa chất lượng cao tăng từ 40% lên hơn 75% diện tích gieo trồng mỗi vụ.

Đồng hành cùng chương trình đổi mới cách gieo sạ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại ĐBSCL và Nam Trung Bộ”. Trong đó, mô hình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ (80 kg/ha) được triển khai tại hai tỉnh Long An và Đồng Tháp từ năm 2016 đến 2018, và giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền nam) thực hiện tổ chức tập huấn đầu vụ, giao giống, phân bón, thuốc BVTV cho bà con nông dân. Đối tượng tham gia là hộ nông dân có diện tích sản xuất lúa trực tiếp; có kinh nghiệm, tự nguyện tham gia mô hình, có vốn đối ứng và nhiệt tình tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và thực hiện đúng yêu cầu của dự án: gieo sạ 80 kg hạt giống/ha và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật.

Vụ thu đông 2016, mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ được thực hiện ở ấp 2, xã Thạnh An (Thạnh Hóa, Long An) và ở ấp 1, xã Mỹ Hòa (Tháp Mười, Đồng Tháp), cùng với quy mô 30 ha. Kết quả cho thấy, với lượng giống gieo sạ 80 kg/ha, lúa rất đẹp, gốc lúa thông thoáng, ít bị sâu bệnh hơn khi gieo sạ 150 kg/ha. Đến vụ đông xuân 2016-2017, mô hình được triển khai trên địa bàn ấp 2, xã Mỹ Phú (Thủ Thừa, Long An) với quy mô 30 ha, có 32 hộ nông dân tham gia, mật độ gieo sạ được quy định là 80 kg/ha. Mỗi hộ nông dân tham gia dự án được hỗ trợ miễn phí 80 kg giống nếp IR4625 cấp xác nhận và 30% vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV,...).

Kết quả cho thấy, năng suất lúa đạt trung bình 8,35 tấn/ha (cao nhất 9,1 tấn/ha), trong khi đó năng suất các ruộng ngoài mô hình chỉ đạt 7,17 tấn lúa /ha. Lợi nhuận trung bình trong mô hình đạt hơn 28,6 triệu đồng/ha. Trong vụ hè thu 2017 này, dự án tiếp tục thực hiện tại ấp 2, Mỹ Phú, Thủ Thừa, với cùng số hộ và diện tích đã được triển khai ở vụ đông xuân 2016-2017.

Các mô hình thí điểm bước đầu đã giúp bà con nông dân ĐBSCL biết cách quản lý, sử dụng lượng giống lúa phù hợp gieo sạ bảo đảm lợi ích kinh tế. Đến nay, tỷ lệ nông dân sử dụng lượng giống hơn 150 kg/ha đã giảm 27,63%, nhưng tỷ lệ số hộ sử dụng lượng giống từ 120 đến 150 kg/ha vẫn còn cao (38,25%), lượng hạt giống gieo sạ từ 100 đến 120kg/ha và dưới 100 kg/ha là 7,8%. Đáng chú ý, lượng giống sạ vẫn có sự biến động rất lớn giữa các vụ, các tỉnh.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu của Chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha ở khu vực ĐBSCL, đến năm 2020 trung bình khối lượng hạt giống gieo sạ là 80 kg/ha, các địa phương cần tập trung chỉ đạo cơ cấu giống lúa trong từng vụ sản xuất; xây dựng bộ giống lúa xuất khẩu dựa trên tiêu chí chất lượng, xây dựng kế hoạch cung ứng giống lúa cho từng vụ, từng vùng; đồng thời tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong việc quản lý lượng giống sạ phù hợp, đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm”, canh tác lúa cải tiến; đồng thời tiếp tục triển khai các mô hình thí điểm để nhân rộng ở nhiều địa phương.

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33984402-doi-moi-phuong-phap-canh-tac-tang-loi-nhuan-cho-nguoi-trong-lua.html