Đổi mới phương pháp dạy và học: Thầy cô là người dẫn đường

Đội ngũ nhà giáo đang tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cho học sinh sự hứng khởi trong học tập và nghiên cứu khoa học. Từ đổi mới phương pháp đã có những dự án được ứng dụng vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.Biên Hòa) mang xe máy lên lớp thực hành tháo ráp và tìm hiểu cơ chế hoạt động. Ảnh: C.Nghĩa

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.Biên Hòa) mang xe máy lên lớp thực hành tháo ráp và tìm hiểu cơ chế hoạt động. Ảnh: C.Nghĩa

Thay vì chỉ hiểu biết dựa trên lý thuyết sách giáo khoa, nhiều học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) đã biết tham khảo kiến thức từ mạng xã hội, thực tiễn cuộc sống để làm những sản phẩm có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như: đậu hũ, sữa đậu nành, son môi…

* Tạo cảm hứng cho học trò

Cô Phạm Thùy Linh, giáo viên môn Hóa Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ, trước khi truyền đạt cho học sinh một bài mới trong sách giáo khoa, cô thường định hướng trước để các em tự tìm hiểu những ứng dụng thực tiễn của bài học mới này. Khi được giáo viên định hướng, học sinh sẽ chia nhóm và tự làm ra các sản phẩm, sau đó mang lên lớp trình bày. Việc ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn đã mang lại những giờ học tranh luận sôi nổi, đi đến tận cùng của vấn đề, giúp học sinh hiểu bài ngay trên lớp.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Đội ngũ nhà giáo sẵn sàng với nhiệm vụ mới

Đổi mới phương pháp dạy và học là nhiệm vụ thường xuyên, tuy nhiên phải liên tục tư duy để tìm ra được những phương pháp mới hiệu quả hơn. Yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy và học sẽ ngày càng cấp thiết hơn khi sắp tới toàn ngành triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi không chỉ là chữ tâm của mỗi nhà giáo đối với học sinh mà đó còn là trách nhiệm với những thế hệ tương lai của đất nước.

An Yên

Cũng từ những định hướng của giáo viên và tham khảo nguồn từ mạng xã hội, Nguyễn Phú Vương và Phạm Kim Long (học sinh lớp 11B2 Trường THPT Lê Hồng Phong) đã có một bài thuyết trình khá ấn tượng về chủ đề Không khí sạch - thành phố sạch. Toàn bộ nội dung của bài thuyết trình đã được “tóm gọn” trong một bức tranh do chính hai học sinh này vẽ. Không dừng lại ở đó, Vương và Long còn dùng điện thoại thông minh ghi hình bài thuyết trình của mình sau đó đưa lên mạng xã hội như Facebook và YouTube chia sẻ rộng rãi với mọi người cùng xem và chung tay bảo vệ môi trường.

Tại Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa), nhiều buổi học từ lâu đã không còn cảnh học trò ngồi ghi chép còn thầy cô thì “độc giảng”. Nhà trường đã xây dựng những tiết học yêu thích gắn với những dự án cụ thể. Cô Vũ Thị Ni Na, Hiệu trưởng nhà trường nêu ví dụ: “Thay vì chỉ nói với học sinh hãy bảo vệ môi trường, chúng tôi đã giúp học sinh xây dựng một dự án về bảo vệ môi trường với chủ đề Không rác thải nhựa. Từ đó các em chia tổ thảo luận, tìm giải pháp cho những vật liệu thay thế tốt cho môi trường. Khi các nhóm chuẩn bị dự án xong sẽ trình bày trên lớp, những dự án được đánh giá cao sẽ được trình bày trong ngày hội nghiên cứu khoa học của trường”.

Là một trường ở vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Phú, thế nhưng trong vài năm trở lại đây, việc đổi mới phương pháp dạy và học đã được Trường THCS Quang Trung (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) mạnh dạn thực hiện theo định hướng giáo dục STEM (science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và maths (toán học). Từ sự chuyển hướng đúng đắn này, năm học 2018-2019 nhà trường đã lần đầu tiên tổ chức được ngày hội trưng bày các sản phẩm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của học sinh. Trong số này có những sản phẩm có tính khoa học lẫn thực tiễn cao như ứng dụng ngôi nhà thông minh, thiết bị tiết kiệm điện, hệ thống tưới tiết kiệm nước…

Thầy Trần Đình Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết, công nghệ thông tin và khoa học - kỹ thuật đã phát triển rất mạnh nên giáo viên buộc phải thay đổi để giúp học sinh chuyển hóa lý thuyết vào thực tiễn, làm cho việc học thực sự nhẹ nhàng, thoải mái.

* Tăng tính mới mẻ

Từ sự đồng hành của giáo viên, năm học nào Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) cũng có học sinh đoạt các giải cao tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó nhiều em đã được tuyển thẳng vào các trường đại học tốp đầu tại TP.Hồ Chí Minh. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh Đậu Thế Tâm cho biết: “Nhà trường có lợi thế là chất lượng tuyển sinh đầu vào tốt, tuy nhiên đội ngũ giáo viên phải rất nỗ lực mới có thể phát huy hết khả năng học tập của học sinh. Do đó, ngoài việc truyền đạt kiến thức trên lớp, nhà trường đã tận dụng các phòng thí nghiệm, tăng cường các cơ hội trải nghiệm nhằm giúp các em “hấp thụ và chuyển hóa” kiến thức nhanh nhất vào cuộc sống”.

Thầy Tâm cũng cho hay, năm học này nhà trường đã “đặt hàng” với chuyên gia chương trình giáo dục sáng tạo Microsoft để triển khai phương pháp giáo dục mới, dạy học theo dự án, định hướng giáo dục STEM. Việc mạnh dạn đổi mới phương pháp giáo dục sẽ giúp học sinh không chỉ có đam mê học tập, học giỏi mà còn trở nên sáng tạo hơn trong việc ứng dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề. Hơn nữa việc dạy học theo dự án, định hướng giáo dục STEM còn là một bước giúp học sinh tiếp cận sớm với nghiên cứu khoa học - kỹ thuật.

TS.Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, người có nhiều năm gắn bó với cuộc thi khoa học - kỹ thuật học sinh trung học của tỉnh chia sẻ: “Đổi mới giáo dục, nhất là đổi mới phương pháp dạy và học là điều rất cần thiết để giúp học sinh có cơ hội sáng tạo. Điều đó được chứng minh rằng, nhiều học sinh như được “khai phóng” khi có giáo viên với chuyên môn sâu về khoa học - kỹ thuật hướng dẫn chế tạo ra những sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn từ kiến thức sách vở”.

Thời điểm này, Sở GD-ĐT đã cử cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán lần lượt đi tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị các điều kiện cho việc thay sách giáo khoa… Với chương trình mới, sách giáo khoa mới, việc dạy học sẽ tăng tính tương tác, thực hành và trải nghiệm, do đó nếu giáo viên không chủ động đổi mới trong phương pháp dạy sẽ là một thiệt thòi cho học sinh, đồng nghĩa với việc chương trình mới sẽ bị hạn chế về chất lượng. Vì vậy, trong thời gian tới Sở GD-ĐT sẽ đưa ra nhiều phương pháp dạy học mới, tích cực để chia sẻ với các trường, từ đó giáo viên có thể trao đổi với nhau những phương pháp mới trong dạy học tích cực, dạy học thực tế.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201911/doi-moi-phuong-phap-day-va-hoc-thay-co-la-nguoi-dan-duong-2975640/