Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một đòi hỏi cấp thiết, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của công tác xây dựng Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. [1]GS.TS. Phan Ngọc Liên (chủ biên), TS. Văn Ngọc Thành, TS. Bùi Thị Thu Hà, ThS. Lê Hiến Chương, TS. Đỗ Hồng Thái (2006), Biên niên sử các Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam + +, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr. 1011.[2]Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 88.[3]GS.TS. Phan Ngọc Liên (chủ biên),…Sđd…, tr. 1012.[4]Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 216.[5]Đảng Cộng sản Việt Nam (2016),…Sđd…, tr. 216.[6]Đảng Cộng sản Việt Nam (2016),…Sđd…, tr. 210.[7]Đảng Cộng sản Việt Nam (2016),…Sđd…, tr. 203.[8]Đảng Cộng sản Việt Nam (2016),…Sđd…, tr. 215.[9]Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 273.[10]Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, t.5, …Sđd …, tr. 269.[11]Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, t.5, …Sđd …, tr. 250.[12]Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, t.1, …Sđd …, tr. 263.

Ảnh internet

Đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng là một nhiệm vụ quan trọng được nêu lần đầu trong Báo cáo công tác xây dựng Đảng tại Đại hội X(2006). Tinh thần đặt ra là “Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện”[1].

Phương thức hiểu theo nghĩa rộng nhất là cách thức và phương pháp đặt ra để tiến hành thực thi công việc. Từ đó có thể suy ra đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, tức đổi mới:

Thứ nhất là cách thức lãnh đạo. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011)thông qua tại Đại hội XI của Đảng (2011) đã xác định cách thức lãnh đạo của Đảng: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”[2].

Thứ hai là phương pháp lãnh đạo. Có rất nhiều phương pháp lãnh đạo trong cách thức lãnh đạo như phân công, phân cấp, phối hợp hoạt động, kết hợp lợi ích với giáo dục tâm lý, tôn vinh, dân chủ… để thực hiện công việc một cách hiệu quả. Mỗi nhà chính trị có thể vận dụng nhiều phương pháp lãnh đạo để hoàn thành công việc được giao nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản: “Vấn đề quyết định trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành và mở rộng dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng”[3], nguyên tắc thượng tôn pháp luật ghi ở điểm 3, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và “Xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm”[4].

Phân tách cách thức và phương pháp là để nhận rõ hai thành tố cốt lõi trong phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, nhưng trong thực tiễn hai thành tố này hòa quện vào nhau trong cả quá trình tổ chức lãnh đạo.

Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, liên quan trực tiếp đến con người, bởi con người là chủ thể, đồng thời là sản phẩm của văn hóa. Có những biểu hiện của văn hóa rất tinh tế nhưng cũng có những biểu hiện của văn hóa rất nhạy cảm, phức tạp, nhất là liên quan đến truyền thống, phản ánh tập tục và đức tin của một nhóm người. Văn hóa không ngừng sáng tạo và biến đổi để thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội. Nói tới văn hóa là nói tới bản sắc, nói đến cá tính sáng tạo. Văn hóa không thích hợp với kiểu loại cào bằng, tương đồng. Các văn nghệ sĩ, trí thức văn hóa trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật, không tự khép mình vào những khuôn mẫu có sẵn mà luôn tìm tòi, khám phá, tạo ra cái mới, lạ, hấp dẫn, đồng thời làm mới những cái đã có. Họ đòi hỏi không gian tự do và hưng phấn cảm xúc trong sáng tạo để hy vọng đóng góp một cái gì đó giá trị, mới mẻ cho tiến trình phát triển văn hóa dân tộc. Vì vậy lãnh đạo và quản lý văn hóa không thích hợp với phương pháp mệnh lệnh, hành chính mà thích hợp với cổ vũ, động viên, thuyết phục, ghi nhận và tôn vinh. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa phải từ những quy định chung về phương thức lãnh đạo của Đảng để vận dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh văn hóa cụ thể, hướng tới mục tiêu giải phóng tiềm năng lao động, sáng tạo nhiều công trình, tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, đề cao phẩm giá con người.

Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, theo chúng tôi cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm dưới đây:

1. Đối mới ban hành nghị quyết và học tập, quán triệt nghị quyết trên lĩnh vực văn hóa

Đại hội XII của Đảng khi xác định các nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng… Nghị quyết phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi; phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai có hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp được ghi trong nghị quyết”[5].

Thực tiễn cho thấy, những năm vừa qua, Đảng ta đã đúc rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến phản hồi của cán bộ, nhân dân, thực sự có đổi mới trong việc ban hành nghị quyết về văn hóa.Năm 2013, Đảng chỉ đạo tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là cơ sở để ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết ngắn gọn, nội dung các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi, thể hiện tinh thần đổi mới của Đảng, trong đó có giải pháp: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa” với quan điểm: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo”. Đây là tư tưởng chỉ đạo đúng đắn phù hợp với đặc thù lao động sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Bài học rút ra là, để đổi mới ban hành nghị quyết, Đảng ta phải tiến hành tổng kết thực tiễn công phu, nhìn thẳng sự thật, không né tránh yếu kém, khuyết điểm, với phương châm đưa cuộc sống văn hoávào nghị quyết, thể hiện ở khát vọng xây dựng văn hóa ngày một tốt đẹp và mong muốn giải quyết những bức xúc nảy sinh từ thực tiễn đời sống văn hóa.

Đảng cũng phải lãnh đạo việc đổi mới học tập, quán triệt các nghị quyết liên quan đến văn hóa. Lựa chọn những báo cáo viên có trình độ, am hiểu về văn hóa, công việc lao động sáng tạo nghệ thuậtcủa văn nghệ sĩ, trí thứctruyền đạt nghị quyết để tăng sức thuyết phục.

Sau học tập, quán triệt nghị quyết, cấp ủy đảng ở cơ quan, đơn vị cần xây dựng chương trình hành động, hay kế hoạch thực hiện nghị quyết, xác định rõ công việc phải làm, thời gian hoàn thành, người phụ trách và điều kiện bảo đảm, tạo cơ sở pháp lý để triển khai và kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu về văn hóa ở các cấp ủy, có năng lực tổ chức xây dựng và quán triệt nghị quyết, định kỳ báo cáo tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng về văn hóa.

2. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trên lĩnh vực văn hóa

Tuyên truyền, vận động quần chúng thực chất là một bộ phận của công tác tư tưởng của Đảng, mục đích là tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội về chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa. Công tác tư tưởng phải đi trước và phải thường xuyên, liên tục, áp dụng các biện pháp khác nhau cho phù hợp với từng đối tượng văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đặc biệt coi trọng tính định hướng chính trị đồng thời với tính thuyết phục của công tác tư tưởng. Đối với văn hóa tính định hướng với tính thuyết phục là rất quan trọng nhằm cổ vũ, động viên văn nghệ sĩ, trí thức và nhân dân tự giác thực hiện các nhiệm vụ văn hóa.

Đảng cần mở rộng tiếp xúc, đối thoại nắm tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, trí thức. Tôn trọng ý kiến phản biện xã hội của văn nghệ sĩ, trí thức, tránh quy chụp, nâng quan điểm. Thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến những vấn đề nhạy cảm về kinh tế - xã hội – an ninh – quốc phòng tạo sự đồng thuận trong văn nghệ sĩ, trí thức.

Trong chỉ đạo các hoạt động văn hóa văn nghệ, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị phải tôn trọng sự tìm tòi, sáng tạo của văn nghệ sĩ để có tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn đi vào lòng người, tránh tuyên truyền chính trị cứng nhắc, khiên cưỡng theo kiểu minh họa chủ đề chính trị. Muốn tạo được sự nhất trí trong toàn Đảng về các nhiệm vụ văn hóa, trước hết Đảng phải tự đổi mới nhận thức về những vấn đề cốt lõi của văn hóa đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa, con người: “Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam”.

Đổi mới tuyên truyền theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng hoạt động văn hóa, văn nghệ; không ngừng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, thù địch với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng.

Đổi mới công tác vận động quần chúng trên lĩnh vực văn hóa, trọng tâm là đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn hóa, văn nghệ, các tổ chức văn hóa quần chúng ở cơ sở nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ, trí thức văn hóa và nhân dân hoạt động tích cực, hiệu quả. Đảng chỉ đạo Nhà nước ban hành các chính sách khuyến khích nhân dân sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Muốn vận động trí thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, Đảng ta đòi hỏi: “Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”[6].

3. Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ trên lĩnh vực văn hóa

Đại hội XII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu”[7].

Ngày 25/10/2017, Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết này, Đảng tiến hành đổi mới công tác tổ chức, cán bộ trên lĩnh vực văn hóa. Trước mắt cần đánh giá đúng thực trạng tổ chức bộ máy, cán bộ văn hóa. Đánh giá hiệu quả xã hội của các tổ chức hội văn hóa, văn nghệ, chức năng có chồng chéokhông, có nặng tư duy bao cấp, cơ chế xin - cho không? Vai trò của hội với việc tập hợp hội viên, nhất là hội viên trẻ? Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước và các hội thế nào? Cơ chế thực hiện nhiệm vụ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trên lĩnh vực văn hóa có phát huy hiệu lực, hiệu quả không? Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị và ngành văn hóa trong chỉ đạo, quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa đã hợp lý chưa? Công tác cán bộ đã thực sự đổi mới chưa, có tạo sức ỳ, vật cản, nút thắt trong giải phóng năng lực sáng tạovăn hóa, văn nghệ không? Các tài năng văn hóa, văn nghệ có thực sự được tôn trọng, đãi ngộ không?

Phát huy hiệu lực, hiệu quả của các tổ chức của Đảng với các tổ chức của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong quan hệ với nhân dân bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm, thẩm quyền, phát huy tính chủ động sáng tạo của tổ chức và cá nhân trong lãnh đạo, quản lý văn hóa. Tiếp tục sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức của Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.Triển khai nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị mà nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”[8] đến mọi tổ chức văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”[9], “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[10]. Đổi mới công tác cán bộ, trước hết Đảng chỉ đạo bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống đồng thời phải có chuyên môn văn hóa, có uy tín trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, mới có thể đoàn kết rộng rãi công chúng thực hiện tốt nhiệm vụ văn hóa mà Đảng, Nhà nước giao. Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển, sàng lọc đảng viên, đảm bảo chất lượng; bồi dưỡng, giáo dục, cổ vũ văn nghệ sĩ, trí thức văn hóa trẻ hiểu về Đảng, tự nguyện phấn đấu trở thành đảng viên; xử lý kiên quyết đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước; có cơ chế đánh giá đúng và sử dụng đúng cán bộ, đảng viên. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong lãnh đạo, quản lý làm cho “Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên, hội viên” (Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa, con người).

4. Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực văn hóa

Kiểm tra, giám sát là một phương thức lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng” [11], do vậy, Đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức đảngtrong việc tổ chức thực hiện đưa các nghị quyết văn hóa vào cuộc sống, với tinh thần “nói đi đôi với làm”. Chương trình kiểm tra phải cụ thể, thiết thực, bám sát vào từng nhiệm vụ nêu trong nghị quyết. Coi trọng xem xét việc Nhà nước thể chế hóa thành chính sách, pháp luật những định hướng lớn của Đảng về văn hóa và việc đánh giá sử dụng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đã đúng người, đúng việc chưa. Uốn nắn kịp thời quan điểm phát triển thiên về kinh tế, coi nhẹ nhân tố văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm vụ việc tham nhũng, những vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa. Kiểm tra, giám sát cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, đảm bảo điều kiện để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ văn hóa. Đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ để định hướng sự phát triển của văn hóa và hướng dẫn dư luận xã hội tiếp nhận những tác phẩm nghệ thuật có giá trị góp phần xây dựng văn hóa, con người.

5. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên

Thực tiễn hoạt động cách mạng ở nước ta đã chứng minh rằng chỉ khi nào cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các công việc do Đảng khởi xướng thì mới nêu gương lôi kéo, tập hợp các tầng lớp nhân dân tin và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[12]. Từ năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa của Đảng đã khẳng định “Gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng”. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa, con ngươìtiếp tục nêu rõ quan điểm: “Sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là yêu cầu quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng”. Từ đó, Nghị quyết xác định nhiệm vụ: “Mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò gương mẫu, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết”.

Đảng cần lãnh đạo rà soát, hoàn thiện tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, trong đó có nội dung về vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; xây dựng quy trình thực hiện nghiêm túc việc đánh giá phân loại; biểu dương kịp thời cán bộ, đảng viên là văn nghệ sĩ, trí thức văn hóa có nhân cách, lối sống tốt đẹp, có trách nhiệm với xã hội, tận tụy lao động sáng tạo đóng góp trí tuệ, công sức, tài năng vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-tren-linh-vuc-van-hoa-71732