Đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên

Khi được vận động gia nhập Công đoàn, chắc chắn người lao động luôn cần câu trả lời cho các câu hỏi: Vào Công đoàn được lợi gì? Là đoàn viên thì quyền lợi có sự khác biệt với người lao động hay không?

Là cán bộ Công đoàn (CĐ) cơ sở có thâm niên gần 20 năm gắn bó với doanh nghiệp (DN), từ thực tiễn hoạt động của bản thân, tôi khẳng định rằng người lao động (NLĐ) chỉ tin và tự nguyện gia nhập CĐ nếu họ được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ quyền lợi. Thực tế, ở các loại hình DN, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh và vốn đầu tư nước ngoài, NLĐ luôn yếu thế so với người sử dụng lao động. Vì việc làm và đời sống, NLĐ thường nhẫn nhịn khi bị người sử dụng lao động o ép quyền lợi và ít khi dám lên tiếng. Ở một số vụ tranh chấp, chỉ đến khi tức nước vỡ bờ thì NLĐ mới ngừng việc tự phát.

Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), là người gần gũi anh, chị em công nhân

Nói ra điều này để thấy tầm quan trọng đặc biệt về sự hiện diện của tổ chức CĐ tại DN. Muốn làm tốt công tác tập hợp và đại diện cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ, tiếng nói của tổ chức CĐ tại DN phải có trọng lượng, phải nói lên được tiếng lòng của NLĐ, đặc biệt là dám đấu tranh bảo vệ họ khi bị DN o ép quyền lợi.

Ở công ty chúng tôi, nhờ có phong cách sống gần gũi, hết lòng với NLĐ nên đội ngũ cán bộ CĐ dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, nhất là các vấn đề liên quan đến việc làm, thu nhập. Cũng chính nhờ hiểu NLĐ mà CĐ cơ sở kịp thời đứng ra hóa giải các gút mắc trong quan hệ lao động; đồng thời thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản có lợi cho NLĐ. Được bảo đảm việc làm, thu nhập và phúc lợi không ngừng được cải thiện, chắc chắn CĐ sẽ tạo ấn tượng tốt trong mắt NLĐ.

Ngoài việc thực hiện tốt chức năng đại diện, CĐ cơ sở phải cho NLĐ thấy mình luôn gần gũi, sẻ chia với họ lúc khó khăn. Chẳng hạn công tác chăm lo, nếu CĐ đứng ra giúp đỡ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn kịp thời, chắc chắn họ sẽ tự nguyện gia nhập tổ chức mà không cần tốn công tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, CĐ cơ sở phải đầu tư có chiều sâu cho hoạt động ở cơ sở, như đa dạng hóa hoạt động chăm lo đời sống tinh thần. Các buổi sinh hoạt do CĐ tổ chức không chỉ tạo điều kiện cho NLĐ gần gũi, tăng cường tinh thần đoàn kết mà còn giúp họ có cái nhìn thiện cảm về CĐ. Việc cán bộ CĐ xây dựng hình ảnh gần gũi, biết thở hơi thở của NLĐ chắc chắn sẽ tạo ấn tượng tốt với NLĐ, từ đó việc vận động họ gia nhập CĐ sẽ thuận lợi hơn. Vậy nên, để tập hợp NLĐ vào tổ chức thì cán bộ CĐ không nên nói suông.

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, để làm tốt công tác tập hợp đoàn viên và xây dựng tổ chức CĐ ngày càng vững mạnh, theo tôi, tùy từng loại hình DN, Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP HCM nên nghiên cứu xây dựng phương thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp. Công tác tuyên truyền, vận động NLĐ phải thực hiện theo kiểu mưa dầm thấm lâu và bằng những việc làm cụ thể. LĐLĐ TP cũng cần tiếp tục hướng mạnh hoạt động về cơ sở, vì lợi ích của đoàn viên và sự tồn tại của DN. Đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng các chương trình chăm lo mới, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng để nâng cao uy tín của tổ chức CĐ. Hoạt động chăm lo cần phải khu biệt lợi ích giữa NLĐ và đoàn viên để họ thấy được lợi ích của việc gia nhập CĐ.

Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/doi-moi-phuong-thuc-tap-hop-doan-vien-20180615195116664.htm