Đổi mới sáng tạo trong dạy học ngoại ngữ

Là một trong những địa phương được đánh giá cao về việc thực hiện có hiệu quả Đề án Ngoại ngữ 2020, thời gian qua nhiều trường học tại TPHCM đã chủ trọng đổi mới phương pháp dạy học, lồng ghép với nhiều hoạt động ngoại khóa, kết hợp sinh hoạt CLB, giao lưu với các trường ở nước ngoài, đầu tư các phòng học chức năng… để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.

Tiết học mở (open house) giờ tiếng Anh của học sinh Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tạo môi trường cho học sinh rèn luyện các kĩ năng

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) có 29 lớp với 10 giáo viên tiếng Anh cơ hữu và một giáo viên thỉnh giảng. Để đáp ứng việc dạy học ngoại ngữ, hiện trường có 7 phòng chức năng phục vụ cho những tiết học với người nước ngoài, phòng để học với phần mềm DynEd.

Theo chia sẻ của cô Ngô Thị Mộng Thúy, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ nhà trường, mỗi khối lớp sẽ có 8 tiết học tiếng Anh, gồm có cả dạy tiếng Anh theo Đề án của Bộ và tiếng Anh tăng cường của Sở GD&ĐT. Học sinh học theo Đề án hay tăng cường đều học 4 tiết với giáo viên của trường, 2 tiết với giáo viên người bản ngữ (có sự hỗ trợ của giáo viên tiếng Anh của trường) và 2 tiết cải thiện kỹ năng nghe, nói tại phòng học DynEd.

Tiết học của các em HS cũng được các giáo viên đầu tư rất công phu từ phần hình ảnh, clip đến những câu chuyện thú vị bằng tiếng Anh để lồng ghép vào bài học tạo sự hứng thú, giúp các em dễ hiểu bài và tăng kĩ năng giao tiếp.

Cô Mộng Thúy cho biết thêm, ở tiết học rèn luyện kỹ năng nghe nói với giáo viên nước ngoài, HS của mỗi lớp sẽ được chia đôi để đảm bảo về chất lượng của tiết học. Giáo viên bản ngữ được nhà trường lựa chọn hợp tác đều đến từ các trung tâm tiếng Anh có uy tín tại Việt Nam và hàng tháng, Tổ Ngoại ngữ đều có những đánh giá, phản hồi cho trung tâm về tình hình giảng dạy của họ.

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư các phòng chức năng, lựa chọn đội ngũ GV bản ngữ uy tín, nhà trường kết hợp với nhiều hoạt động khác để trau dồi kiến thức, kỹ năng cho HS trong quá trình học ngoại ngữ. Cụ thể như tổ chức thi kể chuyện bằng tiếng Anh, hùng biện tiếng Anh, thành lập CLB tiếng Anh, tổ chức các buổi giao lưu với các trường bạn…

Để giúp phụ huynh nắm được lực học ngoại ngữ của con em mình so với chuẩn trình độ quốc tế, theo cô Mộng Thúy, thường với các em khối 5, giáo viên vẫn khuyến khích phụ huynh cho các em tham gia các kỳ thi đánh giá quốc tế như của Cambridge, TOEFL, ACT…

Tất cả học sinh có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh

Là trường học đầu tiên tại TPHCM thực hiện thí điểm mô hình trường học tiến tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), ngoài nâng cao chất lượng giảng dạy văn hóa, luôn chú trọng đến phát triển về năng khiếu cho các em như mỹ thuật, khoa học, hoạt động thể dục thể thao… và đặc biệt là ngoại ngữ. Trường cũng đặt ra yêu cầu, 100% học sinh của nhà trường có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

Được biết, hằng năm trường có tỷ lệ HS nhận học bổng du học cao, tập trung ở các nước Mỹ, Canada. Cụ thể như, năm học 2017 - 2018, có khoảng 80 em du học ngay khi còn học lớp 10, lớp 11 tại trường.

Để giúp HS có môi trường giao tiếp, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong sử dụng tiếng Anh, theo cô Đỗ Thị Thanh Trúc, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ của trường: Ngoài việc giảng dạy trên lớp theo khung chương trình, trường rất chú trọng đến các hoạt động như English Festival, Hùng biện Tiếng Anh, lồng ghép vào các ngày lễ hội như Giáng sinh, Halloween…

Trường cũng đã thực hiện dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong đó tích hợp thêm một số môn xã hội và môn ngoại ngữ thông qua dự án dạy học cho HS.

Cụ thể, các em HS đã được thực hiện dự án dạy học có tên “Chứng tích da cam” với sự phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM.

Đây là một dự án dạy học có tính quy mô với sự tham gia của 400 HS của trường. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên tham gia vào các hoạt động như đi tìm hiểu hình ảnh thực tế và phỏng vấn khách tham quan tại bảo tàng, viết các bài thuyết trình, thiết kế web, tờ rơi, poster (bằng tiếng Anh) trình bày cảm nghĩ của bản thân về sự tàn khốc của chiến tranh, những thiệt thòi, mất mát của những người dân đang gánh chịu từ ảnh hưởng của chất độc dioxin…

Ngoài ra, mô hình CLB tiếng Anh của được thành lập và thu hút nhiều HS quan tâm, tham gia với nhiều hoạt động bổ ích.

Ngoài dạy tiếng Anh, tại Trường THPT Lê Quý Đôn cũng rất chú trọng đến dạy học tiếng Nhật. Trường hiện có 3 lớp tiếng Nhật (mỗi khối 1 lớp). Theo đó, mỗi tuần, các em có 7 tiếng học tiếng Nhật (trong đó có 2 tiết với giáo viên người Nhật) và 2 tiếng Tiếng Anh.

Để giúp HS tăng cường thêm kiến thức, khả năng giao tiếp, trường cũng thành lập CLB tiếng Nhật có tên CLB Hoa Mặt trời được các em HS hưởng ứng nhiệt tình. Theo cô, Nguyễn Thị Kim Liên, chủ nhiệm CLB Hoa Mặt trời, “CLB có chủ đề cụ thể cho mỗi lần sinh hoạt và có cô giáo người Nhật tham dự. Chủ yếu rèn cho học sinh kỹ năng nghe nói, giao tiếp, tìm hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản thông qua buổi sinh hoạt như làm bánh Mochi, thưởng thức trà đạo, vẽ tranh… Đặc biệt là các em cũng đã có hoạt động cộng đồng ý nghĩa, đó là giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, tham gia nhặt rác làm sạch môi trường”.

Được biết, năm học vừa qua, trường có 9 học sinh đạt giải trong cuộc thi HS giỏi cấp TP môn Tiếng Nhật và có 5 em được nhận học bổng của các trường ĐH nổi tiếng ở Nhật cũng như nhiều em sau khi tốt nghiệp THPT theo đuổi những ngành học có liên quan đến tiếng Nhật.

Thảo Nguyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/doi-moi-sang-tao-trong-day-hoc-ngoai-ngu-3960038-b.html