Đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam

Chương trình IPP giai đoạn 2 một lần nữa tiên phong trong việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển một xu hướng rất mới và tiến bộ ở Việt Nam.

Đó là Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (E&I Ecosystem) nơi gieo mầm, nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp sáng tạo để phát triển thành đội ngũ doanh nghiệp mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Gần đây, phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo đang được các bạn trẻ đón nhận và triển khai sôi động, tích cực trên cả nước. Rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã ra đời và có bước phát triển đáng ghi nhận.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chủ trương phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được khẳng định tại nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ như chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Ngoài sự thành công của một số doanh nghiệp (DN) điển hình thuộc thế hệ thứ nhất (hình thành từ những năm đầu 2000) như Vinagames, VC Corporation và các DN khởi nghiệp sáng tạo thuộc thế hệ thứ hai (hình thành từ khoảng những năm 2010) thì thế hệ DN thứ 3 nổi bật trong 2 – 3 năm gần đây trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục, nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giải trí, truyền thông.

Tiềm năng to lớn của các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, nếu có môi trường chính sách và cơ chế thỏa đáng để thúc đẩy phát triển, thì tiềm năng có thể trở thành hiện thực, doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ có thể trở thành doanh nghiệp trưởng thành có tiềm lực mạnh trong tương lai. Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực, đổi mới sáng tạo đã trở thành một triết lý tiến bộ về tư duy và phát triển kinh tế - xã hội. Hướng tới một nền kinh tế phát triển dựa trên vai trò dẫn dắt của đổi mới sáng tạo là mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đổi mới sáng tạo cũng đã trở thành một lĩnh vực mới thuộc đối tượng quản lý nhà nước, được Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức đảm nhiệm như một chức năng, nhiệm vụ quan trọng.

Việt Nam được đánh giá là nơi có tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Hiện tại, các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã đầy đủ và đang hỗ trợ tích cực cho các dự án, DN khởi nghiệp. Việt Nam cũng đã hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ DN khởi nghiệp như: Mạng lưới hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SMEs Mentoring Network), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam – Phần Lan (IPP). Với sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan, IPP là chương trình ODA về đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam từ năm 2009 và đến nay đã có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Chương trình IPP2 là Chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, thực hiện trong 4,5 năm (3/2014-10/2018) với tổng ngân sách của Chương trình là 11 triệu Euro, trong đó Chính phủ Phần Lan tài trợ 9,9 triệu Euro, phần đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1,1 triệu Euro. Chương trình được thiết kế gồm 3 cấu phần chính: Phát triển môi trường thể chế và xây dựng năng lực về đổi mới sáng tạo; thiết lập quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Trong những năm qua, IPP2 đã tiên phong thử nghiệm các mô hình mới trong đào tạo, xây dựng năng lực và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, làm cơ sở phát triển lực lượng doanh nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trải qua gần 4 năm, các hoạt động của Chương trình IPP2 đã tác động tích cực tới hầu hết các yếu tố cấu thành của Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, bao gồm: Chính sách của Chính phủ và khung pháp lý; Định chế tài chính cho khởi nghiệp; Văn hóa khởi nghiệp thông qua đào tạo, lan tỏa tri thức; Đội ngũ chuyên gia huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; Vai trò của các trường đại học như nhân tố xúc tác khởi nghiệp. Với sự tham gia tích cực của các trường đại học trong hoạt động hợp tác với IPP2, việc tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn viên đại học sẽ trở thành một xu hướng tiến bộ được các trường đại học quan tâm đẩy mạnh, để các trường đại học thực sự trở thành nơi ươm mầm, nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo và sự ra đời của các doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và xã hội.

Các chuyên gia tin tưởng, quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp chú trọng đổi mới sáng tạo sẽ đi từ sự biến đổi về lượng sang sự chuyển biến về chất. Cùng với quá trình này, các cơ quan quản lý cần thực thi chính sách trong tính thống nhất. Các cơ quan cùng tạo điều kiện chứ không phải một bên trải thảm một bên lại tạo rào cản. Đồng thời, cơ chế vốn và tín dụng cần thông thoáng, để cho tư nhân làm thì những quỹ đầu tư mạo hiểm, “nhà đầu tư thiên thần” sẽ có cơ hội hỗ trợ start-up./.

Cẩm Tú

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/cong-nghe/suc-song-so/doi-moi-sang-tao-trong-he-sinh-thai-khoi-nghiep-tai-viet-nam-40265