Đổi mới sáng tạo và các nhân tố ảnh hưởng trong tổ chức

ThS. DƯƠNG VĂN HÙNG (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Đổi mới sáng tạo (innovation) được coi là một tiền đề quan trọng để tạo ra năng lực cạnh tranh nhằm đạt được sự tăng trưởng dài hạn của công ty trong môi trường kinh doanh luôn biến đổi như hiện nay. Các doanh nghiệp luôn không ngừng nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo để tồn tại và phát triển. Vấn đề đổi mới sáng tạo ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các nhà quản trị doanh nghiệp và cả các nhà hoạch định chính sách. Nghiên cứu về đổi mới sáng tạo đóng vai trò là một sự kích thích cho lợi thế cạnh tranh có tính bền vững trong các công ty. Tuy nhiên, bản chất của sự phát triển trong lĩnh vực này đã dẫn đến các nghiên cứu ngày càng rộng rãi và có tính rời rạc. Bài báo này tập trung vào các nghiên cứu liên quan đến yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo trong các tổ chức. Mục tiêu của nghiên cứu là trình bày một cách toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo.

Từ khóa: Đổi mới sáng tạo, các yếu tố thuộc tổ chức, tổng quan nghiên cứu.

Đổi mới sáng tạo

Katz (2007) định nghĩa đổi mới sáng tạo là “việc tạo ra, phát triển, và triển khai áp dụng thành công các ý tưởng mới và độc đáo bao gồm đưa ra các sản phẩm, quá trình và chiến lược phát triển mới cho công ty dẫn đến thành công trong kinh doanh và giành được vị trí dẫn đầu thị trường, tạo ra giá trị cho các chủ thể liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống”.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng định nghĩa đổi mới sáng tạo theo chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2005): “Đổi mới sáng tạo là việc thực thi một sản phẩm (hàng hóa/ dịch vụ) hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài”.

Trong hướng dẫn OECD Oslo Manual (2005) thì đổi mới sáng tạo được phân loại thành 4 loại hình: (i) đổi mới sáng tạo sản phẩm, (ii) đổi mới sáng tạo quy trình hoạt động, (iii) đổi mới sáng tạo hệ thống quản lý, và (iv) đổi mới sáng tạo về các hoạt động marketing.

Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo

2.1. Chiến lược và đổi mới sáng tạo

Theo Smith và cộng sự (2008), chiến lược sẽ tác động đổi mới sáng tạo thông qua biến trung gian là nhân viên của tổ chức. Chiến lược vạch ra các khía cạnh khác nhau và cách các khía cạnh này ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo. Hơn nữa, chiến lược bao gồm 4 khía cạnh: chiến lược tổ chức, chiến lược đổi mới, tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức, và chiến lược ra quyết định. Chiến lược của công ty cần được nâng tầm để phản ánh văn hóa tổ chức và liên kết tầm nhìn chung và mục tiêu của tổ chức. Điều quan trọng là tất cả nhân viên của tổ chức phải hiểu chiến lược công ty để có thể hỗ trợ đạt được các mục tiêu.

Nghiên cứu của Kenneth và cộng sự (2015) đã xác định một chiến lược đổi mới rõ ràng đóng vai trò ảnh hưởng quan trọng đến năng lực đổi mới sáng tạo. Theo Lawson (2001), mối liên hệ giữa tầm nhìn, chiến lược và đổi mới sáng tạo là quan trọng để quản lý đổi mới sáng tạo hiệu quả. Chiến lược xác định phân bổ nguồn lực, sản phẩm, quá trình và hệ thống giúp doanh nghiệp thích nghi với sự bất định của môi trường kinh doanh. Sự thành công của đổi mới sáng tạo đòi hỏi tầm nhìn rõ ràng và sự nhấn mạnh vào định hướng chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chiến lược đổi mới sáng tạo gồm một kế hoạch hành động chi tiết hoàn thành các mục tiêu đổi mới sáng tạo (Johnston và Bate, 2007) và là một yếu tố quan trọng cho sự đổi mới sáng tạo hành công (Pane et al., 2003). Một chiến lược đổi mới sáng tạo được hoạch định tốt sẽ được tích hợp với chiến lược kinh doanh để đảm bảo cả hai chiến lược đều có chung một tầm nhìn và sứ mệnh chung (Wong, 2005). Theo Kowang (2015), chiến lược đổi mới bao gồm kết hợp chiến lược, truyền thông chiến lược và cam kết từ lãnh đạo cấp cao là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả đổi mới sáng tạo. Như vậy, chiến lược tác động tích cực tới đổi mới sáng tạo.

2.2. Sự ủng hộ của lãnh đạo với đổi mới sáng tạo và chia sẻ tri thức

Quản lý cấp cao đóng một vai trò thiết yếu trong việc tạo ra các đổi mới sáng tạo bằng cách cung cấp môi trường thích hợp và đưa ra các quyết định nhằm nâng cao sự sáng tạo và vận dụng kiến thức thành công (Van de Ven, 1993; Storey, 2000; Aragón -Correa và cộng sự, 2007). Quản lý cấp cao thường cho thấy nhận thức sâu sắc về nhu cầu của nhân viên và cung cấp động lực, đó là một nguồn động viên họ đổi mới sáng tạo và giải quyết vấn đề. Quản lý cấp cao giúp nhân viên giải quyết các nhu cầu của họ về trao quyền, nâng cao phẩm chất cá nhân, đạt thành tích và nâng cao tính tự hiệu quả (Jung và cộng sự, 2003; Ryan và Tipu, 2013; Abrell và cộng sự, 2011; Taylor và cộng sự , 2009). Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng quản lý cấp cao đóng một vai trò quan trọng trong kết quả tổ chức (Cho và Hambrick, 2006; Kor, 2003; Stam và Elfring, 2008; Smith và Tushman, 2005; Wu, và cộng sự, 2005; Oke và cộng sự , 2009; Chahine và Goergen, 2013; Agbim và cộng sự, 2013). Nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng hỗ trợ quản lý hàng đầu đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến các hoạt động đổi mới trong tổ chức (Jung và cộng sự 2003; Elenko và cộng sự, 2005; Makri và Scandura, 2010; Denti, 2012; Kim, và cộng sự, 2012; Hoàng, và cộng sự, 2009; Al-Refaie và cộng sự, 2011; Ryan và Tipu, 2013). Theo Shaar và các cộng sự (2015), sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao đóng vai trò quan trọng đẩy mạnh quá trình đổi mới sáng tạo, cho phép tổ chức thích nghi với những thay đổi nhanh chóng và bảo vệ mình trước môi trường bất định.

Sự ủng hộ của quản lý cấp cao được coi là một trong những ảnh hưởng tiềm năng quan trọng đối với tri thức tổ chức (Connelly và Kelloway, 2003). Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy sự ủng hộ của quản lý cấp cao là cần thiết để tạo ra một môi trường hỗ trợ và cung cấp đủ nguồn lực (Lin, 2006). MacNeil (2004) nhấn mạnh tầm quan trọng từ ủng hộ của quản lý cấp cao đối với môi trường chia sẻ tri thức tổ chức. Hơn nữa, Lin và Lee (2004) đề xuất rằng nhận thức về sự khuyến khích từ quản lý cấp cao với ý định chia sẻ tri thức là cần thiết nhằm tạo ra và duy trì văn hóa chia sẻ tri thức tích cực cho tổ chức. Do đó, nghiên cứu của Lin (2007) chỉ ra sự hỗ trợ của quản lý cấp cao sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự sẵn lòng chia sẻ kiến thức với các đồng nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra nhận thức về khuyến khích từ quản lý cấp cao với chia sẻ tri thức sẽ ảnh hưởng đến sự sẵn lòng chia sẻ kiến thức của nhân viên. Do đó, quản lý nên nhận ra rằng phần thưởng tổ chức chỉ đảm bảo tuân thủ tạm thời. Để thúc đẩy hoạt động chia sẻ kiến thức, việc tạo điều kiện cho văn hóa tương tác xã hội quan trọng hơn đối với quản lý cấp cao. Như vậy, sự ủng hộ của lãnh đạo tác động tích cực tới đổi mới sáng tạo.

2.3. Nguồn lực tài chính và đổi mới sáng tạo

Theo các nghiên cứu của Delbecq & Mills (1985); Wong (2005); Cooper & Kleinschmidt (2007) chỉ ra rằng thiếu các nguồn lực đổi mới sáng tạo sẽ hạn chế thành công của đổi mới sáng tạo. Nguồn lực nói chung và nguồn tài chính nói riêng tác động lớn đến quá trình đổi mới sáng tạo thông qua yếu tố con người (nhân viên) theo Smith (2008). Nguồn tài chính của tổ chức cấu thành bản chất của các hoạt động đổi mới sáng tạo (Metrick &Yasuda, 2011). Như vậy, tài chính tác động tích cực tới đổi mới sáng tạo.

2.4. Năng lực hấp thụ và đổi mới sáng tạo

Cohen và Levinthal (1990) đề xuất rằng tận dụng tri thức bên ngoài thu thập bởi tổ chức là yếu tố quyết định chính của năng lực đổi mới. Năng lực hấp thụ là khả năng thu nhận, đồng hóa, biến đổi và khai thác kiến thức có thể xác định mức độ đổi mới sáng tạo và năng lực của tổ chức (Cohen & Levinthal, 1990; Daghfous, 2004; Fichman, 2004; Vinding, 2006). Cohen và Levinthal (1990) và Daghfous (2004) đã chỉ ra rằng năng lực hấp thụ của một công ty có lợi cho học tập tổ chức và các hoạt động R & D. Schilling (1998) khẳng định rằng thông qua năng lực hấp thụ, các công ty mở rộng tri thức và cơ sở kỹ năng, cải thiện khả năng đồng hóa, tận dụng thông tin trong tương lai và cuối cùng nâng cao hiệu quả phát triển công nghệ. Năng lực hấp thụ cho phép các công ty có được hiệu quả và sử dụng tri thức bên ngoài cũng như nội bộ có ảnh hưởng đến khả năng đổi mới sáng tạo của họ (Daghfous, 2004). Do đó, khi công ty có năng lực hấp thụ lớn hơn, nó sẽ làm tăng hiệu quả đổi mới sáng tạo. Cohen và Levinthal (1990) lập luận rằng năng lực hấp thụ của một công ty là rất quan trọng đối với năng lực đổi mới sáng tạo của nó. Bởi vì năng lực hấp thụ có thể xác định khả năng thích ứng của tổ chức (Cohen & Levinthal, 1990; Daghfous, 2004), nghiên cứu này cho rằng khả năng hấp thụ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đổi mới sáng tạo một cách tích cực. Do đó, năng lực hấp thụ của các công ty có thể ảnh hưởng đến hiệu quả các hoạt động đổi mới sáng tạo (Cockburn & Henderson, 1998).

Zahra và George (2002) xem xét các nghiên cứu trước đây liên quan đến năng lực hấp thụ, tìm ra mối quan hệ thuận chiều đáng kể giữa năng lực hấp thụ và đổi mới sáng tạo, vì các yếu tố này kết hợp cùng nhau sẽ thiết lập lợi thế cạnh tranh của tổ chức. Nghiên cứu thực nghiệm của Knudsen và Roman (2004) cũng cho thấy rằng, năng lực hấp thụ là một yếu tố quan trọng trong dự đoán năng lực đổi mới sáng tạo của một tổ chức. Mặt khác, Caloghirou và cộng sự (2004) điều tra mức độ năng lực nội bộ hiện tại của các công ty và tương tác của họ với nguồn tri thức bên ngoài ảnh hưởng đến mức độ đổi mới sáng tạo của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số năng lực là kết quả của quá trình tích lũy tri thức và đầu tư kéo dài trong các doanh nghiệp và hình thành dựa vào năng lực hấp thụ của các doanh nghiệp. Nieto và Quevedo (2005) phân tích ảnh hưởng của 3 biến liên quan đến cơ cấu công nghiệp (năng lực hấp thụ, cơ hội công nghệ, và tràn lan tri thức) lên nỗ lực đổi mới sáng tạo do các công ty phát triển. Những mối quan hệ này được điều tra trên tổng số 406 công ty sản xuất Tây Ban Nha và kết quả nghiên cứu của họ cho thấy rằng biến năng lực hấp thụ tác động đến nỗ lực đổi mới sáng tạo lớn hơn so với hai biến cấu trúc. Theo Liao (2006), năng lực hấp thụ là nhân tố tác động quan trọng đến năng lực đổi mới sáng tạo và thành công của hoạt động đổi mới sáng tạo trong tổ chức. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Chen và cộng sự (2009) đã chỉ ra rằng, mối quan hệ tích cực giữa năng lực hấp thụ lên hiệu quả đổi mới sáng tạo, do đó đầu tư nhiều hơn vào năng lực hấp thụ đồng nghĩa với hiệu quả đổi mới sáng tạo cao hơn. Như vậy, năng lực hấp thụ tác động tích cực tới đổi mới sáng tạo.

2.5. Văn hóa tổ chức và đổi mới sáng tạo

"Văn hóa" liên quan đến các giá trị và niềm tin của tổ chức và những ảnh hưởng này đến đổi mới sáng tạo trong tổ chức như thế nào. Ahmed (1998) nói rằng nó là "yếu tố quyết định" của sự đổi mới sáng tạo. Neely và cộng sự (2001) coi yếu tố văn hóa đổi mới cùng với năng lực nội bộ và năng lực hiểu môi trường tác động tích cực đến đổi mới sáng tạo. Lawson và Samson (2001); Smith (2008) cũng chỉ ra văn hóa và môi trường phù hợp đóng một vai trò lớn trong việc đạt được sự đổi mới hay không. Văn hóa đổi mới thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo này bao gồm hai yếu tố: giá trị gắn với đổi mới sáng tạo và nhân tố đổi mới chủ chốt. Kowang và Long (2015) nhấn mạnh vai trò của văn hóa tổ chức đối với hiệu quả đổi mới sáng tạo đối với các đại học nghiên cứu tại Malaysia. Như vậy, văn hóa tổ chức tác động tích cực tới đổi mới sáng tạo.

2.6. Áp lực từ công ty mẹ và đổi mới sáng tạo

Nghiên cứu được tiến hành bởi Cooper và Kleinschmidt (2007) cho thấy một chiến lược đổi mới sáng tạo thành công cần được truyền đạt hiệu quả trên toàn tổ chức. Một chiến lược đổi mới sáng tạo thành công đòi hỏi cam kết lâu dài từ quản lý cấp cao trong cách thức khuyến khích, tham gia, điều hành, hỗ trợ và tài trợ (Sathe, 1898; Saleh & Wang, 1993). Horvath (2011) chỉ ra cam kết quản lý cấp cao đối với chiến lược đổi mới sáng tạo có mối tương quan thuận với sự phát triển kinh tế dài hạn của tổ chức.

Đối với đặc thù kinh doanh trong môi trường toàn cầu hóa, các doanh nghiệp phát triển theo mô hình tập đoàn, tổng công ty, do đó rất nhiều công ty thành viên và hoạt động đều chịu chi phối rất lớn từ tập đoàn nói chung hoặc tổng công ty. Vì vậy, áp lực của công ty mẹ và từ tập đoàn có thể tác động lớn đến chiến lược của công ty, đặc biệt là chiến lược đổi mới sáng tạo. Áp lực ở đây có thể hiểu là sức ép từ công ty mẹ đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của công ty.

Mô hình mối quan hệ các yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo

Thông qua quá trình phân tích có cấu trúc mối quan hệ tồn tại giữa các yếu tố đã được nắm bắt ở trên. Từ tổng quan nghiên cứu này, tác giả có thể xác định các mối quan hệ được trích dẫn giữa các yếu tố được xác định với đổi mới sáng tạo; điều này thể hiện trong Hình 1. Các mối quan hệ (và hướng của các mối quan hệ) giữa các yếu tố được biểu thị bằng các mũi tên trong mô hình.

Kết luận

Nghiên cứu trình bày trong bài báo này rút ra kết luận chính là có 6 yếu tố quan trọng thuộc tổ chức ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo tổ chức; chiến lược công ty và tài chính, ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao, nâng lực hấp thụ tri thức, văn hóa tổ chức, áp lực công ty mẹ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Abratt at el. (1993). Determinants of product innovation in specialty chemical companies. Industrial Marketing Management.
Aranda. A. Daniel & Fernandez. Luis M. Molina, (2002). Determinants of innnovation through a knowledge-based theory lens. Industrial management & Data System.
Assink. Marnix, (2006). Inhibitors of disruptive innovation capability. European Journal of Innovation Management.
Avermeate at el, (2003). Determinants of innovation in small food firms. European Journal of Innovation Management.
Bigliardi. Barbara & Dormio. Alberto Ivo, (2009). An empirical investigation of innovation determinants in food machinery enterprises. European Journal of Innovation Management Vol. 12 No. 2, 2009, pp. 223-242.
Chen, C. -J. (2009). Technology commercialization, incubator and venture capital, and new venture performance. Journal of Business Research, 62(1), 93-103.
Nicolas. Carolina Lopez & Cerdan. Angel L. Merono. (2011). Strategic knowledge management, innovation and performance. International Journal of Information Management.
Ngo, L. V., & O'Cass, A. (2009). Creating value offerings via operant resource-based capabilities. Industrial Marketing Management, 38, 45–59.
Christensen. M Clayton (1997). “Managing Disruptive Technological Change: A Case Study” in “The Innovator’s Dilemma when new technologies cause great firms to fail”. Harvard Business School Press.
Gunday. et al, (2011). Effects of innovation types on firm performance. International Journal Production Economics.

INNOVATION AND FACTORS INFLUENCING THE INNOVATION IN ORGANIZATIONS

Master. DUONG VAN HUNG

Faculty of Business Management, Electric Power University

ABSTRACT:

Innovation is considered an important premise to create the competitiveness of businesses to help them grow in long-term in the ever-changing business environment. Enterprises are constantly improving their innovation capacity to survive and growth. Innovation in business is increasingly attracting the attention of researchers, business leaders and policy makers. Researches on innovation play a role in stimulating the sustainable competitive advantage in companies. However, the nature of development in this area has made researches on innovation increasingly extensive and fragmented. This article focuses on researches which analyze factors impacting the innovation of organizations. This article is to comprehensively present a set of factors that influence the innovation in business.

Keywords: Innovation, organizational elements, research overview.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/doi-moi-sang-tao-va-cac-nhan-to-anh-huong-trong-to-chuc-63534.htm