Đổi mới thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu

Thời gian tới cần tiếp tục cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế

Hội thảo “ Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh mới”. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Hội thảo “ Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh mới”. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ngày 10/7, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo “ Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh mới” với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM) đã trình bày báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 và yêu cầu, định hướng phát triển hậu dịch COVID-19.

Nội dung báo cáo tập trung về phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm 2020; đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô cho cả năm 2020. Đồng thời, phân tích sâu, dựa vào bằng chứng định tính, định lượng về một số vấn đề kinh tế nổi bật hiện nay và kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế.
Theo CIEM, diễn biến kinh tế 6 tháng cuối năm 2020 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: kinh tế thế giới còn bất định, đặc biệt là khả năng bùng phát lần thứ hai của dịch COVID-19.

Nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu. Điều này có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu; căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn.
Mặc dù kỳ vọng nhiều tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam có thể phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…ở một số thị trường và mức độ thích ứng của doanh nghiệp đối với thị trường trong nước có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh dịch COVID-19.
Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh “bình thường mới”.
Cũng tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM thông tin thêm những điểm cải cách mới của Luật Doanh nghiệp 2020; trong đó chỉ rõ, Luật được soạn thảo trên nguyên tắc và mục tiêu nhằm nâng cao khung khổ pháp lý về tổ chức quán trị doanh nghiệp để đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực cũng như quốc tế.
Theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp 2020 có 5 thay đổi quan trọng, tác động tích cực đến thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư. Đó là, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.
“Có thể thấy, với việc tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000, 2005, 2014 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế, Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ cải thiện mạnh mẽ chất lượng quản trị nói riêng và doanh nghiệp nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia” – ông Phan Đức Hiếu nói.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM cho hay, so với nhiều năm trước, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 thì kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã thể hiện sức chống chịu tốt hơn rất nhiều.
"Dù vậy, chúng ta cũng còn khá nhiều nội dung tranh luận về chính sách kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có khả năng kéo dài và vắcxin đặc trị chưa có, việc phòng chống dịch và bảo đảm sức khỏe của người dân như thế nào để giảm thiểu hệ lụy đối với kinh tế....
Mục tiêu là phát triển bền vững, nhưng phải cần sự chủ động hơn từ phía Chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh hậu dịch COVID-19 cũng như thực hiện Hiệp định EVFTA. Tái cơ cấu kinh tế vẫn là yêu cầu hiện hữu, nhưng cũng cần cân nhắc định hướng đa dạng hóa cơ cấu kinh tế", bà Minh bày tỏ./.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doi-moi-the-che-kinh-te-theo-huong-nang-cao-kha-nang-chong-chiu/162292.html