Đổi mới tổ chức của Cục Đường thủy nội địa

Giải thể hai Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, phía Nam, thành lập các chi cục trên cơ sở tách quản lý Nhà nước và công tác duy tu bảo dưỡng từ các đoạn quản lý đường thủy nội địa hiện tại là chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi làm việc với lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa chiều ngày 15/8.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc thành lập tổ chức mới không được tăng thêm biên chế và phải đảm bảo nhiệm vụ quản lý Nhà nước, đưa công tác quản lý cảng bến, luồng tuyến về một mối. Bộ trưởng Đinh La Thăng giao cho Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới tổ chức để báo cáo lại Bộ trưởng.

Trước đó, 2 đơn vị này đã báo cáo Bộ trưởng về phương án đổi mới tổ chức quản lý, bảo trì đường thủy nội địa theo định hướng tách bạch chức năng quản lý nhà nước, quản lý hạ tầng ra khỏi nhiệm vụ sản xuất, duy tu, bảo dưỡng đường thủy nội địa; cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; thực hiện xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng đường thủy nội địa, cổ phần hóa các đoạn quản lý…

Trên cơ sở đánh giá về mục tiêu xây dựng mô hình, đánh giá tổ chức quản lý, bảo trì hiện tại của Cục ĐTNĐ Việt Nam và mô hình ở một số nước, Cục ĐTNĐ đưa ra 2 phương án. Phương án 1 thành lập 7 Cảng vụ và giải thể Chi cục ĐTNĐ phía Bắc. Phương án 2 là giữ nguyên 4 cảng vụ hiện nay và thành lập 15 Chi cục.

Theo đó, phương án 1 có ưu điểm là thống nhất được mô hình tổ chức, cơ cấu tổ chức gọn (giải thể Chi cục phía Bắc), khắc phục được những tồn tại, bất cập trong quản lý ĐTNĐ. Đảm bảo thực hiện đúng Luật Ngân sách đối với kinh phí sự nghiệp kinh tế quản lý bảo trì ĐTNĐ, không làm tăng biên chế hành chính.

Với phương án 2 thì tận dụng được trụ sở làm việc hiện có của các chi cục, đoạn, trạm quản lý ĐTNĐ; giảm bớt số lượng Trạm quản lý ĐTNĐ do sắp xếp lại, do nhiều công chức làm việc tại các Chi cục nên công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước ĐTNĐ tại khu vực được kịp thời hơn. Trên cơ sở đánh giá 2 phương án và có hội ý với Cục ĐTNĐ Việt Nam và các Vụ liên quan, Vụ TCCB, Văn phòng Bộ và Vụ Pháp chế đã góp ý kiến vào đề án của Cục Đường thủy nội địa.

Khánh Lê

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/quan-ly/201308/doi-moi-to-chuc-cua-cuc-duong-thuy-noi-dia-332275/