Đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Những năm gần đây, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn Quảng Ninh tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng về loại hình đào tạo và mô hình hoạt động, đào tạo nhiều lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển KT-XH.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Khác với sự lựa chọn của nhiều bạn bè là cố gắng thi vào đại học, Nguyễn Văn Hưng (TP Hạ Long) lại chọn con đường học nghề. Sau thời gian học nghề hàn tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Quảng Ninh, Hưng có việc làm tại một công ty ở CCN Hà Khánh với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nhiều bạn bè của Hưng vẫn loay hoay xin việc sau khi tốt nghiệp đại học.

Các học viên Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn thực hành sửa chữa xe ô tô.

Học sinh bậc THCS và THPT được xem là lứa tuổi "vàng” cho việc tìm ngành nghề để lập thân, lập nghiệp, nhưng lâu nay công tác hướng nghiệp, phân luồng học nghề với đối tượng này vẫn gặp nhiều khó khăn. Tâm lý “chông chênh” khi chọn học nghề hay vào đại học, cao đẳng còn khá phổ biến ở hầu hết lớp trẻ; trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh mong muốn con em mình làm “thầy” hơn là làm “thợ”. Chính vì vậy, việc hướng nghiệp, phân luồng đối tượng học nghề đặc biệt quan trọng trước các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh có 42 cơ sở GDNN và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN, bao gồm: 8 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN-GDTX, 2 trường đại học và 17 đơn vị và doanh nghiệp có tham gia hoạt động GDNN.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, hệ thống cơ sở GDNN không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; khuyến khích nhà giáo đạt chuẩn loại A, B; đổi mới quy trình đào tạo nhà giáo theo yêu cầu chuẩn hóa toàn diện mang tính hiện đại... Nhờ đó, số nhà giáo đạt chuẩn khối các trường cao đẳng, trung cấp chiếm trên 76%; khối trung tâm GDNN-GDTX chiếm 80,52%; khối trường đại học có hoạt động nghề nghiệp chiếm 91,47%.

Các học viên tham gia Hội thi tay nghề tỉnh Quảng Ninh năm 2020.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, phát triển cơ sở vật chất dạy học cũng được tỉnh cũng như các bộ quan tâm đầu tư và đạt được nhiều kết quả khả quan. Các dự án đầu tư nghề trọng điểm, mua sắm trang thiết bị dạy nghề và phát triển ngành nghề tại những cơ sở GDNN được đầu tư bài bản, khang trang, qua đó thu hút hiệu quả người học và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất trên thị trường lao động.

Nhờ chất lượng được nâng cao, số học sinh theo học tại các cơ sở GDNN cũng tăng so với trước. Năm 2020, công tác truyền thông về GDNN thông qua các kênh, như: Truyền hình, báo chí, mạng xã hội đưa nhiều thông tin về GDNN đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong công tác tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở giáo dục. Trong năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tuyển sinh được 37.625 học sinh, đạt 106,89%, phân theo 7 nhóm ngành, nghề, trong đó 4 nhóm ngành, nghề có kết quả tuyển sinh khá tốt là: Điện, nước; cơ khí; khai thác mỏ hầm lò; du lịch, dịch vụ.

Xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược, những năm qua tỉnh đã dành nhiều nguồn lực triển khai các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp. Các sở, ngành, địa phương, thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cụ thể, năm 2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020. Năm 2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 140/2018/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 220 và nâng số nghề hỗ trợ kinh phí đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng từ 7 lên 10 nghề.

Học sinh Trường THPT Đông Trìeu ngày hội tư vấn hướng nghiệp - Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2020.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ đã động viên kịp thời, khuyến khích người lao động tự giác, tích cực tham gia học tập. "Khi vào học ở trung tâm em được các thầy cô định hướng nghề phù hợp với bản thân. Em đang theo học ngành quản trị khách sạn, đây là ngành nghề phù hợp với sự phát triển của tỉnh, hy vọng sau khi ra trường em sẽ tìm được công việc phù hợp..." - Lý Trà My, học sinh lớp 10A1, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vân Đồn, chia sẻ.

Gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường

Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và tạo việc làm bền vững cho người lao động là hướng đi mới trong GDNN tại Quảng Ninh. Theo Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, các doanh nghiệp, các trường trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai hiệu quả công tác trao đổi, cung cấp nguồn lực; trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên học nghề, hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở GDNN, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp... Nhờ đó, kết quả giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau đào tạo không ngừng nâng lên. Riêng năm 2020, số người học được giải quyết việc làm là 29.857 người, đạt 88,67% tổng số người tốt nghiệp. Trong đó, 8.496 người có hợp đồng với doanh nghiệp, 732 người được cơ sở đào tạo giới thiệu việc làm.

Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam cung ứng lao động khoảng 51,6% cho các doanh nghiệp trên địa bàn 51,6%.

Các trường có hoạt động cung ứng, giới thiệu việc làm được triển khai tốt là: Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng. Trong đó, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 7.800 lao động, chiếm 51,6% trong kết quả phối hợp hoạt động của 3 nhà (Sở LĐ-TB&XH, Hiệp hội Doanh nghiệp và các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp thường xuyên tham gia hoạt động giao dịch việc làm được Sở LĐ-TB&XH tổ chức định kỳ hằng tháng tại các trung tâm dịch vụ việc làm (Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái) và các phiên giao dịch việc làm lưu động. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng với các cơ sở đào tạo, cung cấp thông tin tuyển dụng ngắn hạn đối với các trường, trung tâm dịch vụ việc làm. Công tác phối hợp với nhà trường đã bước đầu giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết bài toán về tuyển dụng lao động hiện nay, nhất là tuyển dụng lao động thuộc các lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật, công nghệ...

Các học viên của Trưởng Cao đẳng Công nghiệp- Xây dựng tham gia Hội thi tay nghề Quảng Ninh năm 2020.

Thông qua hoạt động cung ứng, giới thiệu lao động cho doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo có nhiều lợi ích thiết thực trong hoạt động tổ chức đào tạo. Trong đó, tập trung thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý, giáo dục học sinh. Đồng thời, thực hiện đào tạo học đi đôi với làm, học kết hợp với lao động sản xuất, đào tạo đúng yêu cầu của doanh nghiệp và người học; thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp bố trí cho sinh viên thuộc chỉ tiêu của doanh nghiệp được thực tập sản xuất tại cơ sở, nhằm củng cố, hoàn thiện kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Anh Hà Văn Hoán, công nhân Phân xưởng Khai thác 1, Công ty CP Than Núi Béo, cho biết: Khi học tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, ngoài phần kiến thức, phần thực hành chiếm khá nhiều, nên khi được nhận việc tôi không có sự bỡ ngỡ mà bắt tay ngay vào công việc. Sau hơn 1 năm, tôi được công ty đánh giá có tay nghề khá...

Từ năm 2017 đến nay, các cơ sở GDNN đã phối hợp với doanh nghiệp xây dựng 215 chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào bồi dưỡng nâng bậc cho người lao động, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và đào tạo lại cho người lao động, với tổng số 37.690 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

Lớp học nghề tại Khoa điện, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Quảng Ninh.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH của địa phương, tỉnh đã và tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của hoạt động đào tạo nghề đối với công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội; bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thu hút, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia vào công tác giảng dạy, đào tạo nghề. Đồng thời, tăng cường liên kết, phối hợp, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp vào công tác đào tạo nghề; hoàn thành tốt công tác đánh giá, tiến tới việc kiểm định chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN; quy hoạch và sắp xếp mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn; nâng cao chất lượng đào tạo và gắn đào tạo với giải quyết việc làm...

Với nhiều giải pháp hiệu quả, công tác GDNN tại Quảng Ninh không ngừng nâng lên, đáp ứng tính cạnh tranh cao trong thị trường lao động hiện nay.

Thu Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202012/doi-moi-trong-giao-duc-nghe-nghiep-2515254/