Đổi mới trưng bày các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2018 (23-11), ngày 14-11, tại TP Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức hội thảo khoa học 'Đổi mới công tác trưng bày bảo tàng và di tích trong giai đoạn hiện nay', trong đó đặc biệt chú ý đến hệ thống bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn quốc.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương và hơn 100 nhà quản lý văn hóa, những chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu về bảo tồn, bảo tàng đến từ 20 bảo tàng và khu di tích trên toàn quốc tham dự.

Hệ thống các bảo tàng trên phạm vi cả nước nói chung, các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá. Đây cũng là điểm du lịch văn hóa, du lịch di sản.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay cả nước có 162 bảo tàng, gồm 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng hiện có gần ba triệu hiện vật.

Riêng về hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh có 13 đơn vị quản lý các bảo tàng và di tích trên toàn quốc, từ Hà Nội đến Pắc Bó (Cao Bằng) và Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hệ thống bảo tàng và di tích duy nhất trong cả nước được thành lập để quản lý chuyên môn thống nhất về bảo tồn, tôn tạo và phát huy có hiệu quả di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, TS Phan Tiến Dũng cho rằng: những năm qua, hoạt động của các bảo tàng Việt Nam nói chung và hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng đã được quan tâm đầu tư nâng cấp và có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động bảo tàng tiếp tục được đổi mới cả về hình thức và nội dung, nhiều bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống, nâng cao tri thức văn hóa, khoa học cho công chúng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động của các bảo tàng vẫn còn nhiều hạn chế như: hình thức trưng bày chậm đổi mới, các hoạt động còn khép kín, đội ngũ chuyên gia giỏi vẫn còn thiếu, phương thức liên kết còn rời rạc, đơn lẻ… Vì vậy, việc đổi mới nội dung bảo tàng là cần thiết nhằm phát huy những giá trị của bảo tàng và di tích.

Tại hội thảo, các nhà quản lý văn hóa, những chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu về bảo tồn, bảo tàng đã trình bày 15 tham luận trong số 51 bài viết liên quan đến những đổi mới trong công tác phát huy giá trị của các bảo tàng, di tích trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đã nhấn mạnh đến vai trò, vị thế của các bảo tàng nói chung và hệ thống bảo tàng, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng trong đời sống văn hóa; đánh giá hiện trạng hệ thống trưng bày tại các bảo tàng, hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời đề xuất các định hướng, giải pháp đổi mới trưng bày và phát huy giá trị của hệ thống thiết chế văn hóa này, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, hình thành nên những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, hấp dẫn.

Trong xu thế phát triển toàn cầu của xã hội, sự phát triển khoa học và kỹ thuật, công nghệ thông tin đã khiến cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng ngày càng cao, để không ngừng đổi mới, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công tác trưng bày, triển lãm, giới thiệu đến công chúng những nội dung, hiện vật, những thông tin về lịch sử văn hóa, truyền thống của dân tộc, tuyên truyền giáo dục chính trị đến các từng lớp nhân dân về những hiện vật, bảo vật những tư liệu quý trong thời chiến; đặc biệt là những hình ảnh, hiện vật, tư liệu gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp, gia đình cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thông qua hội thảo lần này nhằm đưa ra những định hướng trong công tác trưng bày các bảo tàng trên địa bàn Thừa Thiên - Huế nói riêng và hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước, mang đến địa chỉ hấp dẫn phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và du khách.

TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương khẳng định: “Nhiều bảo tàng chậm đổi mới do thiếu định hướng, tư liệu, hiện vật, kinh phí, nhân lực... Hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đổi mới trưng bày là vấn đề sống còn để khẳng định vị trí, tầm quan trọng của các bảo tàng trong đời sống xã hội, đánh thức những tiềm năng vốn có của kho tàng di sản mà các bảo tàng, di tích đang lưu giữ”.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho rằng: “Cách trưng bày của bảo tàng nên bình dị, có sự liên hệ gần gũi giữa nhân vật lịch sử với người đang sống. Hoạt động bảo tàng phải giúp cho công chúng tiếp cận lịch sử dưới mọi hình thức mới thu hút công chúng”.

Tin, ảnh: CÔNG HẬU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/38246702-doi-moi-trung-bay-cac-bao-tang-va-di-tich-luu-niem-ve-chu-tich-ho-chi-minh.html