ĐỔI MỚI TƯ DUY LẬP PHÁP: XÂY DỰNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT KỊP THỜI, ĐỒNG BỘ

Thời gian qua công tác lập pháp đã đạt được những thành tựu nhất định, hệ thống pháp luật cơ bản đã bảo đảm được tính toàn diện, ngày càng tiệm cận các tiêu chí về tính thống nhất, phù hợp, khả thi. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động lập pháp, theo ý kiến chuyên gia cần phải tiếp tục kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng đồng thời chú trọng việc đổi mới tư duy lập pháp…

Lập pháp là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội

Lập Hiến, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Chức năng này đã được quy định trong các Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) và được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong các văn bản pháp luật khác.

Từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều; pháp luật là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; là phương tiện thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, để Nhà nước quản lý xã hội và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước – thị trường – xã hội.

Thời gian vừa qua công tác lập pháp tiếp tục đạt được những thành tựu nhất định, hệ thống pháp luật cơ bản đã bảo đảm được tính toàn diện, ngày càng tiệm cận hơn các tiêu chí về tính thống nhất, phù hợp, khả thi; hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực không ngừng được xây dựng và hoàn thiện, đặc biệt là sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48- NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do đó, đòi hỏi công tác lập pháp phải luôn được đổi mới về tư duy, phương thức thực hiện.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Theo GS. TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, mục tiêu của đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là để đạt được mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Mục tiêu đó là: xây dựng được hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiện đại, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh nhất quán.

GS. TS. Võ Khánh Vinh nhấn mạnh, tư duy lập pháp trong giai đoạn mới cần phải tập trung vào: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.

Hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực không ngừng được xây dựng và hoàn thiện

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, PGS. TS Tào Thị Quyên cho rằng, cần đổi mới tư duy pháp lý, xác định mục đích xây dựng pháp luật chủ yếu là kiến tạo phát triển. Cụ thể: Tiếp tục đổi mới tư duy về bản chất, vai trò, chức năng của pháp luật để sử dụng pháp luật một cách đúng đắn, hiệu quả, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, phát triển xã hội Việt Nam theo hướng đề cao và phát huy bản chất xã hội, bản chất nhân văn, vai trò thuyết phục, sáng tạo của pháp luật. Coi pháp luật là phương thức tổ chức mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tổ chức và hoạt động của Nhà nước, là công cụ, phương tiện thể hiện, thực hiện, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, là nhân tố huy động, phân bổ, sử dụng, kiểm soát nguồn lực phát triển xã hội, thiết lập trật tự an toàn và kỷ cương xã hội.

Do đó, PGS. TS Tào Thị Quyên kiến nghị, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước phải hạn chế dần sự can thiệp hành chính vào đời sống xã hội. Muốn vậy, Nhà nước phải xây dựng được một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, dễ tiếp cận, đáp ứng yêu cầu phát triển của hiện tại và xu thế phát triển của tương lai. “Hệ thống pháp luật đó cần phải được xây dựng và hoàn thiện bằng một tư duy mới đó là xây dựng pháp luật vì mục tiêu kiến tạo sự phát triển xã hội chứ không phải để quản lý, để cai trị xã hội”, PGS. TS Tào Thị Quyên nhấn mạnh.

PGS. TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nêu quan điểm, GS. TS. Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, xây dựng pháp luật là lĩnh vực rộng lớn, được tiếp cận, đánh giá từ nhiều phương diện. Nhưng thiết thực, đời thường nhất là sự thể hiện ở các sản phẩm pháp luật – các chính sách, các văn bản và quy định pháp luật. Trong đó, các sản phẩm của hoạt động lập pháp có vị trí, vai trò, mức độ ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến mọi cá nhân, tổ chức.

Theo GS. TS. Hoàng Thị Kim Quế, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gắn với việc rà soát, đánh giá, xem xét, dự kiến bãi bỏ hoặc sửa đổi, bỏ sung các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, không minh bạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động của chính sách, pháp luật.

GS. TS. Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật –Trường Đại học Quốc gia Hà Nội

Nghiên cứu về nội dung này, PGS. TS Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo một hệ thống tiêu chuẩn phổ quát, toàn diện so với thực tế hiện nay ở nước ta. Điều đó trước hết đòi hỏi phải đổi mới tư duy lập pháp, bởi thực tế cho thấy những hạn chế của hệ thống pháp luật nước ta hiện nay đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến tư duy lập pháp.

Đổi mới tư duy lập pháp đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và nỗ lực của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó quan trọng nhất là Quốc hội và Chính phủ - những cơ quan nhà nước có quyền hạn, trách nhiệm chính trong hoạt động lập pháp. Để đổi mới tư duy lập pháp, cần bám sát lý luận về nhà nước pháp quyền, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hiến pháp, pháp luật và quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đặc biệt là các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật trong Nghị quyết 27 –NQ/TW./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83358