Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sau học nghề
Việc dạy nghề nông nghiệp gắn với thực hành, theo phương châm 'cầm tay chỉ việc' đã giúp nhiều nông dân Điện Biên thay đổi tư duy sản xuất. Cách thức đào tạo này đã giúp địa phương nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, thành lập các tổ hợp tác, HTX thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
HTX Chăn nuôi Mường Mùn, bản Lúm, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Hiện, các thành viên của HTX tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây ăn quả, rau sạch và trồng rừng... Ðiều đặc biệt ở HTX này là các thành viên đều được tham gia tập huấn, đào tạo một trong số các nghề mà HTX đăng ký kinh doanh.
Đào tạo nghề gắn với thực hành
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc HTX Mường Mùn cho biết: "Dù trước đó, ai cũng làm nghề liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích, động viên họ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề do địa phương tổ chức. Có kiến thức cùng với việc tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế của các hộ thành viên đều tăng đáng kể sau khi tham gia vào HTX".

Đào tạo cách nuôi gà Mông đen đặc sản ở tỉnh Điện Biên.
Do thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, nên HTX họp bàn quyết định phân kỳ trong chăn nuôi gia cầm, gia súc tránh tình trạng bán cùng thời điểm, “cung” vượt “cầu”. Nuôi gà chân đen được xác định là hướng đi chủ lực trong giai đoạn hiện nay của HTX. Chú trọng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên thị trường tiêu thụ gà chân đen không chỉ bó hẹp ở Tuần Giáo mà vươn ra các huyện lân cận, sang tỉnh Lai Châu.
Nhận thấy hiệu quả của công tác đào tạo nghề, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Điện Biên đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện nhiều giải pháp, nhằm tạo cơ hội và nâng cao trình độ cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nông thôn như: Tăng cường tư vấn - giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề - tạo việc hay mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về việc làm…
Dựa trên chủ trương này, ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên, cho hay với lực lượng lao động nông thôn khá đông đảo, huyện Điện Biên đã và đang tập trung mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Trong 2 năm trở lại đây, huyện đã tổ chức hơn 30 lớp đào tạo nghề cho gần 1.100 lao động nông thôn.
Ông Lò Văn Khụt, trú tại xã Noong Luống đã tham gia khóa đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt trong ao hồ do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên tổ chức từ 2 năm trước. Với những kiến thức đã được học, cộng thêm sự chịu khó tìm tòi học hỏi, ông đã tạo dựng được một ao cá rộng khoảng 1.500m2. Ao cá này của gia đình đã cho thu hoạch 3 vụ cá, mỗi vụ thu hơn 2 tấn (trừ chi phí, gia đình cũng có khoảng 120 triệu đồng/năm).
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Điện Biên Đông thông tin: Từ năm 2020 đến nay, huyện đã mở 36 lớp đào tạo nghề cho gần 1.260 lao động nông thôn. Thông qua các khóa đào tạo, người lao động tại địa phương được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi tập trung; biết vận dụng kiến thức đã học vào việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình để tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ.
Nông dân mạnh dạn khởi nghiệp
Đặc biệt, một số hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập cao. Nhiều lao động có tay nghề đã được nhận vào làm tại các cơ sở sản xuất, HTX và có nguồn thu nhập ổn định. Trường hợp của gia đình ông Lầu Chờ Dế (trú tại xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông), là một trong những ví dụ điển hình cho việc thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế.
Theo ông Dế, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò, gia đình đã vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Thay vì thả rông trong rừng hàng tháng trời, ông đã làm chuồng để nuôi nhốt nhằm bảo vệ đàn gia súc, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe của vật nuôi. Khi phát hiện trâu bò bị ốm hay mắc bệnh, ông chủ động mua thuốc về điều trị, bổ sung thêm thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho chúng. Nhờ việc chăn nuôi khoa học, đàn trâu, bò của gia đình sinh trưởng và phát triển ổn định, tạo nguồn thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm.
Theo kế hoạch, mỗi năm tỉnh Điện Biên đào tạo nghề cho khoảng 8.500 lao động; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 80%. Với việc xác định phương hướng đào tạo nghề cho hội viên, nông dân là giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và góp phần xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Điện Biên tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn, từ đó định hướng những ngành nghề phù hợp cho người lao động và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn việc làm, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hội viên nông dân có nhu cầu.
Thông qua các lớp dạy nghề nhằm góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng trọt tạo điều kiện giúp cho hội viên nông dân tăng thu nhập, đồng thời cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn xóm nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
Hằng Nga