Đổi mới tư duy về xúc tiến thương mại

Hiện nay, hàng hóa XK của Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Cụ thể, ông Jonas Grunder, Phó Giám đốc Quốc gia Văn phòng Hợp tác Thụy Sĩ, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhận định, các DN XK sẽ phải đối mặt nhiều thách thức lớn như: rào cản hội nhập (thủ tục hải quan, yêu cầu chất lượng, chứng nhận, thông tin TT, bao bì và ghi nhãn sản phẩm…); luật pháp (chưa hiểu biết về TT nước ngoài với các quy tắc và quy định khác nhau); tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội…

Ông Lê Bá Ngọc, Hiệp hội XK hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh đất nước trong giai đoạn hội nhập còn nhiều khó khăn, DN phải cạnh tranh “tay không bắt giặc”. Những nền kinh tế như: Hồng Công (Trung Quốc), Thái-lan, Ấn Độ có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN và khách hàng nhập khẩu hàng của mình. Như Hồng Công cạnh tranh bằng một chuyến bay miễn phí; Thái-lan, Ấn Độ và Philippines là khách sạn miễn phí… Trong khi đó, Việt Nam chưa đủ tiềm lực để làm việc này. Vì vậy, để cạnh tranh, DN cần phải tập trung phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên, rất nhiều DN không sẵn sàng trả tiền để nghiên cứu sản phẩm. Do vậy, Hiệp hội cần phải đứng ra nghiên cứu giúp cho DN, sau đó đem bán lại cho những DN cần. Đặc biệt, DN cần phải phát huy hiệu quả xúc tiến XK.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Huy Thông, Giám đốc kinh doanh Công ty Mây tre đan XK Ngọc Động (Hà Nam), muốn bán hàng thì phải tìm hiểu TT, vì có nhiều rào cản, yêu cầu khác nhau, không TT nào giống với TT nào.

Để đẩy mạnh XK trong thời gian tới, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc điều hành Ecolink (công ty sản xuất chè hữu cơ) cho biết, hiện nay do nguồn lực hạn chế, trong khi muốn đưa sản phẩm ra TT, DN phải tổ chức sản xuất, duy trì chứng nhận, phát triển sản phẩm, dịch vụ khách hàng… nên DN chỉ muốn tập trung vào một số việc trọng tâm như dịch vụ khách hàng và phát triển sản phẩm. Còn những vấn đề khác như duy trì chứng nhận, nghiên cứu TT… DN rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía hiệp hội.

Ông Nguyễn Trọng Bảo, đại diện một DN chuyên về XK, cho rằng khi DN mạnh ai nấy làm, thì vai trò của hiệp hội rất quan trọng. Hiệp hội phải thay đổi tư duy xúc tiến thương mại (XTTM), phải tự cứu mình. Hiệp hội có thể thành lập văn phòng XTTM ở nước ngoài, tự trả tiền, tự lo phí. Nguồn tài chính do thành viên nộp, ai sử dụng thông tin người đó trả tiền.

Theo Cục trưởng XTTM (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú, sự chủ động của DN có vai trò rất quan trọng trong việc gia tăng kim ngạch XK. Thời gian qua, kim ngạch XK cao gấp 12 lần so GDP cho thấy kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào XK. Trách nhiệm cơ quan nhà nước là duy trì kim ngạch XK cao và bền vững trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DN XTTM hiệu quả, giảm chi phí nguồn lực. Theo đó, chính sách XTTM sẽ tập trung hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN nhỏ. Đáng chú ý, nói tới XTTM, đại đa số DN nghĩ ngay tới hội chợ, triển lãm nhưng hàm ý hoạt động XTTM rộng hơn, đó là sự kết nối giữa người mua - người bán. Trong thời gian tới, Cục XTTM sẽ tăng cường cung cấp thông tin TT, kết nối giữa nhà XK Việt Nam với nhà nhập khẩu nước ngoài…

Cùng quan điểm này, Phó Cục trưởng Xuất Nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, mỗi DN có cách đi nhưng cuối cùng đích chung là tiếp cận vào từng TT. Sự chủ động của DN là yếu tố then chốt để hàng hóa Việt Nam đẩy mạnh ra nước ngoài. Bên cạnh đó, vai trò của hiệp hội rất quan trọng. Hiệp hội định hướng, dẫn dắt làm những việc DN chưa làm được, sau đó DN làm được thì hiệp hội sẵn sàng nhường sân. Nhà nước có vai trò thiết lập môi trường, cơ chế chính sách thuận lợi cho DN.

Ở góc độ chuyên gia, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, xúc tiến XK nhiều khi không phải chỉ chạy ra nước ngoài mà có thể làm ngay từ trong nước. Thí dụ như có thể gặp ngay Samsung để xúc tiến, nếu DN cung ứng làm ra được phụ kiện cho Samsung nghĩa là DN đang XK. Hay như FPT viết phần mềm cho các công ty nước ngoài cũng chính là XK. Nhiều người nghĩ phải ra nước ngoài, bán hàng cho người nước ngoài và người ta trả ngoại tệ mới là XK. Ngoại tệ chỉ là phương thức thanh toán. Nếu cung cấp dịch vụ cho khách nước ngoài đến Việt Nam là XK du lịch, mở trường đại học dạy sinh viên quốc tế cũng là XK… Thực tế minh chứng, con số đáng chú ý về giá trị “thương mại số” đối với Việt Nam là giá trị XK theo hình thức này tăng hơn 570% đến năm 2030, đến từ các ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nội dung số, thương mại điện tử.

Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, để tận dụng và phát huy lợi thế cũng như các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, các DN phải chủ động thích ứng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao giá trị XK để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần thay đổi căn bản về XTTM theo hướng thiết thực và hiệu quả.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-kinhte/item/39930402-doi-moi-tu-duy-ve-xuc-tien-thuong-mai.html