Đổi mới tư duy, xây dựng, phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Để đóng góp nội dung công tác dân tộc trong Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vừa qua, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý nội dung công tác dân tộc trong Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội thảo đã được nghe những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý đầu ngành về công tác dân tộc đóng góp, đề xuất vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về chính sách dân tộc trong thời kỳ mới. Báo Biên phòng lược ghi một số ý kiến tại hội thảo.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, đóng góp các ý kiến tâm huyết vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Linh Đan

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, đóng góp các ý kiến tâm huyết vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Linh Đan

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Cần đề cập đến vấn đề đảm bảo quyền các dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hộp nhập quốc tế, vấn đề đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn không tách rời các hoạt động giám sát về mặt nhân quyền của các cơ quan Liên hợp quốc, điều ước quốc tế về quyền con người. Các hoạt động này vừa mang yếu tố tích cực, nhưng cũng đang đặt ra các thách thức về tư duy, về nâng cao năng lực trong việc hoàn thiện và thực thi, chính sách, pháp luật về đảm bảo quyền của các DTTS ở Việt Nam trong nhiều năm tiếp theo.

Theo tôi, để thực hiện tốt vấn đề này, chúng ta phải có hướng làm tốt nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử với các DTTS, xây dựng Luật Dân tộc, tạo khuôn khổ pháp lý lâu dài cho việc triển khai hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, vừa thúc đẩy phát triển, vừa gắn với cải thiện các chỉ số về quyền các DTTS cả về dân sự, chính trị cũng như kinh tế, xã hội, văn hóa.

Phó Giáo sư Nguyễn Song Hà, Học viện Khoa học xã hội: Phải quan tâm đến vấn đề biến đổi văn hóa các DTTS

Trong 5 năm vừa qua, các chính sách văn hóa được thực hiện đã có những tác động tích cực đến phát triển văn hóa các DTTS ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, sự biến đổi văn hóa là điều không tránh khỏi. Bên cạnh các xu hướng tích cực, chúng ta cần quan tâm đến xu hướng đồng hóa về văn hóa, mai một và “đứt gãy” văn hóa truyền thống tại các khu vực biên giới, cửa khẩu, vùng DTTS. Sự biến đổi văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô cả nước, trong đó có khu vực biên giới, khu vực đồng bào DTTS, chính vì vậy, trong các chính sách văn hóa, chúng ta cần nhìn nhận, bổ sung các vấn đề văn hóa ở các vùng này.

Chúng tôi đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, cần chú ý gắn vấn đề văn hóa với phát triển, thay đổi về quan niệm, thái độ, nhận thức và tư duy về văn hóa truyền thống. Đồng thời, quan tâm hơn đến việc xây dựng các yếu tố văn hóa quốc gia, củng cố phát triển văn hóa quốc gia trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt ở khu vực biên giới - nơi bị tác động mạnh của quá trình toàn cầu hóa.

Tiến sĩ Lương Văn Khôi, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia: Bổ sung cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư vào các vùng DTTS và miền núi

Trong 5 năm qua, vấn đề thu hút đầu tư vào vùng DTTS và miền núi còn nhiều hạn chế. Tình trạng đầu tư còn phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng kinh phí đầu tư chưa cao, còn nhiều bất cập trong quản lý đầu tư, nhiều chương trình dự án khi thực hiện còn phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần... Trong nhiệm kỳ mới, chúng ta cần thay đổi tư duy nhiệm kỳ trong đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở cấp địa phương cũng như ở cấp quốc gia. Cần coi đầu tư công vào vùng DTTS là vấn đề quan trọng để thúc đẩy đầu tư tư nhân. Văn kiện cần tiếp tục khẳng định nhất quán khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được phát triển lâu dài, đặc biệt được ưu tiên hưởng những cơ chế đặc thù, hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia đầu tư vào các vùng DTTS và miền núi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Thay đổi cách tiếp cận và hoạch định chính sách dân tộc

Sau mấy chục năm thực hiện chính sách dân tộc, bên cạnh những thành tựu to lớn đã được khẳng định trong thực tiễn, có thể thấy rằng, việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta còn một số bất cập và hạn chế, ảnh hưởng đến thực hiện các chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc. Ở một mức độ nhất định, những hạn chế trong quá trình triển khai, thực thi chính sách đã làm tổn thương đến tình đoàn kết giữa các dân tộc, làm gia tăng các xung đột xã hội, các điểm nóng chính trị xã hội, tạo cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Trong vấn đề hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc, chúng ta thường xuất phát từ mong muốn tốt đẹp là nhanh chóng mang lại những thay đổi tiến bộ cho các dân tộc, mà không tính tới đầy đủ những điều kiện cụ thể và khả năng tổ chức thực hiện, không tính tới truyền thống văn hóa, tập quán tồn tại và sinh sống của từng dân tộc. Từ cách tiếp cận như vậy, việc thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta chưa mang lại hiệu quả tương xứng với nguồn lực đầu tư và gây nên những xung đột, căng thẳng xã hội không đáng có. Thực trạng trên cần được đề cập và đánh giá một cách khách quan bằng cả lý luận và thực tiễn để chúng ta có thể xây dựng một quốc gia Việt Nam đa tộc người mà trong đó, các tộc người đều bình đẳng, tôn trọng và đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Dung, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an: Nghiên cứu xây dựng lực lượng chuyên trách về công tác đảm bảo an ninh vùng DTTS

Âm mưu cơ bản, lâu dài của các thế lực thù địch đối với vùng DTTS và miền núi nước ta xoay quanh các vấn đề như: Tạo dựng mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, lợi dụng những vấn đề phức tạp về nguồn gốc lịch sử các dân tộc, từ đó, làm bùng nổ các trào lưu ly khai, xung đột dân tộc, tạo nên “điểm nóng” về vấn đề dân tộc ở nhiều khu vực; qua đó, nhằm chia rẽ các dân tộc, gây ra các vụ xung đột, bạo loạn, khủng bố... nhằm “quốc tế hóa” vấn đề dân tộc, tạo cớ để các thế lực thù địch can thiệp vào công việc nội bộ của ta.

Từ tình hình trên, vấn đề đặt ra có tính cấp bách và chiến lược là cần nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng lực lượng chuyên trách về công tác đảm bảo an ninh vùng DTTS. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, để phòng ngừa và đấu tranh với các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, rất cần xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Công an nhân dân và các lực lượng khác, đặc biệt là BĐBP một cách thực chất trong công tác này.

Bình Minh (ghi)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-moi-tu-duy-xay-dung-phat-trien-ben-vung-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post430958.html