Đổi mới tuyên truyền, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân

Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2025, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, người lao động được tuyên truyền về những nội dung cải cách của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Đến năm 2030, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến những nội dung của chính sách BHXH mới.

Đây là nội dung Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân nhằm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từ đó tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách BHXH (Đề án) Chính phủ vừa có Quyết định số 1676/QĐ-TTg ban hành.

Lộ trình thực hiện Đề án chia làm 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 2020 - 2025 tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW; tạo sự đồng thuận trong xã hội trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH. Giai đoạn 2026 -2030 sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW; tập trung tuyên truyền những chính sách mới về BHXH để các nhóm đối tượng hiểu đầy đủ quyền lợi và lợi ích khi tham gia BHXH.

BHXH Việt Nam cho biết, Đề án đặt mục tiêu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách chính sách BHXH nhằm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từ đó tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, hướng đến BHXH toàn dân. Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, người lao động được tuyên truyền về những nội dung cải cách của chính sách BHXH. Đến năm 2030, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến những nội dung của chính sách BHXH mới.

Mặt khác, Đề án nêu rõ, phương pháp tuyên truyền cần chú trọng tuyên truyền theo chiến dịch; hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tăng cường sử dụng công cụ truyền thông đa phương tiện, áp dụng công nghệ cao, mạng xã hội vào công tác tuyên truyền BHXH. Đổi mới nội dung tuyên truyền từ chú trọng tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, pháp luật sang tuyên truyền về lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách của chính sách BHXH nhằm tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện chính sách BHXH. Cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền BHXH và chú trọng thực hiện tuyên truyền thường xuyên nhằm tiếp cận, thuyết phục người dân chủ động tham gia BHXH.

Để tăng tính hiệu quả của công tác tuyên truyền, theo Đề án, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức xã hội đối với công tác tuyên truyền BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ được sự cần thiết, vai trò quan trọng, ý nghĩa to lớn, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời nắm vững những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện; lấy tháng 5 hàng năm là tháng vận động triển khai BHXH toàn dân; cơ quan thực thi chính sách xây dựng kế hoạch tuyên truyền BHXH hàng năm và từng giai đoạn; nâng cao chất lượng và mở rộng đội ngũ tuyên truyền viên về BHXH; thực hiện giám sát, đánh giá kết quả tuyên truyền BHXH; tăng cường các biện pháp phòng tránh và xử lý các khủng hoảng truyền thông về BHXH.

Khái niệm “BHXH toàn dân” được hiểu là mọi người dân đều có quyền và cơ hội tiếp cận chính sách BHXH khi bước vào độ tuổi lao động; đều được hưởng chính sách về hưu trí khi tuổi già. Để thực hiện mục tiêu này, Trung ương đã đề ra quan điểm chỉ đạo đó là: “Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng,… hướng tới bao phủ toàn dân” và được cụ thể hóa tại nội dung cải cách chính sách.

BHXH toàn dân hướng đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội. Chính sách BHXH hiện đang được thực hiện với 2 loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo đó:

BHXH bắt buộc được áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động (làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên); về cơ bản được thực hiện với 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất; trách nhiệm đóng góp được quy định thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động. BHXH tự nguyện được áp dụng đối với những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình, được hưởng chế độ 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất. Người hưởng lương hưu được Quỹ BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Thảo Nguyên - Thu Nhung

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/doi-moi-tuyen-truyen-huong-toi-bao-hiem-xa-hoi-toan-dan-359149.html