Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện Quảng Xương

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của HĐND, UBND huyện, ngành chức năng; sự đồng tình hỗ trợ của Nhân dân cùng sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên (CB,GV), nhân viên và học sinh các đơn vị trường học, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của huyện Quảng Xương phát triển không ngừng. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên, công tác quản lý giáo dục được đổi mới, đội ngũ cán bộ quản lý và GV phát triển về mọi mặt.

Cô, trò Trường Tiểu học Tân Phong 1 (thị trấn Tân Phong) trong giờ học.

Xác định chất lượng giáo dục là mục tiêu quan trọng tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh và uy tín của nhà trường, những năm qua Trường Tiểu học Tân Phong 1 (thị trấn Tân Phong) luôn quan tâm, khuyến khích GV đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Cùng với đó, nhà trường chú trọng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục, như: “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng công tác tham mưu, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học. Hiện nay phòng học, phòng bộ môn, thư viện của nhà trường đều được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phong 1 Trần Thị Giao Hằng, chia sẻ: Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng lên qua từng năm học. Kết thúc năm học 2021-2022 trường có trên 73% học sinh được khen thưởng; 99,6% học sinh hoàn thành chương trình nội dung lớp học; 99,4% học sinh đạt phẩm chất năng lực. Trong các kỳ giao lưu câu lạc bộ, học sinh nhà trường đạt 63 giải, tăng 11 giải so với năm học trước...

Không chỉ Trường Tiểu học Tân Phong 1, nhiều năm qua các trường học trên địa bàn huyện Quảng Xương đều nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi đơn vị trường, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của ngành giáo dục huyện nhà. Minh chứng cho thấy, kết thúc năm học 2021-2022, ngành giáo dục huyện Quảng Xướng đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào với tỷ lệ học sinh khá, giỏi bậc THCS đạt gần 60%, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; công tác phổ cập giáo dục tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả mức độ 3. Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT có nhiều chuyển biến, phân luồng học sinh trên địa bàn đạt 11,3%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 99,58%, cao hơn năm học trước 0,04%.

Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, nhiều trường đã làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu như Trường THPT Quảng Xương I, THCS Nguyễn Du, Quảng Ngọc, Quảng Khê, Tiểu học Tân Phong 1, Tân Phong 2... Theo đó, năm học 2021-2022 các trường tiếp tục có sự bứt phá trong các kỳ giao lưu, câu lạc bộ, hội thi cấp huyện ở các cấp học với 111 giải nhất; 412 giải nhì; 892 giải ba; 1.359 giải khuyến khích. Kết quả kỳ thi cấp tỉnh của học sinh giỏi lớp 9 xếp thứ 2 toàn tỉnh với 3 giải nhất, 23 giải nhì, 35 giải ba và 21 giải khuyến khích. Trong kỳ thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, có 1 dự án của học sinh Trường THCS Quảng Nhân dự thi và đạt giải nhì.

Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương Viên Đình Huy, có được kết quả trên ngoài sự phấn đấu, nỗ lực của đội ngũ CB, GV và học sinh trong dạy và học là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong toàn huyện. Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện luôn thực hiện đồng bộ các giải pháp như chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương, đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt”... nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện, đồng đều, tiến bộ và hiện đại trên tất cả các bậc học. Trong đó, cấp mầm non tập trung đổi mới nội dung, tăng cường các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non; thực hiện các chuyên đề đổi mới hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ phù hợp với thực tế của địa phương, như: Lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ học tập thông qua hoạt động vui chơi, giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống, giáo dục phát triển vận động cho trẻ. Đối với bậc phổ thông, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với từng đối tượng học sinh; xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương và nhà trường.

Ngoài ra, ngành đặc biệt chú trọng công tác nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, GV, nhân viên tham gia đào tạo nâng chuẩn, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, tại chỗ để nâng cao năng lực thực tế, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá... Cùng với đó, chủ trương kiên cố hóa trường lớp, xã hội hóa và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia cũng được huyện quan tâm thực hiện. Đến nay huyện đã có 86/86 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 30 trường ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn mức độ 2. Kết quả này đã, đang tạo tiền đề, động lực thúc đẩy các nhà trường không ngừng vươn lên nâng cao chất lượng giáo dục tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục huyện nhà phát triển toàn diện, vững chắc.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/doi-moi-va-nang-cao-chat-luong-giao-duc-o-huyen-quang-xuong/176464.htm