Đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý

Công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ đang đặt ra các yêu cầu và cơ sở lý luận, thực tiễn cho khoa học về đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững đất nước. Gần đây các nhà tâm lý học và xã hội học đang đặt ra vấn đề nghiên cứu về 'sáng tạo' trong lãnh đạo, quản lý và lãnh đạo, quản lý sự đổi mới, sáng tạo. Từ đó đã hình thành bộ môn xã hội học đổi mới, sáng tạo với đối tượng nghiên cứu là mối quan hệ của đổi mới, sáng tạo với con người và xã hội.

Sự thiếu “sáng tạo” trong các sách về lãnh đạo, quản lý của Việt Nam

Từ điển Quản lý xã hội (2002) có mục từ “Sáng tạo” và được hiểu là việc làm nảy sinh kết quả mới, có chất lượng độc đáo, một giải pháp cho nhiệm vụ ấy và hoạt động sáng tạo có trong các lĩnh vực kể cả quản lý. Nhưng cuốn từ điển này không có mục từ “quản lý sáng tạo” mà chỉ có các mục từ như: “quản lý”, “quản lý cực quyền”, “quản lý dân chủ”, “quản lý đồng tham dự”, “quản lý hành chính”, “quản lý quyền uy”, “quản lý theo chức năng - ngành”, “quản lý theo lãnh thổ”, “quản lý theo ngành” và “quản lý xã hội”. Cuốn từ điển này cũng không có mục từ “năng lực quản lý” và “năng lực sáng tạo” mặc dù có mục từ “năng lực”, “năng lực kinh doanh” và “năng lực tổ chức”.

Cuốn “Giáo trình quản lý xã hội” (2006) có sáu chương với hơn 30 mục trong đó có mục “Đổi mới quản lý xã hội” nhưng không có chương, mục nào hay tiểu mục nào bàn về “sáng tạo” trong quản lý và “quản lý sáng tạo”.

Cuốn “Xã hội học về lãnh đạo, quản lý” (2010) gồm 7 chương và 30 mục cũng không có chương, mục nào bàn về tính sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý.

Việc khảo sát sơ bộ một số cuốn sách như vậy cho thấy sự thiếu vắng “sáng tạo” trong lãnh đạo và quản lý của các cuốn sách, các cuốn giáo trình về khoa học quản lý của các tác giả Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: vậy các ấn phẩm về lãnh đạo, quản lý của tác giả nước ngoài được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt nói gì về “sáng tạo”?

“Tính sáng tạo” và “người quản lý sáng tạo” trong sách của nước ngoài

Trong khi các sách và giáo trình về khoa học lãnh đạo, quản lý của các tác giả Việt Nam chưa nói gì đáng kể về “tính sáng tạo” thì nhiều sách của tác giả nước ngoài đã bàn kỹ về chủ đề này. Một cuốn sách thuộc loại “kinh điển” về quản lý của nước ngoài đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt ngay trong những năm đầu của thời kỳ Đổi mới ở nước ta là cuốn sách “Những vấn đề cốt yếu của quản lý”(1). Trong cuốn sách này tác giả Harold Koontz và các đồng sự đã tập hợp và giới thiệu 11 cách tiếp cận khác nhau về quản lý và các cách tiếp cận này đều ít nhiều dựa trên toán học, xã hội học, tâm lý học - xã hội, lý thuyết hệ thống, lý thuyết ra quyết định và kinh nghiệm thực hành. Đó là: (i) cách tiếp cận kinh nghiệm mà người Việt Nam thường sử dụng để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý và luôn đòi hỏi người quản lý phải có kinh nghiệm thực tiễn, (ii) tiếp cận hành vi quan hệ cá nhân, (iii) tiếp cận hành vi nhóm, (iv) tiếp cận hệ thống hợp tác, (v) tiếp cận hệ thống kỹ thuật - xã hội, (vi) tiếp cận lý thuyết ra quyết định, (vii) tiếp cận hệ thống với nhiều thế hệ, mô hình đặc trưng cho từng giai đoạn phát triển của nó, (viii) tiếp cận toán học tiêu biểu nhất là tiếp cận quản lý khoa học kiểu Taylor, (ix) tiếp cận tình huống , (x) tiếp cận vai quản lý và (xi) tiếp cận tác nghiệp.

Tất cả 11 cách tiếp cận này đều không nhấn mạnh đến yếu tố “sáng tạo” trong lãnh đạo, quản lý. Nhưng H. Koontz và các đồng sự đã nói đến “tính sáng tạo” và “người quản lý sáng tạo” trong chương bàn về cách thức làm cho kế hoạch có hiệu quả. Tính sáng tạo là khả năng và năng lực tạo ra những ý tưởng mới trong khi đó sáng kiến là sự vận dụng những ý tưởng mới này. Tuy không đưa ra định nghĩa rõ ràng về “người quản lý sáng tạo”, nhưng H. Koontz và các đồng sự cho rằng tính sáng tạo luôn có sẵn ở mọi người nhưng được sử dụng quá ít, do vậy người quản lý cần nuôi dưỡng tính sáng tạo và sử dụng nó một cách có cân nhắc đến tính rủi ro của nó trong quá trình lập kế hoạch. Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ nói đến tính sáng tạo trong lập kế hoạch mà không phải trong toàn bộ quá trình lãnh đạo, quản lý? Tuy không bàn kỹ về tính sáng tạo của quản lý nhưng các tác giả này luôn đề cao tri thức khoa học và cho rằng “nhà lãnh đạo thông minh” cần phải học hỏi, nghiên cứu và triển khai các tri thức khoa học để cải tiến, hoàn thiện lãnh đạo, quản lý. Bởi vì việc tăng thêm 5% năng suất lao động của Mỹ là do quản lý được hoàn thiện và chỉ riêng về mặt kinh tế đã mang lại cho nước Mỹ hơn 150 tỷ đô la mỗi năm.

Nghiên cứu này gợi ra một giả thuyết nghiên cứu là nếu “tính sáng tạo” được bộc lộ, phát triển và áp dụng trong tất cả các chức năng của quản lý thì năng suất, chất lượng và hiệu quả của quản lý sẽ cao hơn và năng suất lao động của xã hội cũng tăng hơn nữa.

Sự xuất hiện của “người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo”

Một cuốn sách về khoa học lãnh đạo mới được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt là cuốn “Năng lực lãnh đạo” (2000) của Richard L. Hughes và các đồng sự. Ngay trong chương 1 cuốn sách này ở mục bàn về “lãnh đạo và quản trị” các tác giả đã chỉ rõ một trong những điểm khác biệt của lãnh đạo so với quản trị là “sáng tạo” và “đổi mới”. Ví dụ: “nhà quản lý thực thi, người lãnh đạo đổi mới”, “nhà quản lý mô phỏng, người lãnh đạo sáng tạo”. Tuy nhiên, có lẽ giống như nhiều cuốn sách khác về quản lý và lãnh đạo, cuốn sách này chủ yếu xem xét “việc lãnh đạo” hay “quá trình lãnh đạo” trong mối tương tác với cấp dưới (người bị lãnh đạo), cấp trên (người lãnh đạo) và tình huống. Có thể coi đây là cách tiếp cận hỗn hợp của cách tiếp cận hoạt động và cách tiếp cận tổ chức về lãnh đạo. Có thể do cách tiếp cận cũ, thiếu sáng tạo như vậy nên “lãnh đạo sáng tạo” chỉ được nói đến ở một số mục nhỏ bàn về “trí thông minh sáng tạo” với tính cách là một phần của khối kỹ năng “trí thông minh” trong sáu khối kỹ năng lãnh đạo. Khối kỹ năng trí thông minh gồm bốn loại trí thông minh là trí thông minh phân tích, thực tiễn, sáng tạo và cảm xúc. Khối kỹ năng trí thông minh cùng với khối kỹ năng thuộc về tính cách và giá trị lãnh đạo tạo thành tầng nền tảng. Tầng tiếp theo gồm hai khối kỹ năng là kiến thức và kinh nghiệm lãnh đạo. Tầng đỉnh là năng lực lãnh đạo. Trí thông minh sáng tạo được tạo thành từ bảy yếu tố là: khả năng tổng hợp, phân tích, giải quyết vấn đề thực tiễn, cách tư duy, các đặc điểm tính cách, động lực bên trong và những yếu tố bên ngoài. Nếu như “lãnh đạo” được xem xét trong mối quan hệ với con người sáng tạo và xã hội sáng tạo như cách tiếp cận của xã hội học sáng tạo thì rất có thể nhiều nội dung, nhiều chiều cạnh khác của “sáng tạo trong lãnh đạo” và “lãnh đạo sáng tạo” sẽ được làm sáng tỏ.

Sự xuất hiện của xã hội học đổi mới, sáng tạo

Từ những điều trình bày trên đặt ra vấn đề xem xét “quản lý” và “lãnh đạo” từ góc độ xã hội học về đổi mới, sáng tạo (Sociology of inovation, creativity). Có thể định nghĩa ngắn gọn: xã hội học (về) đổi mới, sáng tạo là chuyên ngành xã hội học tập trung nghiên cứu mối quan hệ của đổi mới, sáng tạo với con người và xã hội nhằm phát hiện ra các quy luật, cơ chế và các điều kiện hình thành, vận động, biến đổi các mối quan hệ này.

Một trong số các nhà xã hội học đương đại góp phần phát triển chuyên ngành xã hội học đổi mới, sáng tạo là Richard Florida, tác giả của cuốn sách “Sự xuất hiện của giai tầng sáng tạo” (The rise of creative class) năm 2002. Trong cuốn sách này Florida đã làm rõ sự phát triển giai tầng sáng tạo ở Hoa Kỳ trong thế kỷ qua và đến năm 1999 giai tầng này đã chiếm 30% lực lượng lao động của Hoa Kỳ. Florida đã nghiên cứu một số chủ đề và đưa ra một số khái niệm cơ bản của chuyên ngành xã hội học đổi mới, sáng tạo, ví dụ như: giai tầng sáng tạo (creative class), tinh thần sáng tạo (creative ethos), nền kinh tế sáng tạo (creative economy), quản lý sự sáng tạo (managing creativity), vốn sáng tạo (creative capital), cộng đồng sáng tạo (creative community). Tương tự, có thể áp dụng các thuật ngữ, khái niệm xã hội học vào nghiên cứu hành động sáng tạo; cấu trúc xã hội của đổi mới, sáng tạo; thiết chế sáng tạo, hệ thống sáng tạo và nhiều nội dung khác.

Đối với năng lực lãnh đạo và quản lý từ góc độ xã hội học đổi mới, sáng tạo cần tìm hiểu những nội dung cơ bản như năng lực sáng tạo của nhà lãnh đạo, quản lý; mô hình lãnh đạo, quản lý sáng tạo và nhất là các yêu cầu đặt ra từ phía nền kinh tế sáng tạo, xã hội sáng tạo, cộng đồng sáng tạo, giai tầng sáng tạo và các yếu tố sáng tạo khác đối với lãnh đạo, quản lý.

Nền kinh tế sáng tạo, xã hội sáng tạo đòi hỏi lãnh đạo, quản lý phải sáng tạo. Điều này đã và đang xảy ra ở các nước công nghiệp phát triển nơi xuất hiện nền kinh tế hậu công nghiệp, nền kinh tế tri thức, nền kinh tế sáng tạo và “chủ nghĩa tư bản sáng tạo”. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới vào tháng 01-2008 tại Davos, Thụy Sỹ, tỷ phú Bill Gates đưa ra ý tưởng về đổi mới hệ thống tư bản chủ nghĩa thành “chủ nghĩa tư bản sáng tạo” (creative capitalism). Chủ nghĩa tư bản kiểu cũ dù đã biến đổi và phát triển so với trước kia nhưng vẫn chủ yếu là làm lợi cho người giàu nhiều hơn cho người nghèo. Chủ nghĩa tư bản sáng tạo theo Bill Gate là cách tiếp cận trong đó chính phủ, các doanh nghiệp và những tổ chức phi lợi nhuận cùng nhau hành động để mở rộng các thị trường sao cho người nghèo cũng có thể kiếm được lợi nhuận, giành được sự ghi nhận và có được danh tiếng và họ làm việc cùng nhau để giảm sự bất bình đẳng của thế giới. Chính phủ có thể trực tiếp tài trợ cho các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo. Các doanh nghiệp có thể trực tiếp mang tiền và sản phẩm, hàng hóa đến cho người nghèo, đồng thời có thể sản xuất các sản phẩm để người nghèo cũng có thể tiếp cận và sử dụng dễ dàng. Mọi người gồm cả người nghèo có các cơ hội và được hỗ trợ để tìm việc làm và khởi nghiệp.

Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ nên tất yếu nền kinh tế cũng quá độ với nghĩa là có nhiều thành phần, các yếu tố đan xen, phức tạp với nhau của kinh tế bao cấp, kinh tế thị trường và cả kinh tế sáng tạo. Nhưng lãnh đạo, quản lý cần phải có tầm nhìn, có sứ mệnh sáng tạo nhằm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh của sự phát triển các nền kinh tế sáng tạo trên thế giới mà không ít các yếu tố của chúng đang xuất hiện ở Việt Nam.

Mạng sáng tạo: Cách tiếp cận sáng tạo trong quản lý ở thế kỷ XXI

Mạng sáng tạo trong quản lý

Khái niệm “mạng sáng tạo” được một số nhà nghiên cứu hàng đầu về quản lý đưa ra vào đầu thế kỷ XXI. Trên cơ sở phân tích những biến đổi có tính cách mạng trong việc giảm chi phí giao dịch, chi phí vận chuyển và tăng khả năng trao đổi thông tin của các doanh nghiệp trên cơ sở các tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin, hai tác giả là David Conklin và Lawrence Tapp cho rằng sự thành công của các doanh nghiệp trong thế kỷ XXI phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển mạng sáng tạo. Trước kia mạng quản lý và mạng sản xuất dù được mở rộng nhưng chủ yếu hoạt động theo nguyên tắc một chiều từ người cung cấp đến người sản xuất, người vận chuyển và người tiêu dùng mặc dù có tính đến mối liên hệ ngược, thông tin phản hồi và tương tác. Ngày nay, nhờ các thành tựu trong vận tải, thông tin nên mạng quản lý và mạng sản xuất đã trở thành mạng sáng tạo dựa trên nguyên tắc đa chiều cạnh, đa phương, đa cấp và trực tiếp, trực tuyến giữa các bên tham gia mạng lưới. Ưu thế của mạng sáng tạo không chỉ là ở việc giảm thời gian phát triển sản xuất và giảm chi phí giao dịch mà còn ở việc tăng cơ hội, điều kiện và năng lực đổi mới, sáng tạo liên tục của các bên và toàn bộ mạng.

Mạng sáng tạo có các thuộc tính như thế nào? Các tác giả của khái niệm này chỉ ra sáu thuộc tính cơ bản như sau:

(i) Sự đổi mới và cải tiến liên tục: Mục tiêu của mạng là làm tăng giá trị gia tăng bên trong nhóm nhờ vào việc sáng tạo ra các hàng hóa, dịch vụ mới và các phương pháp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.

(ii) Tính linh hoạt trong phân tích: mạng có khả năng thay đổi linh hoạt các cách giải quyết vấn đề và nhằm vào một trong các mục đích là tạo ra sự thay đổi liên tục, linh hoạt.

(iii) Liên tục hợp tác vì mục tiêu đổi mới: các bên tham gia mạng đều cùng chung mục tiêu này.

(iv) Mạng trung tâm trong mạng sáng tạo: không phải một người ra quyết định mà là một mạng ra quyết định và thực hiện việc phối hợp hoạt động của toàn mạng sáng tạo.

(v) Sự lệ thuộc liên tục và lâu dài của các bên tham gia mạng sáng tạo.

(vi) Mối quan hệ đa phương, nhiều hướng của mạng sáng tạo. Mạng cũ có thể có đầu vào - đầu ra, điểm đầu và điểm cuối, nhưng mạng sáng tạo không phân biệt như vậy mà mỗi một đầu mối của mạng đều vừa là đầu vào vừa là đầu ra, vừa cung cấp vừa sản xuất và vừa tiêu dùng, đều cùng lúc thực hiện “nghiên cứu, phát triển và tiếp thị” (R&D&M, Research & Development & Marketing) chứ không phải nghiên cứu rồi mới triển khai hoặc nghiên cứu và triển khai rồi mới tiếp thị.

Có thể nêu một số bằng chứng về sự phát triển mạng sáng tạo trong thực tiễn quản lý, đó là việc các tổ chức “trao quyền cho người lao động” và xây dựng “chu trình chất lượng” với quan niệm “chất lượng” là quá trình tạo ra chất lượng, trong đó tất cả các bên tham gia đều có trách nhiệm và đóng góp cho thành công chung của cả tổ chức, cả mạng. Một bằng chứng khác là sự hình thành các mạng sáng tạo giữa các công ty xuyên quốc gia: các công ty thành viên của mạng xuyên quốc gia đều tham gia vào quá trình sáng tạo ra các hàng hóa, dịch vụ mới phù hợp với điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể ở mỗi quốc gia.

Một số vấn đề mới trong quản lý với mạng sáng tạo

Hai tác giả David Conklin và Lawrence Tapp đã chỉ ra một số vấn đề mới đặt ra từ mạng sáng tạo đối với quản lý như sau:

Vấn đề thứ nhất là ra quyết định tham gia mạng sáng tạo. Quyết định quản lý cần phải trả lời câu hỏi về việc có tham gia hay không và như thế nào vào một hay nhiều mạng sáng tạo. Quyết định này cần phải tính đến sự cam kết cung cấp nguồn lực và thực hiện R&D&M cho cả mạng lưới. Lãnh đạo, quản lý cũng phải ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận một cá nhân hay tổ chức tham gia vào mạng sáng tạo.

Vấn đề thứ hai là niềm tin vào mạng sáng tạo. Theo cách quản lý thứ bậc, niềm tin chủ yếu là sự tin tưởng vào cam kết thực hiện lời hứa của đối tác, tức là có tin tưởng mới có tổ chức và hợp tác. Trong quản lý mạng sáng tạo, niềm tin là sự tin tưởng vào khả năng thành công của các thành viên trong mạng, tức là có tổ chức, hợp tác mới có niềm tin. Với “niềm tin” này, các tác giả của khái niệm “mạng sáng tạo” dự báo rằng hình thức tổ chức mạng sáng tạo sẽ trở nên phổ biến trong thế kỷ XXI vì hình thức này hứa hẹn sự thành công nhiều hơn các hình thức tổ chức truyền thống kiểu phân cấp như tổ chức nhiệm sở của Max Weber, tổ chức lực tác động của Micheal Porter và tổ chức mạng giá trị của Brandenburger và Nalebuff.

Vấn đề thứ ba là sự thành công của mỗi thành viên được đánh giá như thế nào trong mạng. Điều này liên quan đến quan hệ tài chính, các khuyến khích, cách đánh giá và cách đền bù cho các kết quả hoạt động của các bên tham gia mạng sáng tạo.

Vấn đề thứ tư là việc thành lập mạng trong mạng. Vấn đề là một thành viên bất kỳ của mạng có thể muốn thành lập mạng riêng của mình và không giống với mạng chung, điều này đặt ra vấn đề là làm thế nào các thành viên của mạng đều tham gia vào thành công chung của cả mạng và thành công bên trong của mỗi thành viên.

Cùng với bốn vấn đề mà David Conklin và Lawrence Tapp đã nêu rõ như ở trên cần phải tính đến một vấn đề nữa là sự biến đổi cấu trúc tổ chức dưới tác động của mạng sáng tạo. Khi chưa tham gia vào mạng sáng tạo, cấu trúc tổ chức phổ biến là cấu trúc tổ chức hình tháp trong đó mọi quyết định được đưa từ trên xuống dưới trên cơ sở tổng hợp các ý kiến từ dưới lên, và khi quyết định từ trên đưa xuống thì cấp dưới phải phục tùng. Đây là biểu hiện của nguyên tắc tổ chức “tập trung dân chủ” hay “dân chủ tập trung”. Mạng sáng tạo đòi hỏi phải thay đổi cấu trúc tổ chức hình tháp to lớn, cồng kềnh với biên chế ngày càng tăng bất chấp các nỗ lực cải cách nhằm tinh giản bộ máy. Tổ chức cần được thiết kế và vận hành sao cho luôn luôn có thể tìm kiềm các cách làm mới, tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới đồng thời giảm được chi phí và trực tiếp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng. Mối tương tác trực tiếp của tầng đáy trong tháp tổ chức trước kia đang chiếm vị thế như của tầng đỉnh trong việc ra quyết định đối với cả hệ thống bởi vì họ trực tiếp tiếp xúc với khách hàng và các đối tác để nắm bắt các tín hiệu buộc toàn bộ mạng sáng tạo phải xử lý, phân tích và tìm cách đáp ứng một cách phù hợp. Các tổ chức quy mô nhỏ tham gia các mạng sáng tạo tỏ ra có ưu thế và năng lực đổi mới, sáng tạo hơn nhiều các tổ chức quy mô lớn kiểu hình tháp. Vấn đề tổ chức ở đây không phải là lựa chọn kiểu tổ chức hình tháp hay tổ chức hình mạng sáng tạo mà vấn đề là muốn thành công thì cần phải đổi mới, sáng tạo và do vậy cấu trúc tổ chức cũng phải thay đổi cho phù hợp với các yêu cầu đặt ra từ sự biến đổi và cạnh tranh.

Ở Việt Nam hiện nay đã phát triển cả một chuyên ngành “Tâm lý học sáng tạo” được giảng dạy trong chương trình đào tạo ngành tâm lý học trong trường Đại học. Tâm lý học định nghĩa sáng tạo là quá trình tiến tới cái mới, năng lực sáng tạo ra cái mới, độc đáo, có giá trị. Căn cứ để đánh giá sự sáng tạo là “cái mới có ý nghĩa, có giá trị” ở sản phẩm của sự sáng tạo. Từ góc độ xã hội học cần phải bổ sung “xã hội” cho sáng tạo và định nghĩa: đổi mới, sáng tạo là quá trình xã hội tạo ra cái mới có ý nghĩa, có giá trị đối với con người và xã hội. Một số tác giả đã nói đến “tính sáng tạo”, “người quản lý sáng tạo”, “lãnh đạo đổi mới, sáng tạo”, “trí thông minh sáng tạo”, “mạng sáng tạo”, “giai tầng sáng tạo”, “cấu trúc xã hội của sáng tạo” và nhiều nội dung khác. Tất cả những cái được đổi mới, sáng tạo như vậy đều tạo nên những cơ sở lý luận và thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào xây dựng các chương trình, giáo trình và tài liệu khoa học cho đào tạo, bồi dưỡng “tính sáng tạo”, “tinh thần sáng tạo”, “các giá trị sáng tạo” trong lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay. Lãnh đạo, quản lý trở thành khoa học về sáng tạo, đổi mới và tương ứng chính sách công cũng trở thành một khoa học về đổi mới, sáng tạo nhằm kiến tạo xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

------------------------------------------------------
(1) Harold Koontz, Cyril Odonnell Heinz Weihrich: Những vấn đề cốt yếu của quản lý, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1994

(2) David Conklin và Lawrence Tapp: “Mạng sáng tạo” trong Subir Chowdhury (chủ biên), Quản lý trong thế kỷ 21, Nxb Giao thông Vận tải. Hà Nội, 2006, Tr. 315 - 334

GS, TS. Lê Ngọc HùngHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/nghiencuu-traodoi/2017/48078/doi-moi-va-sang-tao-trong-lanh-dao-quan-ly.aspx