Đối ngoại Hà Nội: Đẩy mạnh hội nhập, tạo sức bật mới cho Thủ đô

Trong 5 năm qua, công tác đối ngoại của Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực chủ động hội nhập, phát triển, đồng thời nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.

Thúc đẩy hội nhập sâu rộng

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020", Hà Nội đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại Nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị và góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, duy trì vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế. Các cuộc thăm viếng, tiếp đón, làm việc với các đoàn khách quốc tế của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã trở thành hoạt động thường xuyên. Hơn 30 thỏa thuận quốc tế trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đã được ký kết.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý thăm khu trưng bày sách của Nauy tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2019. Ảnh: Khánh Chi

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý thăm khu trưng bày sách của Nauy tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2019. Ảnh: Khánh Chi

Trên thực tế, công tác đối ngoại của Thủ đô mang tính đặc thù, không chỉ với tư cách một thành phố mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước. Các chủ trương về hội nhập quốc tế được đề cập tại nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng, trong đó xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Bằng thiện chí hợp tác chân thành, lãnh đạo và người dân Thủ đô đã truyền tải thông điệp quan trọng, đó là Hà Nội luôn chào đón và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu thị trường, đầu tư trên địa bàn, khuyến khích và tích cực hỗ trợ các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, môi trường...Nhờ những cam kết mạnh mẽ cùng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Trong năm 2019 ,vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt gần 8,67 tỷ USD, ghi nhận mức cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, tiếp tục dẫn đầu cả nước năm thứ hai liên tiếp. Tính riêng trong 9 tháng năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội ước đạt 3,28 tỷ USD. Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt mức 25 tỷ USD, gấp gần 4 lần giai đoạn 2011 - 2015. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 12,8% về vốn, 10,4% về thu ngân sách của thành phố; góp phần chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Song song với những hoạt động hiệu quả của đối ngoại Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại Nhân dân của Thủ đô trong những năm qua đã có nhiều điểm nhấn đặc biệt, góp phần tăng cường giao lưu, thúc đẩy sự hiểu biết giữa người dân Hà Nội và Nhân dân nhiều quốc gia trên thế giới. Dấu ấn tốt đẹp từ ngoại giao Nhân dân được tạo dựng thông qua việc triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và thực sự trở thành cầu nối hữu nghị giữa Thủ đô Hà Nội và bạn bè quốc tế. Các hoạt động nhân kỷ niệm các dấu mốc lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế được tổ chức thời gian qua không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa của người dân Hà Nội mà còn quảng bá hình ảnh Thủ đô giàu truyền thống đã bước qua nghìn năm tuổi.Quảng bá hình ảnh, nâng tầm vị thế Thủ đôCó thể khẳng định, trong nỗ lực nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới, trở thành thành phố kết nối toàn cầu và có sức cạnh tranh quốc tế, trong 5 năm qua, Hà Nội đã tích cực mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế.

Sân vận động Mỹ Đình và đường đua xe công thức 1 (F1). Ảnh: Lê Việt

Kể từ năm 2017, với việc ký kết chương trình hợp tác với kênh truyền hình CNN của Mỹ, thành phố đã thể hiện quyết tâm trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch năm châu. Ðây là lần đầu tiên, Hà Nội mang những hình ảnh bình dị, gần gũi nhưng đậm chất văn hóa của Thủ đô tới một kênh thông tin tầm cỡ quốc tế với hàng tỷ người theo dõi. Tại Diễn đàn Tổ chức xúc tiến du lịch các TP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8, chương trình này đã nhận được giải thưởng Chiến dịch marketing tốt nhất. Từ những đóng góp thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô, Hà Nội góp mặt trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Những giải pháp quyết liệt thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng của Hà Nội đã quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, năng động, mến khách, xứng đáng với danh hiệu đầy tự hào: Thành phố Vì hòa bình.Đặc biệt, việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn, như Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai vào tháng 2/2019, hay mới nhất là Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" - hội nghị có ý nghĩa biểu tượng, lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cho thấy năng lực, sự tin tưởng, uy tín trong các sự kiện lớn, cũng là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn nhờ môi trường hòa bình và ổn định.Sau 2 thập kỷ đón nhận danh hiệu đầy tự hào - Thành phố Vì hòa bình, ngày 30/10//2019, Hà Nội vinh dự là một trong 246 TP chính thức gia nhập “Mạng lưới thành phố sáng tạo” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO). Đây là sự ghi nhận và nguồn động lực cho những nỗ lực của Thủ đô, đồng thời là cơ hội thuận lợi cho "miền đất lành" trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.Việc được công nhận là thành phố sáng tạo, Hà Nội cũng sẽ trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo trên toàn thế giới, đồng thời thể hiện trách nhiệm của thành phố trong việc chia sẻ thành công, thúc đẩy sáng tạo và công nghiệp văn hóa, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng vào đời sống văn hóa và quá trình hội nhập văn hóa.Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft, UNESCO đã xây dựng đề án hướng tới mục tiêu đưa Hà Nội từ thành phố sáng tạo thành trung tâm sáng tạo, xây dựng hình ảnh Hà Nội của thế kỷ XXI năng động, sáng tạo, hiện đại, sánh ngang với các đô thị hàng đầu trên thế giới.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/doi-ngoai-ha-noi-day-manh-hoi-nhap-tao-suc-bat-moi-cho-thu-do-398254.html