Đối ngoại nghị viện, hồi ức và nhìn về tương lai

Năm 1992, năm tôi được bầu lần đầu tiên vào Quốc hội (Khóa IX) và được phân về hoạt động trong Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội Việt Nam là thành viên của duy nhất hai tổ chức liên nghị viện. Đó là Liên minh Nghị viện thế giới (IPU, gia nhập năm 1979) và Liên minh quốc tế các nghị sĩ nói tiếng Pháp (AIPLF, gia nhập năm 1991). Lúc đó đất nước bắt đầu công cuộc Đổi mới vừa được 6 năm, và đang bị bao vây cấm vận ngặt nghèo.

Cuối năm 2007, khi tôi nghỉ hưu theo chế độ, hoạt động liên nghị viện rộng và sôi động hơn nhiều.

Quá trình mở rộng hoạt động liên nghị viện rõ ràng là khá ấn tượng. Quốc hội Việt Nam đã gia nhập, tham gia từ 2 lên 8 tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới.

 Bảng 1

Bảng 1

Quá trình mở rộng hoạt động liên nghị viện rõ ràng là khá ấn tượng. Quốc hội Việt Nam đã gia nhập, tham gia từ 2 lên 8 tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới. (xem Bảng 1)

Xác định vị trí của đối ngoại nghị viện

Có ý kiến cho rằng, đã có song phương ắt phải có đa phương, cũng phải có hoạt động liên nghị viện như nghị viện các nước. Suy nghĩ như vậy, theo tôi là chưa thấy hết ý nghĩa của hoạt động đa phương trong đối ngoại nghị viện.

Tôi còn nhớ rất rõ tại một kỳ họp của Quốc hội Khóa IX, khi lên đọc Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại, Chủ nhiệm Ủy ban lúc bấy giờ là ông Hoàng Bích Sơn, từ bục diễn đàn giơ lên một trang giấy và nói: “Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại hôm nay là một báo cáo “mini”. Chúng tôi không lặp lại những gì Quốc hội đã được nghe để không làm mất ngày giờ của nhau, chỉ nói những gì Ủy ban chúng tôi biết, đã làm và có ý kiến”.

Hội nghị Ban Chấp hành AIPLF lần đầu tiên tại Hà Nội, tháng 2/1996, một cuộc tập dượt thu nhỏ trước Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội 11/1997

Trong 15 năm hoạt động trong Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Đối ngoại và bản thân tôi luôn trăn trở cần làm gì để công tác đối ngoại nghị viện đóng góp thiết thực nhất có thể từ phần riêng có của mình vào đường lối đối ngoại chung của đất nước, bên cạnh và hài hòa với hoạt động của Bộ Ngoại giao và của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Đặc thù cơ bản nhất là đối ngoại nghị viện vừa là đối ngoại nhà nước, vừa là đối ngoại nhân dân. “Nhà nước” vì là tiếng nói của Quốc hội, một thiết chế được quy định trong Hiến pháp, có chức năng giám sát, thẩm tra các điều ước quốc tế sẽ và đã được ký kết. “Nhân dân” vì mỗi đại biểu Quốc hội là đại biểu của dân, nói lên ý kiến của cử tri đã bầu mình.

Ủy ban Đối ngoại lúc bấy giờ cho rằng kênh liên nghị viện sẽ tạo điều kiện để phát huy đặc thù này, nhất là khi biết kết hợp song phương với đa phương.

Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình tiếp Ban Chấp hành AIPLF tại Phủ Chủ tịch tháng 2/1996

Phát huy ngoại giao liên nghị viện

Ủy ban Đối ngoại đã bố trí để các đại biểu Quốc hội am hiểu vấn đề trao đổi cởi mở với các nghị sĩ Hoa Kỳ, châu Âu, với các thiết chế của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, cả về áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa và tôm đông lạnh… tại các cuộc tiếp xúc song phương cũng như đa phương.

Nói lý lẽ song song với thuyết phục bằng thực tế để các nghị sĩ các nước hiểu thêm thực tế Việt Nam, về nhiệm vụ nặng nề của Việt Nam sau 30 năm chiến tranh trong xóa đói giảm nghèo, tái thiết đất nước, về hậu quả chất độc màu da cam, trách nhiệm của Công ty Monsanto và chính quyền Hoa Kỳ đã gây ra nỗi đau trên nhiều thế hệ này… để từ đó họ có những quyết định đúng trong những vấn đề liên quan đến Việt Nam.

Tôi còn nhớ rõ chuyến đi thực địa dự án ODA hầm đèo Hải Vân nhân dịp Ban Chấp hành APF vùng châu Á - Thái Bình Dương họp tại Huế mùa Xuân năm 2006. Sau chuyến tham quan, các nghị sĩ Canada, Bỉ, Pháp hứa sẽ báo cáo với Nghị viện nước họ rằng Việt Nam sử dụng có hiệu quả ODA. Nghị sĩ các nước trong vùng sẽ báo cáo là họ đã học được một cách sử dụng có hiệu quả ODA.

Trong chuyến đi thăm một trường tiểu học ở một tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng không xa Hà Nội, nhiều thành viên của Ủy ban Giáo dục, truyền thông và văn hóa của APF đã xin ảnh trưng bày trong phòng truyền thống các cháu đội mũ rơm bảo vệ chống bom bi trong chiến tranh. Về sau chúng tôi được biết là Ủy ban này đã ủng hộ Chương trình NORIA hỗ trợ Tin học và dạy tiếng Pháp cho Quốc hội Việt Nam.

Trong các năm trước 1995, đối ngoại nghị viện, song phương và đa phương tập trung góp sức vào vận động chấm dứt bao vây, cấm vận, bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Sau 1995, nỗ lực nhằm vào hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới mà đích đến là AFTA, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Với chức năng “nhà nước”, Ủy ban Đối ngoại tự thấy trách nhiệm phải theo sát, trong phạm vi trách nhiệm của mình, việc đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, nhờ đó đã soạn thảo báo cáo thẩm tra sát hợp trình Quốc hội xem xét việc phê chuẩn.

Sau đó một năm, được sự cho phép của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Ủy ban Đối ngoại chủ động tổ chức cùng với các Ủy ban khác Hội nghị “Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ”. Nhiều Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã tham dự. Hội nghị được Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách đối ngoại lúc bấy giờ, đánh giá rất hữu ích cho công tác của Chính phủ.

Từ năm 2003 là cuộc vận động rộng lớn của đối ngoại Việt Nam để 149 quốc gia đã là thành viên của WTO ủng hộ việc kết nạp Việt Nam vào tổ chức này. Các diễn đàn nghị viện đa phương là nơi để chúng ta “vận động hành lang” nghị sĩ các nước.

Trên mỗi chặng đường đàm phán đều có sự phối hợp giữa ba kênh đối ngoại. Kết quả là WTO chính thức kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 150 ngày 7/11/2006. Với kinh nghiệm có được qua việc thẩm tra để phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, và quá trình theo dõi đàm phán, Ủy ban Đối ngoại đã chuẩn bị nhanh gọn và đầy đủ báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO trình Quốc hội xem xét thông qua ngày 28/11/2006.

Ban Chấp hành Vùng châu Á - Thái Bình Dương của APF tham quan Dự án Hầm Đèo Hải Vân tháng 3/2006.

Ra biển lớn

Sau hội nhập kinh tế với thế giới, Việt Nam chủ động và tích cực bước vào hội nhập quốc tế. Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia hội nhập quốc tế tích cực nhất. Từ BTA với Hoa Kỳ và WTO, đến nay Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do mà gần đây nhất là EVFTA thuộc thế hệ mới.

Công tác đối ngoại nghị viện như “bước ra biển lớn” với những vấn đề quốc tế rộng và phức tạp hơn nhiều. Không chỉ có kinh tế mà còn chính trị, văn hóa, xã hội, lao động, môi trường, an ninh quốc phòng đan xen nhau. Đi theo đó là một công tác hết sức quan trọng: hài hòa nội luật với yêu cầu của hội nhập.

Cộng đồng ASEAN được thành lập ngày 31/12/2015 đang từng bước hình thành dựa trên ba trụ cột Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế, và Cộng đồng văn hóa - xã hội. Cộng đồng ASEAN phấn đấu để là một nhân tố tích cực cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millenium Development Goals, MDG) rồi Mục tiêu Phát triển bền vững (Sustainable Development Goals, SDG) là những vấn đề toàn cầu đầy tham vọng mà Liên Hợp Quốc đề ra trong một thế giới ngày càng bất định. Bất định do sự ấm lên toàn cầu kéo theo biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường; do chiến tranh, nguồn gốc của biết bao đau thương, vô vọng và của cuộc di dân khổng lồ của hàng triệu con người; do các tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn kéo theo chủ nghĩa bảo hộ và sự trì trệ của nền kinh tế thế giới; do hệ lụy của đại dịch COVID-19 mà có ý kiến cho rằng bắt nguồn từ sự mất cân bằng sinh thái trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba, được gọi là cuộc “cách mạng số” còn đang diễn ra thì cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, được gọi là cuộc “cách mạng cyber” đã gối đầu lên nó. Nhân loại đã hưởng thụ nhiều từ 4 cuộc cách mạng công nghiệp, nhưng cần phải biết tự chế ngự mình để loại bỏ thảm họa để đi đến một thế giới hội nhập, bình đẳng trong đó tất cả và mỗi người được sống yên bình, tài năng có điều kiện để phát triển.

Trước những vấn đề toàn cầu ngày càng phức tạp, đan xen nhau, ngoại giao nghị viện, đối ngoại liên nghị viện ngày càng trở nên bức thiết và đòi hỏi một tầm nhìn, một sự nỗ lực lớn, không ngừng nghỉ của Quốc hội.

Thành công của Đại hội đồng IPU 132 năm 2015 và những gì Quốc hội Khóa XIV đã làm được từ đầu khóa tới nay cho chúng ta cơ sở để tin rằng, Quốc hội Việt Nam sẽ biết vượt lên chính mình, chèo lái hành trình ra biển lớn đến bến bờ mong muốn. Trước mắt, tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại/ Báo Đại biểu Nhân dân

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/doi-ngoai-nghi-vien-hoi-uc-va-nhin-ve-tuong-lai-117583.html