Đội ngũ nhà giáo quyết định thành công của đổi mới giáo dục

Sự nghiệp GD&ĐT nước ta đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện. Làm nên những kết quả đó là sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Giáo dục có bước tiến dài

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục ở Việt Nam phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của Nhân dân; chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước tiến bộ, trình độ nghề nghiệp của người lao động được nâng cao; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, từng bước phát triển về chất lượng.

Lễ trao bằng Thạc sỹ năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: FBNT)

Lễ trao bằng Thạc sỹ năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: FBNT)

Đến nay, cả nước có hơn 1,3 triệu nhà giáo, trong đó có gần 80.000 giảng viên đại học, cao đẳng với hơn 48.000 thạc sĩ, hơn 24.000 tiến sĩ, gần 5.000 giáo sư, phó giáo sư. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; THCS là 86,1%; THPT là 99,9%.

Bộ GD&ĐT đánh giá, hầu hết các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều khởi sắc và tiếp tục khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng. Chất lượng giáo dục nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Học sinh Việt Nam đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2018-2022 có 175 học sinh Việt Nam dự thi các kỳ Olympic quốc tế và khu vực thì 100% đạt giải, trong đó có những học sinh giảnh Huy chương Vàng với số điểm cao nhất thế giới, có những học sinh chỉ mới lớp 10 đã giành Huy chương Vàng.

Giáo dục đại học có bước tiến dài, nhiều trường đại học liên tục có tên và liên tục cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế…Tính đến cuối năm 2020, 7 trường đại học được công nhận bởi tổ chức đánh giá, kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). 368 chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, hai đại học của Việt Nam, là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lọt vào danh sách 1.000 trường hàng đầu thế giới của Tổ chức Quacquarelli Symonds (Anh).

Mặt khác, tự chủ đại học đã tạo nên đột phá khi nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới. Việt Nam cũng đứng thứ 49 thế giới về số lượng báo khoa học công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín. Cả nước hiện có 176 trường đại học công lập, 66 trường ngoài công lập, với gần 1,7 triệu sinh viên.

Thành tựu về giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc chất lượng nguồn nhân lực. Như năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở 40% thì đến năm 2020 đã tăng lên 64%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% lên 24,5%.

Hệ thống giáo dục chuyển đổi linh hoạt

Từ năm 2020 đến nay đánh dấu bước chuyển đổi linh hoạt của hệ thống giáo dục Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh. Với chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, các cấp bậc học (trừ mầm non) đã chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến qua internet và truyền hình, đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai trên quy mô cả nước. Báo cáo PISA của OECD công bố ngày 29/9/2020, đánh giá: “Việc học trực tuyến để phòng chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”. Đây là nhận định xác đáng khi Việt Nam có gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn mức trung bình 67,15% của các nước OECD, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hệ thống giáo dục nước ta có những bước ứng phó, chuyển trạng thái linh hoạt

Hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học đã có bước phát triển đồng bộ, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào các lĩnh vực từ khoa học cơ bản đến khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ.

Trong toàn hệ thống giáo dục đại học đã có hơn 73.000 giảng viên đại học cơ hữu, trong đó có hơn 22.000 Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sĩ. Đây là đội ngũ nhà giáo - nhà khoa học, vừa nghiên cứu vừa giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước và cũng là đội ngũ tinh hoa, trực tiếp đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, qua 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ nhà giáo - nhà khoa học cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đóng góp đáng kể cho công cuộc phát triển đất nước nói chung và khoa học, công nghệ nói riêng.

Công bố quốc tế của đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục đại học đã tăng lên mạnh mẽ, đóng góp khoảng 80% tổng số các công bố quốc tế trên cơ sở dữ liệu có uy tín giai đoạn 2016-2021 đưa xếp hạng của Việt Nam theo dữ liệu Scopus tăng từ bậc 57 năm 2016 lên bậc 45 năm 2021 trên toàn thế giới và hiện đứng thứ 12 ở Châu Á, thứ 5 trong khối ASEAN góp phần không nhỏ trong việc nâng cao xếp hạng cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Ngành Giáo dục nước ta đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 Ban Chấp hành Trung ương. Đóng vai trò quyết định cho thành công của đổi mới chính là là đội ngũ nhà giáo. Dù ở nơi thuận lợi hay nơi khó khăn, dù đời sống còn nhiều vất vả, song điểm chung lớn nhất là các thầy cô đều nỗ lực, cố gắng không ngừng và sẵn sàng tâm thế cho quá trình đổi mới. Tâm thế này cùng với quá trình được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng đã giúp các thầy cô tự tin trở thành nhân tố quan trọng của quá trình đổi mới.

Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022), Bộ GD&ĐT tổ chức chuỗi hoạt động có ý nghĩa xã hội lớn như: Đoàn giáo viên xuất sắc tiêu biểu vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội kiến với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gặp mặt trò chuyện với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Đại lễ kỷ niệm (diễn ra ngày 19/11).

Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ GD&ĐT đi thăm hỏi, chúc mừng, tri ân các nhà giáo lão thành.

Nhiều hoạt động khác cũng được Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các địa phương tổ như: Khánh thành công trình tôn tạo di tích Bộ Quốc gia Giáo dục (trụ sở đầu tiên của Bộ GD&ĐT) tại tỉnh Tuyên Quang; khánh thành công trình tôn tạo khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngành Giáo dục tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị; Hội thao giáo viên Nhân dân toàn quốc và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ ý nghĩa khác.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doi-ngu-nha-giao-quyet-dinh-thanh-cong-cua-doi-moi-giao-duc.html