Đòi nợ cho vay tiêu dùng kiểu 'xã hội đen' sẽ bị xử lý mạnh tay

Ngân hàng nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay tiêu dùng (mua điện thoại, máy tính, xe máy…) của các công ty tài chính, yêu cầu các công ty không đòi người không có nghĩa vụ trả nợ, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý.

Tình trạng người dân bị đòi nợ nhầm, bị khủng bố qua điện thoại diễn ra khá phổ biến. Ảnh minh họa: Internet

Tiếp theo văn bản số 1366 ngày 3/5/2018 của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng về việc tăng cường chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai một số nội dung nhằm chấn chỉnh tình hình hoạt động của công ty tài chính.

Theo đó, yêu cầu các công ty tài chính, chi nhánh công ty tài chính, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ công ty tài chính chấp hành nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, phát hành thẻ tín dụng.

Tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc tuân thủ quy định nội bộ và quy định của pháp luật về hoạt động cho vay tiêu dùng.

Phát hiện các bất cập, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) trong hoạt động cho vay tiêu dùng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý toàn diện.

Thực hiện nghiêm các quy định về đôn đốc, thu hồi nợ theo đúng quy định tại Thông tư số 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính; đặc biệt là những quy định về hoạt động dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật.

Không thực hiện đòi người không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính tiêu dùng.

Kịp thời báo cáo, kiến nghị trụ sở chính của công ty tài chính và ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc xử lý những vi phạm trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời;

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo các công ty tài chính trên địa bàn có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tối đa rủi ro, hành vi vi phạm có thể xảy ra, bảo đảm quyền lợi của khách hàng và lợi ích của công ty tài chính, đảm bảo an ninh tiền tệ.

Trong suốt thời gian qua, việc đòi nợ kiểu khủng bố, xã hội đen của các công ty tài chính đối với hoạt động cho vay tiêu dùng (mua điện thoại, máy tính, xe máy…) là vấn đề gây nhức nhối đối với người dân cũng như cơ quan quản lý.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng cho hay đã tiếp nhận một số lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến việc bị “đòi nợ nhầm” từ các công ty cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Nhiều người tiêu dùng không sử dụng dịch vụ từ các công ty nhưng liên tục bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ hoặc giục trả nợ cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã vay tiêu dùng từ các công ty tài chính.

Một số cá nhân đã gọi điện, nhắn tin với lời lẽ xúc phạm người tiêu dùng, thậm chí cử người đến tận nhà đe dọa, gây áp lực, khiến người bị đòi nợ nhầm phải cầu cứu đến cơ quan chức năng.

Kết quả xử lý của Bộ Công Thương cho thấy, hầu hết các vụ việc phát sinh là do các công ty cho vay không thực hiện xác minh lại thông tin chủ thuê bao điện thoại. Nhiều công ty tài chính không thực hiện liên hệ số điện thoại do người vay cung cấp khi làm hồ sơ vay để xác nhận trước khi phê duyệt khoản vay, dẫn đến tình trạng khai man số điện thoại (khai vu vơ số bất kỳ), đến khi bên công ty tài chính đòi nợ thì nhiều người dân không liên quan bỗng dưng trở thành nạn nhân bị truy nợ.

Cùng đó, nhân viên của công ty áp dụng các biện pháp thu hồi nợ không đúng quy trình (dọa nạt, đe dọa người tiêu dùng)…

Do đó, khi bị “đòi nợ nhầm”, người dân cần ngay lập tức phản hồi cho đơn vị cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng kèm theo các tài liệu chứng minh (nếu có).

Liên hệ với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan thanh tra ngân hàng hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông để được hỗ trợ.

P.V

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/doi-no-cho-vay-tieu-dung-kieu-xa-hoi-den-se-bi-xu-ly-manh-tay-post276754.info