Đội phá bom mìn ở dải Gaza: 'Mỗi ngày đều có thể là ngày cuối cùng của bạn'

'Đội không có áo bảo hộ hoặc thiết bị công nghệ cao để dò tìm chất nổ. Chúng tôi chỉ có những thiết bị đơn giản, như một hộp dụng cụ có thể tìm thấy trong hầu hết mọi hộ gia đình', Đại úy Mohammed Meqdad, một kỹ sư chất nổ cho biết.

Đại úy Mohammed Meqdad trưng tàn tích của đầu đạn Israel phát nổ trong một cuộc tấn công trên phố Wehda, ở Gaza

Đại úy Mohammed Meqdad trưng tàn tích của đầu đạn Israel phát nổ trong một cuộc tấn công trên phố Wehda, ở Gaza

Không có áo bảo hộ hoặc thiết bị công nghệ cao để dò tìm chất nổ

Nửa đêm 19-5-2021, một tên lửa đã xé toạc mái nhà của gia đình Muhareb ở Rafah, phía Nam của Dải Gaza. Hai phút sau, một chiến đấu cơ của Israel thả một quả tên lửa khác, đâm xuyên qua 2 tầng của ngôi nhà, nhưng không phát nổ. Ngôi nhà của đại gia đình Muhareb là nơi sinh sống của 36 người lớn và trẻ em. Một số người đã bị thương, có cháu bé hôn mê và điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt với vết bỏng khắp cơ thể. “Không có cảnh báo nào cả. Mọi việc xảy ra chỉ trong vòng 3 phút”, anh Waseem Muhareb nói.

Ngày hôm sau, đội xử lý bom đã đến và loại bỏ vật liệu chưa nổ cũng như tàn tích của tên lửa. Biệt đội nằm dưới sự quản lý của cơ quan nội vụ Gaza này đã 1.200 lần thực hiện nhiệm vụ vô hiệu hóa, phá hủy an toàn các đầu đạn chưa nổ và các loại bom, đạn nguy hiểm trong các khu dân cư ở Gaza kể từ ngày 10-5, khi Israel bắt đầu đợt bắn phá vào mảnh đất này.

Sau 11 ngày giao tranh, ít nhất hơn 243 người Palestine ở Gaza, trong đó có 66 trẻ em đã thiệt mạng. Israel cũng mất đi 12 người do phải hứng chịu hơn 4.000 quả rocket do các tay súng Hamas tấn công. Cuối cùng, hai bên gồm Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, có hiệu lực từ 2h ngày 21-5.

Đại úy Mohammed Meqdad, một kỹ sư chất nổ cho biết, đội xử lý bom 70 người của anh đã không bị thương vong trong quá trình làm việc căng thẳng kể từ ngày 10-5, mặc dù thiếu thiết bị bảo vệ quan trọng.

“Đội không có áo bảo hộ hoặc thiết bị công nghệ cao để dò tìm chất nổ. Chúng tôi chỉ có những thiết bị đơn giản, như một hộp dụng cụ có thể tìm thấy trong hầu hết mọi hộ gia đình”, Meqdad nói. Vị kỹ sư này cho biết, tại khu vực bị Israel phong tỏa 13 năm qua, việc sử dụng các thiết bị bảo hộ như của đội xử lý bom ở Gaza đã bị cấm.

Meqdad cho hay, đội được báo đến hiện trường ngay sau các cuộc không kích nên họ cũng có thể bị nhắm thành mục tiêu. Rủi ro nữa là mức độ nguy hiểm của loại bom, đạn mà Israel thả xuống và liệu kỹ thuật viên có khả năng gỡ hay không dựa trên thiết bị thô sơ hiện có. Các cuộc không kích gần đây của Israel cho thấy, một loại vũ khí mới lần đầu tiên được sử dụng trên Dải Gaza - thuốc nổ GBU-31 và GBU-39 tấn công trực diện phối hợp. Thiết bị nổ nặng 2 tấn này được chế tạo để thâm nhập các địa điểm quân sự kiên cố, có khả năng san phẳng các tòa nhà chung cư cao tầng hay các văn phòng thương mại và truyền thông.

Một thành viên của đội xử lý bom vận chuyển tên lửa của Israel đã bị vô hiệu hóa ra khỏi khu dân cư

Mỗi ngày đi làm đều có thể là ngày cuối đời

Đội xử lý bom được thành lập vào năm 1996, đầu tiên do các chuyên gia Mỹ đào tạo và vào năm 2006, nhóm đã được bổ sung thêm các kỹ sư và kỹ thuật viên. Sau cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza năm 2008-2009, Cơ quan Hành động bom mìn của Liên hợp quốc (UNMAS) vừa thực hành vừa huấn luyện tại chỗ.

Asad al-Aloul, người đứng đầu đội xử lý bom trong 8 năm qua cho biết, công việc của họ là nguy hiểm nhất trong lực lượng an ninh, bao gồm cảnh sát và các cơ quan an ninh nội bộ.

“Lựa chọn làm việc trong lĩnh vực này là quyết định của bản thân và là niềm vinh dự khi chúng tôi loại bỏ mọi tổn hại và nguy hiểm đe dọa đến người dân của mình”, Asad al-Aloul nói. Anh nói thêm: “Mỗi ngày đi làm đều có thể là ngày cuối đời của bạn, bởi vì bất kỳ sai lầm nào cũng có thể là sai lầm cuối cùng - không có ngoại lệ”.

Năm 2014, ba kỹ thuật viên của đội xử lý bom đã thiệt mạng, ngoài một nhà báo nước ngoài và một phiên dịch viên người Palestine có mặt tại hiện trường vụ gỡ quả bom ở phía Bắc Gaza. Bất chấp những rủi ro, al-Aloul và đồng đội chưa cân nhắc bỏ việc. “Nếu bỏ thì ai sẽ tiếp quản và bảo vệ con em chúng tôi trước tất cả những rủi ro này? Chúng tôi làm việc để mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ sắp tới, để họ không phải sống với cảnh cắt cụt chi do một quả bom hoặc tên lửa phát nổ”.

(Theo Al Jazeera)

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/doi-pha-bom-min-o-dai-gaza-moi-ngay-deu-co-the-la-ngay-cuoi-cung-cua-ban-post470168.antd