Đổi phe, mua phiếu và những chuyện lạ trong mùa bầu cử Thái Lan

Nhiều nghị sĩ từng thân ông Thaksin đã chuyển sang thân quân đội, và các đảng tích cực mua phiếu từ người dân ở những vùng xa xôi là câu chuyện nổi bật trong mùa bầu cử năm nay.

Trong những ngày cuối cùng làm việc như một người vận động quần chúng của phe "Áo đỏ", ông Suporn "Rambo Isaan" Attawong hối thúc nông dân Thái Lan đi học võ để bảo vệ nền dân chủ Thái Lan khi có nguy cơ một cuộc đảo chính sắp diễn ra.

Giờ đây ông lại đang chạy đua cho cuộc bầu cử sắp tới, với tư cách là ứng viên của một đảng thân quân đội. Sự thay đổi 180 độ này không lạ gì trong một quốc gia nơi sự thực dụng thường chiến thắng ý thức hệ và tiền mặt thì có thể mua lấy lòng trung thành của những cử tri.

"Chính trị là một cuộc đua"

"Chính trị là một cuộc đua", ông Suporn nhận xét về sự thay đổi của mình.

"Chúng tôi đã từng là một phần của chính phủ trước đây và bây giờ chúng tôi ở bên kia".

Ông Suporn "Rambo Isaan" Attawong trong cuộc phỏng vấn với AFP. Ảnh: Bangkok Post.

Ông Suporn "Rambo Isaan" Attawong trong cuộc phỏng vấn với AFP. Ảnh: Bangkok Post.

Đất nước Thái Lan với những biến động liên tục thường được coi là quốc gia bị phân chia gần như hoàn toàn về chính trị: giữa các đảng phái ủng hộ dân chủ và liên minh cố hữu của quân đội.

Nhưng sau 2 cuộc đảo chính trong 13 năm, với những cuộc biểu tình gây trì trệ đất nước và việc một số đảng phái bị tòa giải tán, khung cảnh chính trị bị phân mảnh càng dữ dội hơn.

Mọi thứ phức tạp hơn với những chính trị gia địa phương có ảnh hưởng lớn, sự trung thành của cử tri và cả xu hướng ủng hộ phe đang có lợi thế.

Ông Suporn được truyền thông Thái Lan đặt biệt danh "Rambo Isaan", với Rambo là nhân vật phim hành động Mỹ nổi tiếng thập niên 1980, thường một mình chống lại hàng trăm kẻ xấu, còn Isaan là quê gốc của ông, khu vực đông bắc rộng lớn, nghèo khó với đa số dân trồng lúa, nhưng lại là nơi có nhiều ghế nhất ở quốc hội.

Vận may của ông Suporn không đến vào năm 2014, khi cuộc đảo chính quân sự nổ ra và lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Là thành viên của đảng Pheu Thai cầm quyền lúc đó, ông Suporn bị quân đội bắt giữ.

Chính trị gia này sau đó thể hiện sự hối cải và lên truyền hình tuyên bố từ bỏ các mối liên hệ chính trị trước đây của mình.

Sự thay đổi đột ngột của ông Suporn sẽ hoàn tất nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới cho vị trí đại biểu tỉnh Nakon Ratchasima, với tư cách là thành viên đảng thân quân đội Phalang Pracharat.

Ông Suporn cho rằng sự hồi sinh chính trị của mình diễn ra sau khi ông chấp nhận mình là "một phần của cuộc xung đột" làm đất nước điêu đứng. Chính trị gia này cho rằng tổ chức mới của ông "sẽ đem lại sự hòa giải".

Cuộc bầu cử sớm đã diễn ra vào ngày 17/3, với 2,6 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu.

Chơi với chính trị

Đảng Phalang Pracharat đã chiêu mộ hơn 40 thành viên quốc hội lâu năm của đảng Pheu Thai trước đây với hy vọng giành được những phiếu bầu của khu vực đông bắc đất nước, vốn là "sân nhà" của các đảng phái thân ông Thaksin.

Ứng viên thủ tướng của đảng Phalang Pracharat chính là thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha, người mà nhiều chuyên gia cho rằng cùng lắm thì sẽ xây dựng một nền dân chủ bó buộc, với vai trò vẫn rất nổi bật của quân đội.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thực hiện một điệu nhảy truyền thống khi đến thăm tỉnh Khon Kaen vào ngày 13/3. Ảnh: Reuters.

Quyền lực chính trị ở Thái Lan được phân cấp rõ rệt, với các mạng lưới ủng hộ xoay quanh Bangkok, đi qua chính quyền tỉnh rồi tới tận các trưởng làng. Gia tộc Shinawatra đã hoàn thiện nghệ thuật giành lá phiếu từ các cử tri ở tỉnh.

Bảo hiểm y tế cho tất cả, trợ cấp nông nghiệp và các quỹ hỗ trợ dân làng đã gia tăng thu nhập và khát vọng của vùng nông thôn vốn bị lãng quên từ lâu của đất nước, cũng là bí quyết tranh cử của các chính trị gia địa phương.

Rất nhiều các thành viên quốc hội "nhảy tàu" từ đảng Pheu Thai sang đảng Phalang Pracharat gần đây đều có được danh tiếng của mình dưới thời của anh em nhà Thaksin, nhưng họ quyết định rời đi sau khi bầu không khí chính trị hiện tại dự đoán sự cầm quyền lâu dài cho các tướng lĩnh quân đội và đồng minh.

Theo nhận định của ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư chính trị tại Đại học Chulalongkorn, những chính trị gia "đào tẩu" này được coi là những cục nam châm hút lá phiếu của những cử tri, vì họ là người hỗ trợ địa phương.

Hệ thống bảo thủ này gây bất lợi cho những người mới đến tham gia "trò chơi chính trị", thuật ngữ người Thái dùng để mô tả cuộc chạy đua đến các vị trí đại biểu.

Nhiệm vụ thuyết phục các cử tri cấp cơ sở để họ thay đổi lá phiếu thường được giao cho những người đáng tin cậy, nằm dưới sự che chở của các chính trị gia.

Ủy ban Bầu cử Quốc gia Thái Lan cấm và phạt nặng hành vi mua phiếu bầu và dùng tiền mặt để hối lộ cử tri trong mùa bầu cử, với hình phạt có thể lên tới 10 năm tù giam, nhưng hệ thống này đã ăn sâu vào nền chính trị địa phương.

"Những người vận động tranh cử cũng giống như những người bán tiếp cận khách hàng vậy", một người trong cuộc từng có kinh nghiệm thực hiện những hoạt động chính trị trong bóng tối ở phía đông bắc nói với AFP.

"Dù cử tri có trung thành thế nào, tiền cũng có thể thay đổi được", người này cho biết thêm.

"Một phần rộng lớn" của đất nước nằm dưới sự kiểm soát của những người vận động chính trị kiểu này, chuyên gia Thitinan cho biết, chỉ có Bangkok là ngoại lệ.

"Khu vực càng xa xôi và càng nghèo thì càng dễ bị lôi kéo tham gia mua phiếu", ông Thitinan cho biết.

Trong lịch sử, khoản tiền được trả để đối lấy một phiếu bầu có thể lên tới 1000 baht (31 USD), số tiền lớn ở những khu vực mà thu nhập hàng tháng có thể dưới 100 USD.

"Đêm chó tru"

Người dân Thái Lan vẫn chưa tham gia một cuộc bầu cử nào kể từ năm 2011.

Nhiều người lo ngại luật pháp được siết chặt sẽ đe dọa truyền thống đến gõ cửa từng nhà cử tri vào đêm trước khi diễn ra bầu cử. Ứng viên sẽ tặng cho cử tri số tiền có thể lên tới 500 baht.

Được gọi là "đêm chó tru", những người vận động cho một ứng cử viên sẽ đến từng nhà dân ở các khu vực hẻo lánh, cố gắng trả giá cao hơn các đối thủ chính trị khác.

Nhưng năm nay, mọi người lo rằng quá trình kiểm tra sẽ gắt gao hơn, thậm chí dẫn tới lệnh cấm tranh cử.

Một người nói với AFP rằng để né tránh sự kiểm tra gắt gao này, những khoản tiền sẽ được đưa ra khoảng một vài ngày trước thay vì ngay đêm trước khi bầu cử diễn ra.

Người dân Thái Lan đi bầu cử sớm vào ngày 17/3 tại Bangkok. Ảnh: Reuters.

Không chỉ vậy, các cử tri cũng bắt đầu thông minh hơn khi luật chơi thay đổi.

"Ở những chỗ mà các ứng cử viên cạnh tranh sát nút, các đảng sẽ thực hiện mọi chiến thuật có thể", ông Laddawan Tantivitayapitak, người đến từ nhóm quan sát bầu cử Quỹ Diễn đàn Dân chủ Mở cho hay.

"Nhưng người dân đã hiểu các chính trị gia của họ, và đã học được bài học của mình", ông Laddawan cho biết.

Một cử tri ở tỉnh Nakhon Ratchasima tiết lộ với AFP rằng ông đã kiếm được khoảng 2.000 baht từ các đảng phái khác nhau trong cuộc bầu cử năm 2011.

"Chúng tôi sẽ lấy tiền, nhưng sẽ bỏ phiếu cho người có thể cải thiện tình hình kinh tế ở khu vực của chúng tôi", cử tri này cho biết, yêu cầu được giấu tên.

Sơn Trần
theo AFP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doi-phe-mua-phieu-va-nhung-chuyen-la-trong-mua-bau-cu-thai-lan-post926427.html