Đội quân truy tìm Covid-19 tại TP.HCM

Để nhanh chóng phát hiện người mắc Covid-19, hàng trăm nhân viên y tế tại TP.HCM cùng những chuyến xe chống dịch liên tục tỏa khắp con đường, bất kể ngày đêm.

Từ 27 đến 29 Tết, lấy mẫu xét nghiệm cho người khai báo y tế.

Ngày 30 Tết có lệnh lấy mẫu khẩn cấp cho người rời thành phố.

Mùng 1, xét nghiệm xuyên đêm cho Bệnh viện Mắt.

Mùng 2 đến mùng 6 Tết, lấy mẫu ở khu phong tỏa.

Sau Tết, lấy mẫu ngẫu nhiên ở nhà hàng, quán nhậu, sân bay, bến xe.

Đây là lịch trình làm việc của hàng trăm nhân viên y tế chịu trách nhiệm lấy mẫu xét nghiệm ở TP.HCM. Hơn 20 ngày qua, thành phố bố trí hàng nghìn nhân viên y tế tỏa ra các hướng để vây tìm virus SARS-CoV-2.

Chốt chặn Covid-19 ở sân bay

Chuyên viên kiểm dịch Đỗ Huy Thành, khoa Kiểm dịch y tế Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất từ sáng sớm. Anh chậm rãi kéo từng cột phân làn ra giữa sân ga.

“Cột phân cách, môi trường xét nghiệm, tăm bông, phiếu thông tin... Đủ! Mình chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, chút nữa đồng nghiệp đến sẽ đỡ vất vả hơn”, anh nói.

 Anh Đỗ Huy Thành đến sớm, chuẩn bị kỹ các thiết bị cho khu vực lấy mẫu xét nghiệm tại ga quốc nội, sân bay Tân Sơn Nhất.

Anh Đỗ Huy Thành đến sớm, chuẩn bị kỹ các thiết bị cho khu vực lấy mẫu xét nghiệm tại ga quốc nội, sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ ba, TP.HCM quyết định xét nghiệm ngẫu nhiên đối với người từ sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn đến Tân Sơn Nhất và những tỉnh, thành đang có dịch. Đây là chiến lược cao điểm để xét nghiệm, đánh giá nguy cơ dịch tại TP.HCM.

Kể từ khi HCDC triển khai xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại sân bay, anh Thành không vắng mặt ngày nào. Nam chuyên viên kiểm dịch là người phụ trách chính việc lấy mẫu tại ga quốc nội.

Đây là "mặt trận" căng thẳng nhất của việc xét nghiệm tầm soát. Mỗi ngày, lực lượng nhân viên y tế tại sân bay lấy trung bình 1.000 mẫu ngẫu nhiên từ hành khách.

Camera soi chiếu thân nhiệt tất cả các hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Hơn 14h, chuyến bay từ Nội Bài hạ cánh. Tiếng kéo hành lý, vali dồn dập. Đội hình lấy mẫu có mặt tại các vị trí.

Trong bộ đồ bảo hộ, anh Thành nói lớn, đi lại giữa hàng trăm hành khách vừa xuống sân bay, lựa chọn ngẫu nhiên người vào lấy mẫu.

Hành khách trên các chuyến bay từ Nội Bài, Cát Bi và Vân Đồn được lựa chọn ngẫu nhiên để xét nghiệm tầm soát Covid-19.

12 năm làm việc trong ngành kiểm dịch y tế quốc tế, chưa khi nào anh cảm nhận rõ ràng sự căng thẳng như năm qua, kể từ ngày Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam.

Đôi lúc có những người không đồng ý lấy mẫu, anh Thành phải giải thích, thuyết phục để hành khách hiểu được sự quan trọng của xét nghiệm tầm soát.

Ca trực của anh Thành thường từ 13h đến 22h. Sau khi hoàn tất công tác lấy mẫu, anh tổng hợp lại, chuyển thùng mẫu về trung tâm. Nam bác sĩ thường trở về nhà sau 0h.

“Tôi chủ yếu dành thời gian cho gia đình vào buổi sáng. Mình còn được về nhà, ngủ ở nhà, gặp gia đình là may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người, nhiều đồng nghiệp”, anh Thành tâm sự.

Mỗi hành khách lấy mẫu sẽ phải khai báo y tế, cung cấp thông tin làm thủ tục xét nghiệm. Tất cả công đoạn diễn ra trong khoảng 5-10 phút.

Khi hành khách hoàn tất khai báo y tế bên ngoài, phía trong, bác sĩ Hứa Trần Thanh Vinh cùng 3 đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nhà Bè hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm.

Khu vực lấy mẫu được bố trí trong một góc nhỏ, tách biệt hoàn toàn với không gian của nhà ga. Có những ngày nhiều chuyến hạ cánh sát giờ, 4 người liên tục lấy mẫu, không có thời gian nghỉ, không kịp uống nước.

Khu vực lấy mẫu dịch hầu họng nằm sâu phía trong, các nhân viên y tế không được ra ngoài đến khi kết thúc ca làm việc.

“Tụi này cũng không dám uống nước nhiều. Uống nhiều là phải đi vệ sinh. Mỗi lần như thế lại phải thay đồ, khử khuẩn. Với đồ bảo hộ, mỗi quy trình đều phải chuẩn để tránh lây nhiễm nếu có virus bám vào”, bác sĩ Vinh nói.

Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong ca trực của 4 y, bác sĩ bệnh viện Đa khoa Nhà Bè.

“Mệt thì mệt, nhưng mà vui vì mình được góp phần sức nhỏ để giữ bình yên cho cộng đồng. Thời gian đầu tôi cũng sợ, nhưng làm nhiều nên quen, lâu ngày không còn sợ nữa”, một nhân viên y tế nói.

Mỗi ca làm việc của nhân viên trực lấy mẫu tại sân bay kéo dài 4 giờ, tương đương 4 giờ mặc đồ bảo hộ liên tục.

Đón Tết trên xe chống dịch

Từ trưa 28 Tết, TP.HCM quyết định dừng toàn bộ dịch vụ không cần thiết. Tiếp theo đó, hàng chục địa điểm nguy cơ bị phong tỏa, hàng nghìn trường hợp được lấy mẫu khẩn cấp… Bởi vậy, những nhân viên tại các trung tâm y tế quận, huyện cũng nhanh chóng tỏa khắp ngõ ngách để truy tìm SARS-CoV-2.

Đều đặn mỗi tối, nhân viên y tế của quận Bình Thạnh chia thành hai nhóm đi khảo sát và lấy mẫu xét nghiệm tại quán ăn.

Anh Đoàn Văn Công (36 tuổi), quyền điều hành khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, nhận nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm xuyên suốt từ thời điểm TP.HCM ghi nhận những ca bệnh đầu tiên đến nay.

Nhớ lại chiều 30 Tết, khi đang đi chợ mua thực phẩm dự trữ vài ngày Tết sắp tới, anh Công bất ngờ nhận được chỉ đạo lấy mẫu cho người làm việc, hành khách tại bến xe.

“Vừa đến trung tâm, anh Công bỏ mấy túi đồ ăn xuống, chuẩn bị đồ chống dịch rồi vội vã cùng mọi người đến bến xe. Hơn 22h, cả đội xong việc, may vừa kịp đón giao thừa cùng nhau”, Thảo Anh kể.

Mỗi đội lấy mẫu xét nghiệm gồm 3 người. Hai người phụ trách ghi chép, nhập thông tin, người còn lại mặc trang phục bảo hộ để lấy mẫu bệnh phẩm đến khi đủ số lượng.

Từ 22/2, quận Bình Thạnh thực hiện lấy dịch phết mũi ngẫu nhiên tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung đông người.

Nhân viên lấy mẫu vào một quán pub tại phường 19, quận Bình Thạnh.

Đều đặn 19h hàng ngày, đội xét nghiệm của anh Công phối hợp cùng lực lượng chức năng lấy mẫu cho người dân ngay tại quán ăn.

Tại một quán trên đường Phạm Viết Chánh, thời điểm kiểm tra có khoảng gần 20 người đang nhậu. Đa số đều hợp tác, để nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Từ 26 Tết, Phạm Vũ Phong (26 tuổi, quê Bạc Liêu) tình nguyện ở lại trung tâm làm việc. Không phân biệt ngày hay đêm, bất cứ khi nào có lệnh, Phong cùng đồng nghiệp nhanh chóng có mặt triển khai công tác lấy mẫu.

“Đây có lẽ là thời gian làm việc căng thẳng nhất của tôi. Nhưng mà vui vì mình góp phần bảo vệ thành phố. Gia đình lo lắng nhiều nhưng luôn ủng hộ tinh thần tôi”, Vũ Phong chia sẻ.

Nguyễn Vũ Phong là một trong số nhiều nhân viên y tế của quận Bình Thạnh tình nguyện ở lại chống dịch dịp Tết Tân Sửu vừa qua.

"Có hôm, anh em làm việc liên tục từ 19h đến 3h hôm sau, mồ hôi nhễ nhại. Mỗi người trong đội là câu chuyện và hoàn cảnh riêng”, anh Công kể.

Quận Bình Thạnh tiên phong trong việc xét nghiệm tầm soát Covid-19, mỗi ngày trung bình khoảng 80 mẫu được lấy.

"Trắng đêm là chuyện thường”

Hơn 22h, trên con hẻm nhỏ ở đường Đinh Bộ Lĩnh, duy nhất khu vực Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh vẫn sáng đèn với chiếc xe chống dịch đỗ ngay trước cửa.

Chiếc xe chống dịch của tài xế Điền làm nhiệm vụ cuối cùng trong ngày, chở các nhân viên y tế quận Bình Thạnh đi đưa mẫu xét nghiệm đến Bệnh viện quận Thủ Đức.

Bên trong văn phòng, một người tổng hợp thông tin người lấy mẫu. Tiếng gõ bàn phím lạch cạch, tiếng máy in rè rè bị lấn át bởi tiếng nói cười rôm rả của gần 10 người tụ họp trước sân.

Anh Công và anh Phong thực hiện tổng hợp các mẫu sau khi hai tổ xét nghiệm kết thúc buổi tối làm việc.

Những bữa tối muộn của họ thường diễn ra ngay trên chiếc xe chống dịch để tiết kiệm thời gian.

“Chúng tôi ăn uống tranh thủ vì còn nhiều việc, có khi đang ăn cũng bỏ dở để đi lấy mẫu, nên rảnh lúc nào thì ăn lúc đó”, một nhân viên y tế nói.

Anh Nhung và Thảo Anh tranh thủ kiểm tra lại danh sách hơn 70 mẫu lấy được trong ngày hôm nay.

Tối nay, họ chuyển mẫu bệnh phẩm tới Bệnh viện quận Thủ Đức. Với nhân viên làm công tác xét nghiệm, đợt Tết Tân Sửu vừa qua là trải nghiệm không thể quên.

Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh vừa là nơi làm việc và nơi ở của anh Công và 8 bác sĩ khác từ 26 Tết đến nay.

“Từ 27 đến 29 Tết, lấy mẫu xét nghiệm cho người khai báo y tế; 30 Tết thì có lệnh lấy mẫu khẩn cấp cho người rời thành phố; Mùng Một xét nghiệm xuyên đêm cho Bệnh viện Mắt; mấy ngày Tết thì lấy mẫu ở khu phong tỏa liên quan nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất; sau Tết lại lấy mẫu ngẫu nhiên trong cộng đồng”, họ cùng nhẩm tính lại lịch làm việc.

Thảo Anh ngồi trên xe đưa mẫu, tận hưởng giây phút nghỉ ngơi sau khi kết thúc một ngày làm việc.

“Giờ nhân viên y tế thành phố đang lấy mẫu tầm soát ngẫu nhiên. Tụi này đi khắp phố phường, quán xá, xuyên đêm cũng là chuyện thường”, Thảo Anh nói rồi vội vã mang thùng mẫu giao lại cho đồng nghiệp.

Mẫu từ quận Bình Thạnh được chuyển đến xét nghiệm tại bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chuyến xe chống dịch vẫn ngược xuôi khắp nẻo đường bất kể ngày hay đêm. Cũng như bác sĩ Thành, anh Công, Vương, Thảo Anh, vô vàn nhân viên y tế khác đang nỗ lực xây hàng rào chắn vững chãi để bảo vệ bình yên cho thành phố.

Duy Hiệu - Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doi-quan-truy-tim-covid-19-tai-tphcm-post1187421.html