Đổi rác lấy quà

Mấy tuần nay, một dịch vụ mới của nhóm bạn trẻ yêu môi trường đang được rất nhiều người hưởng ứng: đổi rác lấy quà! Theo đó, chủ nhà chỉ cần phân loại rác thải tái chế rồi đặt hẹn, sẽ có người đem quà tặng xanh như cây mini, ống hút giấy, sách... đến tận nhà đổi rác.

Đổi rác lấy quà ở Đăk Lăk

Đổi rác lấy quà ở Đăk Lăk

Gãi đúng chuyện môi trường

Doralaqua là biến âm của tên chiến dịch “Đổi rác lấy quà” vừa xuất hiện online đã gần như lập tức nhận được phản hồi tích cực: hơn 3.000 share, tiếp cận hơn 100 ngàn người, hơn 2.000 đăng ký tham gia, nhiều doanh nghiệp chủ động tài trợ... Ngay cả những ngôi sao có giá quảng cáo “chát chúa” cũng tình nguyện hưởng ứng không công, ví như Phương Vy Idol.

Anh Vũ Ngọc Chiến, người sáng lập Doralaqua chia sẻ với Tiền Phong: “Bắt đầu từ clip người công nhân nạo vét rác thải dưới cống, tôi nảy ra ý định triển khai dự án “đổi rác tận nhà – trao quà tận tay”. Học theo mô hình của Indonesia, chúng tôi muốn lập ra một Ngân hàng rác (TrashBank) lấy rác thải tái chế để đổi lấy nhiều thứ có ích. Không ngờ hiệu ứng lại tốt như thế. Trong một thời gian ngắn chúng tôi đã huy động được những điểm nhận rác cố định ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng... Hy vọng trong thời gian tới, chương trình sẽ lan khắp 64 tỉnh thành”.

Lê Quang Minh (cựu du học sinh bằng học bổng Chevening) cho biết: “Bảo vệ môi trường, học cách ửng xử văn minh với rác... là những việc rất nhỏ nhưng nó là nền móng để tạo ra một bầu không khí “dễ thở” hơn. Mỗi một chiến dịch như thế này ít nhiều đều sẽ đánh động đến ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người. Môi trường không phải là một khái niệm trừu tượng, nó là chất lượng không khí, chất lượng nước, là mật độ cây xanh... mà mình hít thở, ăn uống, hưởng dụng (hoặc chịu đựng) mỗi ngày”.

Nguyễn Thanh Vân (TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “Mình không cần quà, mình chỉ muốn có nơi hỗ trợ mình tái chế lại một số loại nhựa mà mình không biết làm gì với nó. Bản thân mình thì sống xanh rồi, mà xung quanh mọi người còn dùng nhiều, mình đã nhặt lại rác, phân loại, chỉ là chưa tìm được nơi xử lý”.

Trần Lê Hằng (admin của fanpage Sống Xanh) cho biết: “Nếu như mọi người còn chưa ý thức được chuyện môi trường “sống còn” như thế nào, thì hãy nhìn vào cảnh báo ô nhiễm không khí ở Hà Nội mấy ngày gần đây. Phân loại rác thải, tiết chế đồ nhựa và trồng thêm cây xanh là những việc ai cũng có thể làm. Doralaqua là một chương trình tốt, tôi hy vọng nó có thể tác động vào ý thức của nhiều bạn trẻ. Bảo vệ môi trường sống không phải là chuyện “của người ta”, nó là quyền lợi và nghĩa vụ trực tiếp của mỗi người”.

Chuyện của rác

Doralaqua nhận tất cả các loại rác thải tái chế như: sách báo cũ, giấy vụn, sắt, nhựa, vỏ lon và quần áo cũ, vỏ hộp sữa hoặc bất kỳ thứ gì có thể tái chế, tái sử dụng.

Số rác thu gom được này sẽ được phân loại và chuyển giao cho nơi tái chế. Quần áo cũ sẽ được làm sạch và gửi đến những vùng nghèo khó. Sách cũ, gom làm thư viện. Đặc biệt hơn, kinh phí tạo ra từ rác sẽ dành để đóng học phí cho các học sinh nghèo.

Một điều đặc biệt, khác với nhiều chương trình có mục đích xã hội, Doralaqua gần như lập tức nhận được phản hồi tài trợ của rất nhiều doanh nghiệp theo xu hướng less waste (giảm thiểu rác thải). Trong chưa đầy một tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được khá nhiều ống hút giấy, ống hút từ gạo... để đổi rác. Một số người tham gia cho rằng, việc đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy thực chất vẫn là một hành động “tạo rác”. Họ đề nghị Doralaqua làm phong phú danh mục quà tặng thành: bình thủy tinh, hạt giống, túi vải, cây sen đá, sách, vé xem phim hoặc voucher mua hàng handmade v.v...

Chỉ trong mấy tuần thu gom, hiện các kho chứa của Doralaqua đều đã quá tải. Anh Chiến có ý tưởng mượn những biệt thự bỏ hoang (có rất nhiều ở Hà Nội, Sài Gòn) làm kho chứa tạm. Ý tưởng này đang được cộng đồng mạng ủng hộ và được share rất rộng rãi.

Ở một số địa phương, “Đổi rác lấy quà” đã được nhiều bạn trẻ chủ động áp dụng mô hình. Anh Trung Đào (Đà Nẵng) người có thâm niên hơn 10 năm đi gom rác ở Sơn Trà cho biết: “Cách làm của các bạn sẽ tác động được ý thức thu gom rác của người dân một cách trực tiếp. Hy vọng trong thời gian tới, ngoài việc dọn sạch nhà, mọi người cũng không xả rác ở nơi công cộng nữa”.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT năm 2018, ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất một túi ni lông và thống kê trên phạm vi cả nước là khoảng 25 triệu túi/ngày. Trong đó, mỗi hộ ở thành thị có thể sử dụng từ 3 - 6 túi ni lông /ngày.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilông, con số này vẫn không ngừng tăng lên. Và ở châu Á, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về phát sinh chất thải nhựa sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines.

Doanh nghiệp hưởng ứng Đổi rác lấy quà

ĐẠT NHI

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/doi-rac-lay-qua-1500753.tpo