Đời sống người dân được cải thiện nhờ thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia

Sau 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đời sống người dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh tăng khá...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh tăng khá; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm đáng kể.

Một số chỉ tiêu khác liên quan đến dân sinh như: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nước hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn...đều tăng đáng kể.

Tính đến cuối năm 2022, số hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều còn 11.735 hộ, chiếm tỷ lệ 3,56%. Thừa Thiên Huế phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2 - 2,2%. Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới tính đến cuối năm 2022, có 67/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 71,3%.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, nêu ý kiến về một số nội dung còn vướng mắc, hạn chế trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức thực hiện và giải ngân vốn trung ương; khó khăn trong việc phân bổ vốn, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội...

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các Chương trình mục tiêu quốc gia được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo hết sức quyết liệt, toàn diện, đồng bộ.

Việc thành lập bộ máy chỉ đạo, điều hành chung; phân công, phân nhiệm cơ quan chủ trì. Công tác phối hợp thực hiện các Chương trình được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định rõ ràng. Cùng với đó, việc xác định địa bàn, đối tượng thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia tuân thủ quy định của Trung ương, không để trùng lắp địa bàn được hỗ trợ đầu tư theo quy định.

Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo bà Thơ, địa phương đã có nhiều sáng tạo trong quá trình triển khai, nhưng vẫn có những khó khăn về cơ chế làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Tổ công tác ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh và sẽ tổng hợp chung với đề xuất, kiến nghị của các tỉnh để báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doi-song-nguoi-dan-duoc-cai-thien-nho-thuc-hien-tot-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia.htm