Đời sống thác loạn, hám danh, chìm trong ma túy của ông hoàng Pop art

Với mái tóc giả màu xám bạc, Warhol chìm trong ma túy tổng hợp, tiệc tùng không ngừng nghỉ, sống xa hoa và làm mọi cách để có danh vọng.

Nhắc tới nghệ thuật đại chúng, không thể thiếu tên Andy Warhol. Ông là họa sĩ gây tranh cãi với những bức tranh giá ngất ngưởng, tới nay đều là những họa phẩm đắt giá nhất thế giới. Warhol còn là một người quản lý ban nhạc, sản xuất phim, ông chủ tạp chí, và là tác giả sách.

Nhưng đằng sau nghệ sĩ nổi tiếng ấy luôn đầy ắp giai thoại. Cuốn sách Bí mật cuộc đời các danh họa và điêu khắc gia nổi tiếng (tác giả Elizabeth Lunday) đã kể một vài câu chuyện đằng sau sự nghiệp huy hoàng của Andy Warhol.

Từ món súp, chân dung Marilyn Monroe tới ông hoàng Pop art

Andy Warhol sinh năm 1928, từ nhỏ là đứa trẻ ốm yếu, nhiều bệnh tật. Trong thời gian hồi phục, Andy đã mê mẩn những ngôi sao điện ảnh, đặc biệt là Shirley Temple.

Andy Warhol.

Andy Warhol.

Lớn lên, Andy vào học chuyên ngành nghệ thuật tại Học viện Nghệ thuật Carnegie. Ông bị ám ảnh bởi Truman Capote (tiểu thuyết gia) - người lúc ấy đang kiếm bộn tiền, luôn tham gia các bữa tiệc xa hoa cùng các minh tinh. Andy cũng muốn mình phải được như Capote nên chuyển tới New York ngay sau khi tốt nghiệp.

Khởi sự, Andy làm việc quần quật từ 12 - 14 giờ mỗi ngày để thực hiện những bức tranh minh họa. Andy nhanh chóng thành công về thương mại với tranh minh họa, nhưng điều đó không đủ giúp cho ông nổi tiếng. Andy thử nhiều cách để tạo ra một phong cách riêng khiến mọi người phải chú ý đến mình, từ vẽ nhiều chiếc giày, tới những hình ảnh truyện tranh cỡ lớn… nhưng vẫn không ăn thua.

Một hôm, người bạn gợi ý Andy nên vẽ thứ gì đó mà mọi người thấy hàng ngày, thứ mà mọi người đều nhận ra, như là một hộp súp vậy. Hôm sau, Warhol tới tiệm tạp hóa gần nhà mua súp. Trông số 32 loại súp, ông mua mỗi loại 2 hộp.

Ông tạo nên những ảnh chiếu màu của từng hộp, dùng máy chiếu chiếu lên màn hình, rồi đi nét viền theo đó. Ông vẽ mỗi loại súp trên một tấm toan trắng. Hộp súp Campell (1962) đã trở thành một tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp của Andy.

Năm 1963, cái chết của Marilyn Monroe gây chấn động. Andy tạo nên tác phẩm đặc biệt, mở đầu cho kỹ thuật tranh của mình. Thay vì vẽ tranh, ông sử dụng quá trình in lụa thực hiện một loạt hình ảnh giống nhau.

Ông sản xuất 23 bức tranh Marilyn khác nhau, lặp lại của cùng một chân dung tới 200 lần trên tấm toan gần 4m. Tác phẩm này gây tranh cãi tại New York. Một nghệ sĩ nổi tiếng khác là Willem de Kooning đã chặn Warhol tại cửa một bữa tiệc và hét lên: Ngươi đã giết chết nghệ thuật, giết chết cái đẹp.

Một phần tác phẩm Marilyn Diptych của Warhol.

Sau chân dung Marilyn và nhiều bức tranh về ngôi sao khác, Pop art đã có mặt ở mọi nơi, Andy Warhol trở thành “ông hoàng” trong lĩnh vực Pop art.

Warhol là nghệ sĩ khao khát nổi tiếng, ông muốn mình phải được hàng triệu người biết tên, những tay săn ảnh phải theo đuổi mọi bước đi của mình.
Trong sách viết: "Không ai hiểu sự nổi tiếng như Warhol. Không ai nghiên cứu nó một cách kỹ lưỡng và nuôi dưỡng nó một cách cẩn thận đến vậy. Và cũng không ai khác có khả năng sản xuất danh tiếng".

Ma túy, tiệc tùng ở “Factory”

Từng mong muốn mình nổi tiếng, hàng triệu người biết tới, Warhol giờ đây đã có tất cả những điều đó. Ông xuất hiện tại các bữa tiệc cùng “một đoàn tùy tùng” là những phụ nữ xinh đẹp, các anh chàng đồng tính. Để giữ tên mình luôn “nóng” trên các tờ báo, Warhol thuê những nhà báo để lộ các mẩu chuyện cho những người phụ trách chuyên mục đời tư người nổi tiếng.

Warhol bị rụng tóc, ông đội tóc giả, ban đầu là màu vàng, sau đổi thành màu xám bạc. Chiếc kính với khung nặng nề, quần bò đen, áo cao cổ và áo da đen làm nên vẻ ngoài đặc biệt của Warhol.

Tranh minh họa Warhol (đeo kính) và một số nhân vật thường lui tới Factory.

Năm 1963, khi số lượng các thiết bị in lưới phục vụ sáng tạo của Warhol trở nên quá nhiều, ông thuê một nhà kho và đặt tên cho nó là “Factory”.

Factory trở thành nơi tiệc tùng liên miên, “không ngừng nghỉ suốt ngày”. Warhol nghiện thuốc, nhưng vẫn có thể tiếp tục làm việc, mở rộng lĩnh vực sang làm phim underground, quản lý ban nhạc VelvetUnderground.

Với những sự việc tai quái diễn ra ở Factory, Warhol có một thái độ lãnh đạm. Khi Freddie Herko - một người hay tới Factory - nhảy qua cửa sổ tầng 5 trong lúc đang phê chất kích thích LSD (thuốc ảo giác mạnh), Warhol chỉ nói: “Sao cậu ta không bảo tôi rằng cậu ta sẽ làm thế?... Chúng ta đã có thể đi xuống dưới và quay phim lại”.

Từ năm 1965, Warhol quyết định tạo nên một ngôi sao. Ông lăng xê, biến đổi Edie Sedgwick từ một tay chơi có tiếng thành một hiện tượng. Cô dần nổi tiếng, nhưng rồi lại có vấn đề với ma túy, bất ổn tinh thần, dẫn đến cái chết vào năm 1971.

“Những người theo chân Warhol hoặc dùng chất kích thích quá liều hoặc suy sụp vì kiệt sức, và nhiều người trở nên cay đắng khi Warhol thì ngày càng giàu có còn họ thì vẫn sống trong nghèo đói” - cuốn sách Bí mật cuộc đời các danh họa và điêu khắc gia nổi tiếng viết.

Eight Elvis - tác phẩm của Warhol từng được bán hơn 100 triệu USD vào năm 2008.

Ngày 3/6/1968, một kẻ hay lui tới Factory là Valerie Solanas tới văn phòng tìm Warhol. Solanas từng xuất hiện trong một phim của Warhol, là người theo chủ nghĩa nữ quyền cực đoan, đã tuyên bố thành lập nên một hội là S.C.U.M (Society of Cutting Up Men - Hiệp hội Phanh thây Đàn ông).

Ngay khi Warhol xuất hiện, Solanas đã lôi ra một khẩu súng và bắn trúng ngay sườn phải của ông. Khi Solanas đi khỏi, các nhân viên đã đưa Warhol tới bệnh viện, họ được thông báo ông đã chết lâm sàng. Một bác sĩ đã mổ phanh lồng ngực của ông, lấy tay xoa bóp tim để kích thích nó đập trở lại. Warhol dần hồi phục. Tuy nhiên, ông phải mặc một bộ nịt ngực phẫu thuật trong suốt phần đời còn lại.

Sách Bí mật cuộc đời các danh họa và điêu khắc gia nổi tiếng.

Sau vụ chết hụt, Warhol trở nên thận trọng. Ông cai amphetamine. Trong các bữa tiệc, ông không đi cùng những người chuyển giới, những người lập dị nữa, mà sánh vai cùng các nữ diên viên như Liza Minelli, Bianca Jagger, hay biên tập viên thời trang Diana Vreeland, nhà văn Truman Capote…

Thay vì Factory, các buổi tiệc tùng được chuyển tới Studio 54. Để chi trả cho cuộc sống xa xỉ, Warhol vẽ tranh chân dung, với giá 25.000 USD cho những người nổi tiếng. Thập niên 70, tạp chí Interview do ông đồng sáng lập cũng phát triển.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doi-song-thac-loan-ham-danh-chim-trong-ma-tuy-cua-ong-hoang-pop-art-post921691.html