Đời sống Trong góc phố rộn ràng

Army trèo lên xe đạp ngay khi vừa được thả xuống đất. Không một chút sợ sệt, chiếc xe lướt hơn một vòng trên quãng đường nhỏ, đông người mà chẳng có đụng chạm nào. Tôi lúc đó cứ nghĩ về cuộc chơi của chú rái cá, không chỉ vì cái tên ở nhà mà ba mẹ của bé thường gọi, cũng chẳng phải vì đã thấy bé quẫy mình trên dòng sông với hai mảnh phao bé xíu như đôi cánh của một thiên thần nhỏ… mà vì sự dạn dĩ của một cô bé hơn hai tuổi trong dòng người ở phố đi bộ.

Đó là một xế chiều trên phố Phạm Ngũ Lão. Mấy cô cậu phục vụ trong trang phục quân đội cách điệu của Hè Army RES tranh thủ chơi đá cầu khi quán còn thưa khách. Có tiếng cười từ hai cô khách tây khi quả cầu từ chân họ bay vụng về ra các phía. Các cô vừa tham gia vào cuộc chơi của những người trẻ, với sự háo hức không kiềm chế. Nhưng tiếng cười cũng vừa được góp thêm từ mấy cô khách nước ngoài vui vẻ khác, trên một chiếc xe chở hành lý của khách sạn gần đó mà mấy nhân viên đang đẩy ngược ra phía đường Lê Lợi. Họ làm cho không gian trở nên thật rộn ràng.

Chai Huda xanh ướp lạnh loang những vệt ẩm trên mặt bàn, và tôi thấy mình có một buổi chiều dễ chịu, ở một góc quán với tinh thần cực kỳ dã chiến. Đó là những mảnh ri cũ không biết đã được Nguyễn Văn Hè sưu tầm trong bao lâu; là những thùng đạn được tận dụng làm ghế ngồi hay những lon guigoz ngày cũ giờ hiền lành trong chức phận là ống cắm nĩa, đũa hay dao ăn. Khi décor không gian này, có vẻ như Hè đã hóa giải được mọi thứ. Người ta vẫn nhận ra sự khốc liệt của chiến tranh. Nhưng đó là chiến tranh từ ký ức. Ký ức, ngay cả khi quả bom nổ toác hoác được treo ngay chính giữa như một điểm nhấn. Rất nhiều ánh đèn flash đã lóe về phía đó, trong chiều sẫm. Tôi không biết người ta đã nghĩ gì, như thế nào; có gai người lên rồi bình thản như tôi bây giờ không khi đối diện với sự trống rỗng đó, khi nhớ là mình đã qua tuổi thơ đạn bom những ngày chưa hòa bình.

Thực ra thì tôi thích cách mà người ta đến đây từ những nơi nào đó rất xa, rồi xôn xao chộn rộn bạn bè hay chỉ là ngồi thả lỏng mình, nhâm nhi một vài ly vang hay một bia lạnh. Không ồn ã. Trong không gian chung ấy, ai đó vẫn có những cuộc trò chuyện với nhau hay những không gian của riêng mình. Chẳng hạn như tôi, từ một góc của Hè Army RES, có thể nhận ra phong cách thoải mái và lối ăn mặc phóng túng của người phương tây; khách phương đông thì ồn ào hơn, nhất là khi họ đi thành đoàn và gần như mang vẻ lạ lẫm với mọi thứ ở nơi dường như có tất cả mọi thứ.

Từ góc nhìn của mình chếch qua một đỗi phía bên kia đường, có một công trình mới đang được xây lên. Nếu tôi nhớ không nhầm thì nơi đó trước kia là nhà của diễn giả Bửu Ý. Nơi tôi đã mấy lần ghé lại hỏi chuyện và nghe hai nghệ sĩ Minh Mẫn và Thanh Hương ca Huế. Người cũng còn, mất, nữa chi là con phố bây giờ cũng đã thật khác xưa.

Gần phía đó có một quán bar hãy còn mới. Nhạc ring rang có vẻ cũng hơi sớm. Tôi hỏi khi Hè vừa ngồi xuống cạnh bàn, về ban nhạc dễ thương của Hè Army RES trong một lần phải rời đi vội vã. Biết quán vẫn tổ chức, dù không thường xuyên được như trước. Có lẽ cũng là một cách nhường sân ở một cộng đồng trong “hệ sinh thái”!

Tôi thích cách mà Hè nói về những dự định của mình. Góc phố rộn ràng vẫn không làm mất đi sự điềm đạm và những ấp ủ khác ở một họa sĩ trẻ. Chúng đơn thuần chỉ là một sự song hành. Như cách mà vợ chồng Hè “thả” Army vào phố, để đồng hành với cuộc sống đang mới…

Yên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/trong-goc-pho-ron-rang-a79026.html