Đời sống văn hóa của đồng bào Ê Đê ở Krông Pa

Đội văn nghệ buôn Thu (xã Krông Pa) biểu diễn trống đơn và chiêng Knah. Ảnh: LÊ KHA

Đồng bào Ê Đê ở Krông Pa (huyện Sơn Hòa) có đời sống tinh thần phong phú, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của vùng đất phía tây Phú Yên.

Tháng ba nắng nhẹ. Chúng tôi về xã Krông Pa - cửa ngõ từ Tây Nguyên đến Phú Yên theo quốc lộ 25 để tìm hiểu về văn hóa dân gian của người Ê Đê nơi đây.

Tiếng chiêng là mẹ, tiếng cồng là cha

Theo các già làng, từ khi mới lập làng, người dân còn thưa thớt, núi rừng chập chùng hoang vu, ở vùng đất giáp ranh với tỉnh Gia Lai này đã có tiếng cồng, tiếng chiêng xua đuổi thú dữ, tống quái những thần ác. Đêm đêm, dưới mái chân nhà sàn, dân làng cất lên lời ca, nam nữ nắm tay nhau cùng điệu múa xoang…

Cồng chiêng được xem là tài sản đặc biệt quý giá của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, người Ê Đê ở Krông Pa nói riêng. Ông Ka Sô Liễng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết: Cũng như các buôn làng Ê Đê khác, ở đây tiếng cồng chiêng không bao giờ thiếu trong các lễ hội như: xe duyên chồng vợ, cúng rước hồn lúa, mừng tuổi ông bà, cúng cơm lúa mới… Không chỉ là hình thức diễn tấu tập thể, cồng chiêng còn là nhạc cụ kết nối giữa thần linh, ông bà tổ tiên với người hiện hữu nên được coi là văn hóa tâm linh đối với đồng bào Ê Đê.

Hơn 70 tuổi, ông Ma Thân ở buôn Lé A, chia sẻ: “Cồng chiêng của dân tộc Ê Đê không biết bắt nguồn từ đâu, từ mùa lúa rẫy hay con trăng nào, chỉ biết rằng cha ông truyền lại được kế tục cho đến con cháu bây giờ”. Theo ông Ma Thân, mỗi bộ cồng chiêng có từ 12-16 chiếc. Người Ê Đê đã thổi hồn vào cồng chiêng và tấu nên những điệu nhạc mang đậm âm thanh gió núi, lao xao lá rừng, nghe như tiếng dòng thác đổ, tiếng lòng của người dân nơi đại ngàn.

Hiện nay, 7 thôn buôn của Krông Pa có hơn 10 bộ cồng chiêng. Tuy đời sống chưa được sung túc, nhưng những năm qua, người Ê Đê bên bờ sông Ba và sông Cà Lúi này luôn có ý thức gìn giữ cồng chiêng, coi đó là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông Ksor Bin, nghệ nhân tấu chiêng Knah thổ lộ: “Khi vừa nhìn thấy mặt trời, chúng tôi đã nghe đâu đó tiếng cồng chiêng tha thiết. Người Ê Đê quý cồng chiêng như một tài sản đặc biệt, nên cất giữ ở nơi trang trọng nhất, thường để gần bếp chủ. Người Ê Đê trân quý nó lắm, ví tiếng chiêng là mẹ, tiếng cồng là cha. Việc bảo quản, sử dụng hết sức cẩn thận nếu để méo mó âm thanh sẽ không hay, không vang xa, gọi yàng (thần linh) không thấu”.

Ngoài ra, người Ê Đê ở Krông Pa còn có một kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú cả về thể loại lẫn chủ đề. Mỗi loại hình, ngoài tính chất đặc thù của nhạc điệu, nội dung, chúng còn chịu sự quy định của một số điều kiện ở môi trường diễn xướng. Trong suốt vòng đời người, chính âm nhạc, lời ca, câu hát luôn theo họ. Có khi tiếng hát cất lên để giải trí, có khi dùng để truyền đạt tình ý, trao đổi kinh nghiệm sống và sản xuất, đôi khi đó là lời thỉnh đạt ý nguyện đến thần linh, hay bày tỏ tình yêu đôi lứa…

Mỗi cá nhân trong cộng đồng, khi vừa sinh ra được nghe tiếng hát, vỗ về của mẹ bằng lời ru, cho đến khi về cõi vĩnh hằng cũng có những lời ca, tiếng khóc theo vần điệu của người thân và cả buôn làng, được chia thành nhiều loại. H’ri hậy mang tính diễn cảm, dùng phổ biến ở nhiều dạng sinh hoạt, đặc biệt là các hội làng. H’ri ting-rang mang tính trữ tình được sử dụng trong các khung cảnh nhẹ nhàng giữa hai người. H’ri cô-ning là loại hát đối đáp ứng khẩu theo những giai điệu nhất định. Trong đó, thể loại hát ru là sự giao cảm giữa mẹ và con, nên giai điệu thường êm dịu, thanh thoát, bình dị. Nội dung lời ca mộc mạc, gần gũi, nhưng mang tính giáo dục cao.

Đồng bào Ê Đê nơi đây cũng có nhiều loại dân vũ, nhưng ấn tượng nhất là điệu múa xoang và múa grư (chim đại bàng). Các điệu múa này thể hiện sự hân hoan được mùa lúa, bắp, không bị thiên tai, thú dữ không phá hoại hoa màu, trong làng không có ai chết xấu…

Múa xoang Pơ sat và hòa tấu chiêng 5 trong một lễ hội tại xã Krông Pa. Ảnh: LÊ KHA

Múa xoang Pơ sat và hòa tấu chiêng 5 trong một lễ hội tại xã Krông Pa. Ảnh: LÊ KHA

Đề cao vai trò phụ nữ

Dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, vai trò của người phụ nữ được đề cao. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ quan hệ gia đình, xã hội đến cả các kiến trúc nhà ở, nhạc cụ cồng chiêng... Riêng nhà ở của người Ê Đê ở Krông Pa chủ yếu là nhà sàn khung cột. Các cấu kiện của ngôi nhà gồm: khung nhà, mái nhà, cột, vách là những bộ phận tách rời nhau. Người dân có thể di chuyển ngôi nhà từ nơi này đến nơi khác khá thuận tiện, dễ dàng, hoặc giúp cho họ có thể thay thế một số cấu kiện lâu năm bị hư hỏng. Nhà sàn nào cũng có chiếc cầu thang dựng trước cửa chính. Cầu thang này làm bằng gỗ tốt như cà te, chò… Nấc thang bao giờ cũng là số lẻ: 5, 7, 9 và được chạm khắc hình đôi vú của người phụ nữ, hoặc hình vầng trăng lưỡi liềm. “Chiếc cầu thang chạm khắc đôi bầu vú người phụ nữ, mỗi khi ai bước lên vô nhà cũng nhìn thấy để nhớ về người mẹ của mình”, bà Rơ Ô H’Nhoen, Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Pa cho biết.

Cũng theo bà H’Nhoen, luật tục kết hôn của người Ê Đê Krông Pa tương tự như dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên. Con trai, con gái đính hôn từ rất sớm, khoảng 10-12 tuổi. Nhưng họ không cho phép ngủ chung với nhau, vì con gái mới lớn như nụ hoa vừa chớm nở. Do vậy, người con trai phải biết đợi chờ, nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến khi người con gái ấy đủ sức làm mẹ, thì mới được nằm chung chiếu. Luật tục không thành văn, nhưng ai cũng biết và đồng thuận: đã là vợ chồng thì phải chung thủy cho đến suốt đời, không được bội bạc. Ví như đã cầm cần rượu mời thì phải uống cho đến lúc rượu nhạt mới thôi; đã đánh cồng chiêng thì phải đánh cho vang xa đến tận rừng sâu, núi cao, đánh cho đến lúc con gà rừng gáy sáng mới ngừng tay.

Hàng năm, cứ ra Giêng, bước vào vụ mùa mới, các làng buôn ở Krông Pa tổ chức lễ hội. Đây cũng là mùa sinh hoạt văn hóa dân gian cộng đồng, mùa tìm bạn đời của những cô gái chàng trai và mùa tạ ơn các đấng thần linh đã chở che buôn làng có được cuộc sống đủ đầy. Người dân mổ heo, gà, dâng rượu ché để tế các vị thần linh. Nét văn hóa độc đáo không thể thiếu trong các lễ hội này là họ cùng nhau diễn tấu cồng chiêng, múa xoang. Giữa làng đốt bếp lửa thiêng, cầu mong các đấng thần linh độ trì mưa thuận gió hòa để bốn mùa cây trái tốt tươi.

Ông Ma Thoan, nguyên Chủ tịch UBND xã Krông Pa cho biết: “Đồng bào Ê Đê ở Krông Pa còn có tập tục cúng cổng làng với lễ vật vài ché rượu và con gà. Cúng cổng làng là để đón rước những điều tốt đẹp, may mắn, đồng thời xua đuổi bao điều xấu xa ra khỏi làng buôn để dân cư có cuộc sống an lành. Lễ cúng này thường diễn ra vào dịp cuối năm, chuẩn bị đón mừng năm mới. Bà con tụ họp trước cổng làng cùng uống rượu ché, hát múa rất vui”.

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT huyện Sơn Hòa cho biết: “Trong xu thế hội nhập hiện nay, đồng bào Ê Đê ở Krông Pa vẫn luôn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ đó khơi dậy ý thức và niềm tự hào trong mỗi người dân về những di sản văn hóa quý báu mà họ được thừa hưởng qua các thế hệ”.

LÊ KHA - THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/296345/doi-song-van-hoa-cua-dong-bao-e-de-o-krong-pa.html