Đối tác không ngờ giúp Hải quân Nga quay lại thời hoàng kim Liên Xô

Để khôi phục lại năng lực sản xuất những chiến hạm cỡ lớn, ngành đóng tàu quân sự Nga trong lúc này bắt buộc phải tìm đến sự trợ giúp từ đối tác nước ngoài.

Dưới thời kỳ hoàng kim, Hải quân Liên Xô có trong biên chế những siêu hạm với lượng giãn nước vô cùng lớn như các lớp tàu sân bay Varyag, Kiev; tuần dương hạm hạt nhân Kirov và nhiều chiến hạm "hàng khủng" khác.

Có điều những con tàu trên hầu hết đều được ra đời từ những xưởng đóng tàu đặt trên đất Ukraine, trong đó nhiều nhất là Nhà máy Mykolaiv bên bờ biển Đen.

Chính vì vậy sau khi Liên Xô tan rã, ngành đóng tàu quân sự của Nga không thể lấp đầy khoảng trống mênh mông mà phía Ukraine để lại dù cho đã rất cố gắng.

Tình hình thậm chí còn căng thẳng hơn khi sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc xung đột tại miền Đông, Kiev đã cắt hoàn toàn nguồn cung động cơ và vỏ tàu cho Nga.

Chiến hạm lớn nhất mà Nga đóng được thời gian qua chỉ là khinh hạm Đô đốc Gorshkov lượng giãn nước 4.500 tấn hay tàu đổ bộ Ivan Gren 6.000 tấn, quá nhỏ bé khi đặt cạnh các chiến hạm 40.000 - 60.000 tấn thời Liên Xô.

Đó là chưa kể thời gian thi công 2 con tàu trên đều mất tới hơn chục năm mới có thể đưa vào biên chế, điều này cho thấy rõ sự hạn chế của ngành đóng tàu quân sự Nga vào thời điểm hiện tại.

Trong khi đó nhìn sang Trung Quốc, chỉ trong một thời gian rất ngắn họ đã hoàn thiện 30 chiếc Type 054A lớn tương đương Đô đốc Gorshkov, chưa kể cả chục khu trục hạm Type 052C/D 8.000 tấn, khu trục hạm Type 055 13.000 tấn và cả tàu sân bay lẫn tàu đổ bộ siêu lớn.

Năng lực của ngành đóng tàu quân sự Trung Quốc theo đánh giá hiện đã thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, tương đương với Mỹ và vượt trên Nga một khoảng cách cực lớn.

Chính vì vậy ngay trong nội bộ nước Nga đã xuất hiện nhiều tiếng nói cho rằng chỉ có Trung Quốc mới giúp khôi phục được ngành đóng tàu Nga trong lúc này.

Hành động đầu tiên của sự hợp tác Nga - Trung trong lĩnh vực đóng tàu quân sự là Bắc Kinh đã cung cấp động cơ giúp Nga hoàn thiện những chiến hạm cỡ nhỏ đang đóng dở.

Nhưng quan trọng nhất phải là việc Trung Quốc đã xuất khẩu cho Nga những thiết bị siêu trường siêu trọng phục vụ công tác thi công những chiến hạm cỡ lớn.

Truyền thông Nga mới đây đã đăng tải hình ảnh về xưởng đóng tàu Zvezda (Sao Đỏ) lớn nhất của nước này với một lô thiết bị mới vừa nhập khẩu còn nguyên màu sơn vàng bắt mắt.

Đáng chú ý đó là ụ nổi kích thước lớn, cần trục sức nâng 5.000 tấn hay máy uốn thép 3D "siêu khủng" đều là các sản phẩm do Trung Quốc xuất khẩu sang.

Với các trang thiết bị mới từ Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Nga hy vọng rằng họ sẽ sớm đóng được những chiến hạm có lượng giãn nước tới 8.000 tấn trong thời gian nhanh hơn so với hiện nay.

Nước Nga sẽ phải chấp nhận phụ thuộc vào Trung Quốc trong tương lai trước mắt, ít nhất là đến khi ngành cơ khí chế tạo của họ phục hồi hay các biện pháp cấm vận của phương Tây được dỡ bỏ.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-doi-tac-khong-ngo-giup-hai-quan-nga-quay-lai-thoi-hoang-kim-lien-xo/788623.antd