'Đối tác' lặn mất tăm, hàng chục tấn khoai lang có nguy cơ vứt bỏ

Trong những ngày qua, nhiều gia đình nông dân ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (Phú Yên) thấp thỏm nỗi lo khi hàng chục tấn khoai lang Nhật còn ở ngoài đồng đang có nguy cơ úng thối vì 'đối tác' đảm nhận tiêu thụ đã… biến mất!

Ngày 27-9, ông Nguyễn Đình Quốc – Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông cho biết, đầu năm nay, Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan có trụ sở giao dịch ở 159 Nguyễn Tri Phương, phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) liên hệ Hội Nông dân xã Đức Bình Đông để giới thiệu mô hình trồng khoai lang Nhật.

Không chỉ tổ chức hội thảo về kỹ thuật nông nghiệp, mà doanh nghiệp này còn tổ chức cho một số cán bộ, nông dân ở Đức Bình Đông tham quan mô hình trồng khoai lang Nhật tại một số địa phương ở hai huyện MĐrắk, Ea Hleo (Đắk Lắk). Sau đó, trong tháng 2 và 4-2018, Công ty Bazan lần lượt ký kết hợp đồng mua bán khoai lang Nhật và hợp đồng đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với 13 hộ gia đình nông dân ở xã Đức Bình Đông đảm nhận trồng khoai lang cho doanh nghiệp này với tổng diện tích 65.500m².

Lật lại các chứng cứ tài liệu có liên quan, chúng tôi được biết trong hợp đồng mua bán ký kết ngày 10-4-2018 giữa ông Nguyễn Phi Tấn – Giám đốc Công ty Bazan với ông Trương Văn Khánh – một nông dân ở thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông là “hợp đồng mẫu” do doanh nghiệp chủ động xác lập để sử dụng chung cho 13 hộ gia đình nông dân.

Tuy nhiên, nội dung hợp đồng không đề cập đến căn cứ pháp lý nào, mặc dù hai bên xác định đơn giá mua mỗi cân khoai lang Nhật 7.000 đồng loại 1 và 1.000 đồng loại 2, nhưng không có điều khoản nào cho thấy Công ty Bazan cam kết thu mua toàn bộ sản lượng khoai lang thu hoạch được trên tổng diện tích nông dân đảm nhận sản xuất. Trong hợp đồng đầu tư phân bón, thuốc BVTV, Công ty Bazan cam kết định kỳ cung cấp cho nông dân sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuất của nhà sản xuất in trên bao bì nhưng không nêu rõ tên sản phẩm, tên nhà sản xuất, định kỳ cung cấp, số lượng cung cấp tương ứng...

Trớ trêu hơn nữa là ngay sau khi ký hợp đồng, nông dân đã phải chi trả cho Công ty Bazan mỗi mét vuông đất trồng khoai lang 2.000 đồng tiền đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, đại diện Công ty Bazan đã nhận của nông dân hơn 100 triệu đồng, nhưng chỉ giao một lượng phân bón, thuốc BVTV không tương ứng.

Mặc dù nội dung hợp đồng không đúng quy định pháp luật về hình thức lẫn nội dung, các điều khoản giao kết mập mờ, bất lợi đối với nông dân, nhưng vì tin tưởng “đối tác” có tư cách pháp nhân nên 13 hộ gia đình nông dân ở xã Đức Bình Đông đã ký kết hai loại hợp đồng nêu trên với Công ty Bazan, mà không kiểm tra những điều khoản giao kết.

3 tháng sau khi gieo trồng đợt 1 trên diện tích gần 36.500m², đầu tháng 7-2018, nông dân thu hoạch hơn 16 tấn khoai lang Nhật có tổng trị giá 112 triệu đồng và đã chuyển giao cho đại diện Công ty Bazan tiếp nhận vận chuyển đi đâu không rõ, nhưng đến nay vẫn chưa trả tiền cho nông dân. Từ đó đến nay, nông dân nhiều lần liên lạc điện thoại Giám đốc Nguyễn Phi Tấn bằng nhiều số khác nhau, nhưng khi thì tạm khóa, lúc thì “đối tác” không nghe máy.

Ông Trương Văn Khánh cho biết: “Gia đình tôi vay vốn 120 triệu đồng để đầu tư trồng khoai lang Nhật trên diện tích 2,1 ha. Sau khi ký kết hợp đồng, tôi đã tạm ứng trước 42 triệu đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho Công ty Bazan, phần còn lại chi trả tiền công chăm sóc. Bây giờ “đối tác” biến mất, nếu không thu hoạch sẽ phải vứt bỏ vì úng thối, sùng ăn.

Sau nhiều lần liên lạc bất thành, ông Nguyễn Đình Quốc – Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông cùng một số cán bộ, nông dân địa phương trực tiếp lên Đắk Lắk để tìm gặp Giám đốc Nguyễn Phi Tấn, nhưng trụ sở giao dịch của Công ty Bazan đóng cửa cả ngày lẫn đêm nên họ đành phải ra về. Đã đến lúc các cơ quan chức trách ở huyện Sông Hinh cần sớm vào cuộc để giúp nông dân giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/doi-tac-lan-mat-tam-hang-chuc-tan-khoai-lang-co-nguy-co-vut-bo-512668/