Đổi thẩm phán vụ 'Một ông chủ tiệm ĐTDĐ kêu oan'

Tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 16-11, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã được thay bằng tân Chánh án Vũ Thanh Lâm.

Hôm nay, 24-10, bị cáo Nguyễn Văn Cách đã đến TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) để nhận quyết định hoãn phiên tòa.

Theo dự kiến, hôm nay tòa sẽ mở lại phiên xử sơ thẩm vụ trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, theo quyết định thì phiên tòa phải hoãn do vắng hội thẩm nhân dân mà chưa có người thay thế. Quyết định do thẩm phán chủ tọa phiên tòa Vũ Tất Trình, cựu Chánh án tòa này, ký.

Song song đó, bị cáo Cách cũng nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử ban hành đúng ngày hôm nay (24-10). Theo quyết định này thì tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 16-11. Quyết định cho thấy thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã được thay bằng tân Chánh án Vũ Thanh Lâm.

Vụ án kéo dài gần ba năm nay vì CQĐT, VKS chưa chứng minh được chủ tiệm ĐTDĐ khi mua ĐTDĐ có biết rõ đó là của gian hay không.

Theo hồ sơ buộc tội, từ ngày 1-11 đến 14-12-2015, Tạ Ngọc Linh cùng ba người khác đã thực hiện 10 vụ trộm cắp.

Tạ Ngọc Linh đã hai lần mang hai chiếc điện thoại lấy trộm được đem bán cho Cách. Khi mua ĐTDĐ, Cách biết rõ đó là của gian nên bị truy cứu tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tháng 12-2015, CQĐT Công an quận Thủ Đức khởi tố cả năm người về các tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Đến nay, cơ quan tố tụng vẫn chưa chứng minh được Cách có biết rõ hai chiếc ĐTDĐ này là của gian hay không. Quá trình tố tụng hơn hai năm qua, VKS đã ban hành ba cáo trạng.

"Tôi chuyên mua bán ĐTDĐ cũ, mới. Có người bán thì mua, chứ tôi không thể biết là đồ gian" - Nguyễn Văn Cách.

Sau khi được tại ngoại điều tra và tại các phiên tòa, Cách kêu oan, cho rằng mình kinh doanh, mua bán ĐTDĐ cũ, mới, có người bán thì mua chứ không thể biết là đồ gian. Hơn nữa, ĐTDĐ là động sản, theo quy định chủ sở hữu không cần phải đăng ký quyền sở hữu nên không cần thiết phải truy xuất nguồn gốc tài sản...

Cách cũng trình bày tại tòa và có đơn tố cáo về việc Cách bị CQĐT khám xét tiệm ĐTDĐ và thu giữ tài sản nhưng từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2017, qua nhiều phiên tòa, hồ sơ vẫn không thể hiện có việc thu giữ tài sản của bị cáo.

"Tháng 4-2017, CQĐT gọi tôi đến nói nhận lại một thùng carton trong chứa nhiều ĐTDĐ, laptop và máy tính bảng vì không liên quan vụ án. Tôi từ chối nhận lại vì ba lý do: Nếu ngày đó công an không tạm giữ số hàng này khiến tôi lo lắng việc phải đền cho khách thì không dễ dụ dỗ, ép cung tôi được. Mặt khác, số hàng này là tài sản hợp pháp của tôi, mà đồ điện tử để lâu sẽ hư hỏng, mất giá, thậm chí không còn giá trị sử dụng nên phải có người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tôi. Ngoài ra, thùng carton này được cho là chứa các tài sản thu giữ của tôi nhưng việc thu giữ không được lập biên bản, cũng không niêm phong nên không biết tài sản bị thu giữ còn, mất ra sao" - Cách cho biết.

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/doi-tham-phan-vu-mot-ong-chu-tiem-dtdd-keu-oan-799290.html