Đổi thay các xã ven đô

Về các xã vùng ven thành phố Việt Trì hôm nay, chúng tôi cảm nhận được rõ rệt sự thay da đổi thịt của các địa phương.

Làng nghề hoa đào nhà Nít xã Thanh Đình góp phần phát triển kinh tế- xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn.

Sau 10 năm kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I, thành phố Việt Trì đã không ngừng đổi thay, mang dáng vẻ, diện mạo của một đô thị hiện đại. Những năm qua, thành phố tập trung nhiều nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn, thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2008 là 11 triệu đồng/người/ năm đến nay có những xã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Có thể nói, sự hình thành của Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố đã tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân các xã ven đô. Hơn mười năm trở về trước, Thanh Đình và Thụy Vân vốn là những xã thuần nông, dù tiếng là ở phố nhưng cũng đều là những địa phương có nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp, người dân quanh năm gắn bó với “bờ xôi ruộng mật”. KCN ra đời đã thu hút lao động tại hai địa phương này vào nhà máy làm việc, nhiều hộ dân đã biết tận dụng “thời cơ” chuyển từ nông nghiệp sang làm dịch vụ, buôn bán, cho thuê nhà trọ công nhân… Vào giờ tan ca, màu áo công nhân từ các nhà máy trong KCN tỏa về các con đường xóm trọ trở nên nhộn nhịp, tất bật và sôi động hơn.

Đồng chí Trần Đức An – Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Vân cho biết: “Thụy Vân trước đây là một xã thuần nông, thuế nông nghiệp lớn nhất thành phố, sự phát triển của KCN đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, kéo theo các ngành nghề, dịch vụ thương mại tổng hợp ra đời và phát triển, hàng trăm nhà trọ được xây dựng cho công nhân thuê vừa tạo được nơi an cư cho công nhân vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Điều này đã góp phần giúp Thụy Vân trở thành xã cán đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh”.

Cũng như Thụy Vân, cùng với phát triển các loại hình dịch vụ thương mại, các nhà trọ công nhân, Làng nghề hoa đào nhà Nít xã Thanh Đình đã góp phần tạo thu nhập ổn định hàng năm cho người dân. Làng nghề hiện có 126 thành viên, với 40 nghìn gốc đào trên tổng diện tích 7,5ha, cho thu 4 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người 52 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo hiện chỉ còn còn 9 hộ. Các tuyến đường giao thông được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, buôn bán. Cơ cấu nông nghiệp chiếm tỷ trọng dưới 20%, còn lại hơn 80% là phát triển theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tạo bước chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế, xã hội, diện mạo nông thôn, là tiền đề cơ bản để Thanh Đình được lựa chọn là xã điểm về xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn thành phố năm 2022.

Điểm du lịch cộng đồng Hùng Lô, xã Hùng Lô thu hút đông đảo khách du lịch hằng năm.

Tiếp xúc với người dân các xã vùng ven đô, ngoài niềm vui mừng, phấn khởi về đời sống, chúng tôi còn cảm nhận rõ sự thay đổi trong tư duy của họ, đặc biệt là tư duy sản xuất. Là trung tâm kinh tế, chính trị xã hội của tỉnh, thành phố đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại gắn với phát triển nông nghiệp đô thị chất lượng cao, đồng thời coi phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng.

Nằm bên dòng Lô Giang êm đềm, là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử và quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hóa Hùng Vương, những năm qua Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Hùng Lô đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế. Xã Hùng Lô hiện có đình cổ Hùng Lô trên 300 năm tuổi, khoảng 50 ngôi nhà gỗ có niên đại trên 100 năm được bảo tồn nguyên vẹn, trong đó, có năm ngôi nhà được đưa vào chương trình du lịch phục vụ khách quốc tế. Với những giá trị văn hóa tâm linh độc đáo kết hợp với sản xuất nông nghiệp và hoạt động của các làng nghề truyền thống là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng phục vụ du khách. Du lịch Hùng Lô hiện nay đã có những bước phát triển nhanh và trở thành một trong những điểm du lịch trọng tâm của thành phố và của tỉnh. Thu nhập của người dân địa phương tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đây.

Ý Đảng, lòng dân hòa quyện ở vùng đất ven đô song song với quá trình phát triển, đổi mới, sự đồng lòng ấy là nền tảng quan trọng để duy trì và tiếp tục nâng cao đời sống, diện mạo mới của các xã ven đô, mang theo niềm tin và hy vọng thành phố Việt Trì sẽ ngày càng văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện xứng tầm đô thị loại I.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/doi-thay-cac-xa-ven-do/184610.htm