Đổi thay khi nghị quyết đi vào cuộc sống

Bảo Lạc là huyện biên giới vùng sâu, vùng xa khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư sống rải rác là những rào cản trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ của Đảng bộ huyện khóa 20 là sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay một số mô hình cây công nghiệp trên địa bàn đang đem lại hiệu quả cao.

Chủ tịch UBND xã Cô Ba Ma Văn Dũng (bên trái) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây dâu với nông dân Nguyễn Văn Thường.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình ông Nguyễn Văn Thường, xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, với hơn ba nghìn cây dâu tằm. Hằng năm tiền bán kén, trừ chi phí, cũng thu được hơn 100 triệu đồng. Gia đình ông Thường là một trong 11 hộ tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm theo chương trình hợp tác của huyện Bảo Lạc với huyện Nà Po (Quảng Tây, Trung Quốc) từ năm 2011. Dự án này từng gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu do mới trồng, người dân chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc cây dâu cũng như quy trình vào kén tằm, cho nên nhiều hộ có ý định từ bỏ.

Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện Bảo Lạc trực tiếp xuống các xóm nắm tình hình thực tế, chỉ đạo cấp ủy chính quyền xã nòng cốt là các đảng viên trong chi bộ xóm, tiếp tục triển khai trồng cây dâu tằm, đồng thời cử cán bộ khuyến nông, khuyến lâm của huyện xuống hướng dẫn cho người dân. Sau một năm triển khai thực hiện đã cho thu hoạch khoảng 4,5 tấn kén trên diện tích khoảng 3 ha. Từ kết quả đó, người dân tin tưởng và làm theo. Đến nay cả xóm Phiêng Mòn có hơn 30 hộ dân tham gia trồng dâu nuôi tằm, với hơn 30 nghìn cây. Hằng năm, tạo nguồn thu nhập ổn định hơn hai tỷ đồng.

Từ hiệu quả của mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Cô Ba, đến nay, huyện Bảo Lạc đã mở rộng ra bốn xã Cô Ba, Hồng Trị, Hưng Thịnh, Bảo Toàn với diện tích hơn 90 ha, hằng năm thu hơn 40 tấn kén, đem lại nguồn thu hơn bốn tỷ đồng cho người nông dân. Thực tế này đã đánh giá kết quả công tác chỉ đạo điều hành của huyện Bảo Lạc đối với chính quyền cơ sở, đổi mới hoạt động của các chi bộ, triển khai thực hiện nghị quyết của đảng vào cuộc sống. Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nông Ích Chánh cho biết: “Sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện đưa nghị quyết vào thực tế cuộc sống đã thật sự thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Chúng tôi luôn theo sát để nhanh chóng khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế để các mô hình kinh tế đem lại thu nhập hiệu quả”.

Hằng tháng, đảng ủy các xã, thị trấn ở huyện Bảo Lạc luôn trực tiếp xuống các chi bộ thôn xóm, nắm bắt, giải quyết những vướng mắc của cơ sở một cách kịp thời. Bản thân lãnh đạo đảng ủy các xã đã nghiên cứu sâu sắc nội dung nghị quyết để tuyên truyền giải thích cho các đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ, từ đó gắn nội dung nghị quyết với những công việc cụ thể như: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế hàng hóa xóa đói giảm nghèo; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Những nội dung nghị quyết được lồng ghép, tuyên truyền bằng ngôn ngữ của chính đồng bào dân tộc địa phương giúp cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Chủ tịch UBND xã Cô Ba Ma Văn Dũng cho biết: “Để truyền đạt Nghị quyết của Đảng bằng tiếng địa phương không hề dễ, thường phải dịch nghĩa đơn giản mà không được sai nội dung. Nói làm sao để đồng bào hiểu, làm theo".

Đảng bộ huyện Bảo Lạc đã xác định sáu chương trình trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đáp ứng vai trò lãnh đạo trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ then chốt. Đảng bộ huyện đã chỉ đạo các cấp, các chi bộ, đảng bộ đề ra chương trình kế hoạch thực hiện nghị quyết của đảng bộ toàn khóa. Tập trung nâng cao năng lực, sức chiến đấu tổ chức cơ sở đảng, đổi mới hình thức sinh hoạt chi bộ gắn với những công việc cụ thể của từng cá nhân, đơn vị. Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc Công Văn Hưu khẳng định: “Đảng bộ và nhân dân huyện Bảo Lạc quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Muốn làm được điều đó thì cần đưa Nghị quyết vào thực tế. Chi bộ mạnh là chi bộ quán triệt được Nghị quyết của Đảng, cùng đồng bào, đồng chí làm giàu, thay đổi cuộc sống”.

Bằng những cách làm linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng ngành, từng địa phương, Đảng bộ huyện Bảo Lạc đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 20, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra. Từ đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Bảo Lạc đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo nhanh bền vững; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bài và ảnh: PHONG CHƯƠNG, VIỆT HÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34983502-doi-thay-khi-nghi-quyet-di-vao-cuoc-song.html